Đã đến lúc dứt khoát bỏ độc quyền vàng miếng

Thời gian qua, giá vàng gây 'sóng gió' trên thị trường tài chính, liên tục tự phá vỡ kỷ lục về giá của chính mình. Tuy nhiên, biến động trên thị trường vàng không phải chỉ do tác động bên ngoài từ thị trường thế giới, mà còn xuất phát nhiều từ những nguyên nhân nội tại. Vì vậy, không chỉ giá cao, còn xảy ra hiện tượng khan hiếm vàng càng khiến cho thị trường phát sinh nhiều vấn đề.

Hiện, giá vàng vẫn đang chờ đợi những thông tin từ việc sửa đổi Nghị định 24 về kinh doanh vàng. Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đã có những trao đổi với PV Báo CAND một số quan điểm xung quanh vấn đề này.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

PV: Thưa ông, giá vàng thời gian qua tăng rất bất thường và diễn biến thị trường cũng bất thường theo, như việc tái diễn cảnh người người xếp hàng mua bán, khan hiếm vàng nhẫn… Điều gì đang diễn ra, ai đang “làm giá” vàng?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: SJC tăng thời gian qua dữ dội so với giá thế giới là do từ năm 2013 đến nay không được dập thêm miếng nào. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã niêm phong máy dập, doanh nghiệp và người dân chỉ mua đi bán lại số vàng được dập trước đó trên thị trường. Những vàng miếng còn số seri còn vỉ thì yên tâm về chất lượng không cần kiểm tra lại, vì thế người ta tìm đến SJC như một bảo chứng, đảm bảo về chất lượng cho vàng. Rõ ràng khi cung không tăng mà cầu tăng thì giá tất yếu sẽ tăng.

Về cầu, có thể thấy như thời gian trong năm 2023 và đầu năm 2024 đến nay, các kênh đầu tư đều rất khó khăn, lãi suất xuống thấp nhất trong vòng 20 năm. Bất động sản thì chững lại, chứng khoán đòi hỏi những điều kiện nhất định tương đối khắt khe đối với nhà đầu tư, và nó tương đối khó vì nhà đầu tư phải am hiểu thị trường, phải biết đọc báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh thì mới đầu tư hiệu quả nên nó cũng không thể dành cho số đông. Ngoài ra tâm lý tích trữ vàng của người dân là truyền thống muôn đời, vì thế người dân mua nhiều vàng SJC do yên tâm về chất lượng. Khi cầu quá cao, SJC không đủ cung cấp thì vàng nhẫn cũng được hưởng lây, dù trước đó vàng nhẫn không được chú ý nhiều.

Chưa kể, vì SJC chênh quá cao so với giá thế giới, trong khi giá vàng nhẫn lại sát thế giới hơn nên người dân có tâm lý “dịch chuyển” nhu cầu sang mua vàng nhẫn để giảm thiểu rủi ro. Và khi người ta đã chuyển nhu cầu từ vàng miếng sang vàng nhẫn thì giá cũng sẽ tăng theo. Nhiều người mua quá, doanh nghiệp không kịp sản xuất, thậm chí không đủ nguyên liệu để sản xuất, do hơn 10 năm nay, theo quy định tại Nghị định 24, NHNN chưa cấp phép cho doanh nghiệp nào được nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang, vàng nhẫn nên việc khan hiếm là điều tất yếu sẽ xảy ra.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp kinh doanh vàng thấy cung không tăng mà cầu tăng thì họ cũng bắt đầu làm giá, kiểu té nước theo mưa.

