Sửa Nghị định xăng dầu: Được lấy hàng 3 nơi, mỗi nơi 1 giá, thì bán lẻ giá nào?

Lãnh đạo Hiệp hội xăng dầu Việt Nam đặt vấn đề, doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng từ 3 nguồn, mỗi đầu mối được mua một giá khác nhau, vậy doanh nghiệp bán lẻ bán theo giá nào?

Dự thảo Nghị định xăng dầu sửa đổi lần này tập trung 4 vấn đề lớn gồm: Điều kiện tham gia hệ thống, hệ thống phân phối, quy định về giá, quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Tại Hội thảo Góp ý Dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 14/5, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm đến việc sửa đổi quy định về giá.

Hướng đến người tiêu dùng có quyền được lựa chọn giá

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng) cho rằng, cần bàn rõ quy định về định giá bán lẻ.

Theo dự thảo, nghị định sẽ đưa ra các tiêu chí và doanh nghiệp đầu mối, phân phối sẽ tính toán và công bố giá trần và trong hệ thống không được bán vượt giá trần này.

Tuy nhiên, ông Thắng góp ý, nếu để thị trường hóa thì cần bỏ giá trần; Cho phép thương nhân đầu mối định giá bán buôn mức 1; Thương nhân phân phối định giá bán buôn mức 2 và cho phép doanh nghiệp bán lẻ quyết định giá bán lẻ đến tay người dùng.

Dự thảo sẽ đưa ra các tiêu chí và doanh nghiệp đầu mối, phân phối sẽ tính toán và công bố giá trần.

Dự thảo sẽ đưa ra các tiêu chí và doanh nghiệp đầu mối, phân phối sẽ tính toán và công bố giá trần.

Cơ sở đưa ra kiến nghị này, theo ông Thắng sẽ đảm bảo lợi nhuận từng khâu và không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp đầu mối và phân phối chèn ép doanh nghiệp bán lẻ như tình trạng chúng ta đã thấy thời gian qua.

Cũng về nội dung này, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội xăng dầu Việt Nam (Vinpa) băn khoăn nhiều quy định.

Ông Khanh đề nghị làm rõ nội dung tại điều 17 về quyền và nghĩa vụ của thương nhân bán lẻ có nêu "giá bán của thương nhân bán lẻ được thỏa thuận giữa thương nhân bán lẻ với đầu mối và phân phối, nhưng không được cao hơn giá bán quy định tại điều 33".

"Giá bán quy định là thỏa thuận, thỏa thuận hiểu như thế nào? Nếu là đại lý, nhượng quyền thì được bán theo quy định của phân phối và đầu mối. Nhưng nếu mua bán trong hệ thống, thì xin được hỏi quyết định giá bán lẻ này như thế nào?", ông Khanh đặt vấn đề.

Theo quy định, doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng từ 3 nguồn. Ông Khanh nói: "Mỗi đầu mối tôi mua 1 giá khác nhau, tôi có được quyết định giá bán lẻ hay không? Và khi tôi quyết định thì kê khai giá bán, thông báo giá bán như thế nào?".

Bên cạnh việc yêu cầu làm rõ những thông tin trên, lãnh đạo Vinpa đồng tình quan điểm để doanh nghiệp quyết định giá bán lẻ xăng dầu.

"Khi doanh nghiệp quyết định giá, trên thị trường sẽ có giá xăng dầu mấp mô, người tiêu dùng có quyền được lựa chọn", ông Khanh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Vinpa cũng đề nghị với các yếu tố trong công thức giá do Nhà nước quyết định, công bố, cần tính đúng, tính đủ, tính kịp thời để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tạo nguồn và có chiết khấu hợp lý cho hệ thống xăng dầu.

Trao quyền quá nhiều cho đầu mối xăng dầu

Tại dự thảo lần này, Bộ Công thương cũng đề xuất thương nhân phân phối chỉ được nhập hàng từ doanh nghiệp đầu mối, không được mua hàng lẫn nhau. Trước đây, các thương nhân phân phối được mua hàng lẫn nhau, cơ quan thanh tra hồi đầu năm 2024 đã kết luận một số thương nhân phân phối mua bán lòng vòng, thu lợi bất chính.

Ông Hoàng Trung Dũng, một thương nhân phân phối cho rằng, quy định thương này đang hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp.

"Trước đây chúng tôi được mua hàng của nhau, như vậy có độ mở trong hoạt động kinh doanh. Ở dự thảo mới này, chúng tôi chỉ được nhập hàng từ đầu mối, ở đây có sự hạn chế quyền của doanh nghiệp", ông Dũng nói và cho rằng, dự thảo đang xây dựng theo hướng có sự "phân biệt đối xử với các doanh nghiệp" khi doanh nghiệp đầu mối được nhập từ nhiều nguồn, mua hàng lẫn nhau nhưng thương nhân phân phối thì không.

Nhắc lại câu chuyện ở thời điểm 2022, nguồn cung xăng dầu gặp vấn đề, ông Dũng nói "chúng tôi gọi, hỏi đầu mối kiểu gì cũng không được, vậy lúc đó chúng tôi nhập hàng ở đâu?".

Nhiều thương nhân đầu mối khác cũng cho rằng, không cho thương nhân phân phối mua hàng lẫn nhau là chưa phù hợp, quy định này không khuyến khích doanh nghiệp phát triển mà ngược lại, đang hạn chế.

Kiến nghị đưa công cụ giá vào nghị đinh

Kinh doanh xăng dầu thời gian qua có những bất ổn, theo chuyên gia Ngô Trí Long, một trong những nguyên nhân chính là do biến động giá thế giới.

"Biến động giá xăng dầu đã gây ra những tác động trực tiếp đến sự bất ổn của nền kinh tế, đẩy lạm phát gia tăng, đồng thời ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và đời sống người dân", ông Long nói và cho rằng, sự biến động trên đã nổi lên tính cấp thiết về các biện pháp phòng ngừa rủi ro.

Theo ông, phương thức kinh doanh của doanh nghiệp xăng dầu nước ta chủ yếu là mua trực tiếp theo thời giá thế giới. Do vậy, sự biến động mạnh về giá thế giới gây rủi ro rất lớn tới doanh nghiệp.

Vì vậy, ông kiến nghị, cần đưa công cụ bảo hiểm giá vào trong nghị định lần này. Tức là, giao dịch dựa trên nguyên tắc thỏa thuận ấn định giá cố định cho giao dịch một lô hàng tại một thời điểm nhất định. Lúc đó, doanh nghiệp chỉ phải trả một khoản phí nhất định cho lô hàng mà không lo biến động giá thế giới tác động vào.

"Việc này không chỉ giúp bình ổn giá trong nước mà còn tránh rủi ro lớn cho doanh nghiệp", ông Long nhận định.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/sua-nghi-dinh-xang-dau-duoc-lay-hang-3-noi-moi-noi-1-gia-thi-ban-le-gia-nao-192240514143026844.htm