PV: Như vậy, theo ông là có hiện tượng làm giá của các doanh nghiệp. Vậy, ai sẽ hưởng lợi, và ai sẽ chịu thiệt trong “cuộc chơi” này, thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Doanh nghiệp làm giá thì dĩ nhiên lợi nhuận sẽ vào túi doanh nghiệp chứ không phải người mua vàng hay người bán vàng. Khách hàng sẽ rủi ro vì doanh nghiệp kéo giãn khoảng cách mua bán rất cao. Trước đây, chênh lệch giá mua – bán vàng chỉ vào khoảng 500 nghìn đồng, nhưng hiện giờ, kể cả vàng miếng hay vàng nhẫn, doanh nghiệp đều kéo doãng khoảng cách mua bán lên tới 2-3 triệu đồng/lượng. Nghĩa là, nếu khách hàng mua vàng thì phải đợi tới khi giá vàng tăng thêm 2-3 triệu đồng/lượng thì mới hòa vốn, chứ chưa thể tính tới lời. Mà, với sự lên xuống liên tục như thời gian qua thì rủi ro cho người mua vàng là rất lớn.

PV:Thực ra, giá cao, chung quy cũng là do khan hiếm nguồn cung mà ra. Điều đáng lo là vấn nạn vàng lậu như một số chuyên gia đang cảnh báo…

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tôi nghĩ điều này là chắc chắn. Việc khan hiếm sẽ kích thích buôn lậu. Khoảng cách tăng lợi nhuận siêu khủng, nói như Karl Marx, lợi nhuận siêu khủng tới 300% thì treo cổ lên họ vẫn làm. Vì thế, việc buôn lậu vàng dù không có số liệu chính xác nhưng chắc chắn tiềm ẩn rất nhiều. Khoảng cách chênh lệch nội ngoại hiện quá cao, chỉ cần xách một khối lượng vàng to bằng bao thuốc lá thôi cũng đã mang lợi nhuận lên tới hàng chục triệu. Vậy thì rõ ràng rất khó để ngăn chặn nạn vàng lậu trong bối cảnh giá cao như hiện nay.

Giá vàng chênh lệch lớn gây rủi ro cho nhà đầu tư. Ảnh minh họa

PV: Có ý kiến cho rằng USD tăng nóng trong thời gian gần đây, một phần cũng vì vàng lậu?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Thước đo của vàng là đồng USD. Khi thị trường khan hiếm, cần nhập vàng nguyên liệu, muốn mua vàng thì phải gom USD nên dĩ nhiên giá USD sẽ tăng - đây là tác động thứ nhất của vàng tới USD. Thứ 2, là khi giá vàng tăng thì người nắm giữ USD sẽ thấy tiền đồng mất giá, họ sẽ lại gom USD. Và điều này làm cho giá USD trong nội địa tăng. Thứ 3, khi giá chợ đen tăng, doanh nghiệp thấy giá USD tăng họ lại lo tích trữ. Thế là sức ép tỷ giá lại tiếp tục tăng nữa. Sự cộng hưởng này khiến cho thị trường trong thời gian qua khá căng thẳng, thậm chí có thời điểm giá USD còn tăng tới 7% so với trước Tết. Vì thế NHNN đã kéo khoảng cách giữa giá USD chợ đen và giá ngân hàng về cơ bản gần bằng nhau, điều này mới tránh được đầu cơ.

PV: Thị trường vàng nhiều bất cập, cho thấy Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng đã không còn phù hợp. NHNN cũng đang tính toán sửa đổi. Vậy, ông có góp ý gì cho việc sửa đổi Nghị định 24?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Theo tôi quan trọng nhất là xem xét để nhập khẩu vàng - đây là việc làm cần thiết.

Có ý kiến cho rằng nên lập sàn giao dịch vàng nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi thì không nên lập sàn vàng. Chúng ta cần trả lời câu hỏi: Lập sàn vàng vì mục tiêu gì và phục vụ ai, đáp ứng nhu cầu gì của nền kinh tế? Theo tôi sàn vàng sẽ không hiệu quả, và nếu như khi chúng ta chưa trả lời được những câu hỏi này thì việc thành lập sàn vàng là chưa thực sự cần thiết và chưa khả thi.

Tôi được biết Hội đồng vàng thế giới cũng muốn hỗ trợ cho Hiệp hội vàng Việt Nam phát triển thị trường vàng thông qua thành lập sàn vàng, nhưng tôi tính toán thấy chi phí bộ máy này không nhỏ, mà mục tiêu là phục vụ ai lại không thỏa đáng, trong khi chúng ta không khuyến khích và nó có phù hợp với định hướng kinh tế của chúng ta hay không thì cần phải xem xét. Về phát hành chứng chỉ vàng hoặc là vàng tài khoản, tôi nghĩ vấn đề này thì cần phải xem xét để triển khai, vì nó sẽ giúp giảm tải cho thị trường vật chất, hơn nữa trong thời đại số hóa hiện nay, việc mua vàng chứng chỉ và vàng tài khoản cũng là việc cần thiết, không nên để nắm giữ vàng vật chất quá nhiều.

Còn quay trở lại việc nhập khẩu vàng, theo tôi là cần thiết vì nó sẽ giúp giảm áp lực của thị trường, đáp ứng được nhu cầu của người dân, đặc biệt đáp ứng được nhu cầu sản xuất vàng trang sức của các doanh nghiệp.

PV: Về việc nhập vàng, nhiều người bày tỏ lo ngại vì chúng ta sẽ mất ngoại tệ, và lại có thể tạo thêm áp lực vàng hóa cho nền kinh tế?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Hiện giờ, các doanh nghiệp đưa ra con số xin nhập là khoảng 150kg vàng nguyên liệu. 150kg vàng tưởng nhiều nhưng thực ra tính ra giá trị đồng USD thì nó cũng không lớn. Mỗi năm chúng ta nhập khẩu rất nhiều ôtô, cũng như chúng ta chi rất nhiều USD để nhập những mặt hàng xa xỉ, vậy tại sao lại cấm nhập khẩu vàng? Nếu chúng ta nhập khẩu thì nó đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người dân trong việc giao dịch, tích trữ, đồng thời đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho công nhân chế tác vàng.

Thực tế, chúng ta có những tay nghề chế tác vàng trang sức cao, tạo ra những sản phẩm tốt, tinh xảo, xuất khẩu đi một số nước được đánh giá cao. Như vậy, nếu chúng ta cho nhập vàng nguyên liệu, sản xuất vàng trang sức, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước vừa xuất khẩu ra nước ngoài thu về ngoại tệ. Như thế, lợi cả đôi đường và giúp bình ổn thị trường.

PV: Đấy là vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, vàng nhẫn, vậy còn vàng miếng thì sao, quan điểm của ông như thế nào?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Nên xóa bỏ cơ chế độc quyền vàng miếng SJC. Tôi nghĩ đấy là điều cần thiết, hãy để cho những doanh nghiệp đủ điều kiện được dập vàng miếng bán ra thị trường nhưng nhà nước phải kiểm soát số lượng để tránh đầu cơ, vì chúng ta không khuyến khích đầu cơ vàng, nhưng chúng ta phải đáp ứng nhu cầu chính đáng tích trữ của người dân. Hơn nữa, vàng là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nó còn liên quan tới vấn đề dự trữ quốc gia nên phải có sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

PV: Vậy, ông có thể khuyến nghị với nhà đầu tư, trong thời điểm này, có nên mua vàng hay đợi quy định mới của cơ quan quản lý?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Theo tôi để sửa Nghị định 24 về kinh doanh vàng thì nó sẽ không thể một sớm một chiều được mà phải có nghiên cứu phù hợp, và đưa ra giải pháp nào sẽ do NHNN cân đối. Nhưng mà dù Nghị định sửa đổi thế nào thì nhà nước vẫn cần phải quản lý thị trường vàng vì nó là loại hàng hóa đặc biệt ảnh hưởng đến dự trữ quốc gia như tôi đã nói. Với nhà đầu tư trong thời điểm này cần phải hết sức thận trọng, nhất là những nhà đầu tư không chuyên rủi ro sẽ rất lớn. Còn lời khuyên chung cho các nhà đầu tư thì dù muốn đầu tư vào lĩnh vực nào cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin, cập nhật thông tin và kiến thức, từ đó mới có quyết định phù hợp và chuẩn xác.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/da-den-luc-dut-khoat-bo-doc-quyen-vang-mieng-i726163/