Cuộc thi viết 'Người thầy kính yêu': Nghẹn ngào nhớ ân tình thầy cô

Đã 10 năm trôi qua nhưng tình cảm các thầy cô Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình 2 dành cho cậu sinh viên nghèo đến nỗi phải đi học 'chui' khiến tôi luôn trào nước mắt

Tháng 9-2011, tôi trúng tuyển hệ chính quy của Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình 2. Buồn thay, tôi không có tiền để đóng học phí dù số tiền chỉ có 1,8 triệu đồng/học kỳ. Vì quá mê học nên tôi quyết định vẫn đến trường tham gia tuần học đầu tiên, với hy vọng sẽ kịp có tiền.

Tấm lòng thầy cô dành cho học trò nghèo

Vào học được hơn một tuần, nhà trường điểm danh sinh viên thì phát hiện tôi chưa hoàn thành việc đóng học phí và thủ tục nhập học, tôi được mời lên gặp ban giám hiệu. Sau khi nghe tôi trình bày hoàn cảnh, thầy cô kiểm chứng thông tin thì cho tôi được học, bạn bè trong lớp góp tiền cho tôi đóng học phí. Vậy là ước mơ học trường báo chí của tôi đã trở thành hiện thực.

Tác giả cùng ban giám hiệu tặng học bổng cho sinh viên nghèo. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Suốt 2 năm học ở trường, dù học lực không quá xuất sắc nhưng tôi vẫn hoàn thành chương trình học, thầy cô cũng hiểu hoàn cảnh cậu sinh viên ban ngày đi học còn ban đêm đi làm thêm. Tôi ở trọ quận 12, TP HCM, 4 giờ tôi phải đi rửa chén cho tiệm phở tới 7 giờ thì lên lớp, tối về phục vụ quán cà phê, tiền công chỉ đủ tiền nhà trọ và ăn uống, vẫn không đủ để đóng tiền học.

Bạn học ký tên lên áo của thầy Nguyễn Tài Hoạt tặng tác giả ngày rời trường

Mẹ tôi vì hoàn cảnh ở quê nên cũng từ Dầu Tiếng (Bình Dương) lên thành phố trọ với tôi và đi làm tạp vụ kiếm thêm thu nhập. Hai mẹ con thiếu trước hụt sau, thậm chí hôm 30 Tết năm 2012 mà trong nhà trọ không có nổi mâm cơm tất niên. Tôi vẫn hay kể cho bạn bè nghe về đêm giao thừa đó, trong nhà chỉ còn đúng lon gạo và ít thức ăn. Thầy cô ở trường biết hết nên thương tôi, cô giáo chủ nhiệm là thạc sĩ Cù Thị Thanh Huyền còn gọi tôi ra cổng trường đưa vội ít gạo và tặng tôi vài bộ quần áo còn mới.

Ba năm học ở trường, hầu như học kỳ nào tôi cũng được thầy cô thay phiên nhau đóng học phí trước để tôi có thể thi, sau đó tôi đi làm rồi trả lại dần. Riêng cô Bùi Hương, năm đó cô đưa cho tôi 1 triệu đồng để đóng học phí nhưng tôi vẫn chưa trả được. Đến năm 2022, khi biết cô đã định cư ở Úc, tôi có nhờ một giảng viên nhắn giúp với cô để tôi được hoàn trả thì cô đã từ chối nhận và tặng cho tôi…

Hai năm học ở trường, tôi không mua đồng phục mới, 2 cái áo trắng đã ngả màu và có vẻ hơi chật. Bước qua năm thứ ba cũng là lúc trường bán đồng phục cho sinh viên, thầy Nguyễn Tài Hoạt (nguyên Trưởng Phòng Công tác học sinh - sinh viên) đã gọi tôi lên rồi bảo: "Ngày mai lên thầy cho cái áo mới, có mà mặc ngày khai giảng". Nghe câu nói của thầy, lòng tôi cảm thấy sung sướng và có chút nghẹn lòng.

Trở về cùng thầy cô nâng cánh ước mơ

Xin nói đôi dòng về thầy Hoạt, từ khi thầy tham gia buổi gặp đầu tiên cho tôi được đi học, thầy đã thương tôi. Ngày nào tôi cũng viết những bản tin ngô nghê của một tân sinh viên trường báo chí gửi cho thầy, thầy vẫn miệt mài sửa từng lỗi rồi góp ý trực tiếp hoặc qua email. Thầy ít nói chuyện với tôi, mỗi lần gặp chỉ vỗ vai khen hoặc chê điều gì đó nhưng đủ ý và tôi hiểu.

Vậy là ngày khai giảng năm học cuối tôi có chiếc áo mới, tôi vẫn ít mặc nó mà chỉ dùng cho những ngày quan trọng. Tôi quý chiếc áo của thầy Hoạt vô cùng, ngày rời trường, tôi đã xin ý kiến thầy cho tôi được dùng chiếc áo đó để các bạn ký tên lên làm kỷ niệm. Cho tới tận hôm nay, tôi vẫn giữ chiếc áo đó, mặc dù có sơ suất đã bị rách nhẹ.

Tôi vẫn còn nhớ mãi ngày tôi rời trường, cảm xúc không thể nào tả được hết tình yêu dành cho nơi đã nuôi dưỡng tôi, nơi thầy cô đã dành những quan tâm, giúp đỡ hết lòng cho những sinh viên như tôi. Và trên hết, ngày tôi rời trường mang theo tấm áo của thầy Nguyễn Tài Hoạt làm hành trang cuộc đời. Tấm áo mới của thầy Hoạt đã luôn theo tôi, nếu thầy không tặng thì tôi đã không có cái áo mới cho ngày khai giảng… Tôi tự hứa với lòng mình rằng một ngày nào đó tôi sẽ trở về để cùng thầy cô nâng cánh ước mơ cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Tôi vẫn nhớ như in khi tôi lên phòng chào thầy Hiệu trưởng Kim Ngọc Anh, bước ra khỏi phòng mà nước mắt lưng tròng. Rồi đâu đó trong tôi bất chợt vang lên những câu hát ngân nga: "Đi xa luôn nhớ nơi này, bóng dáng cô thầy ngày ngày vẫn luôn ngóng trông...".

Mặc dù bây giờ tôi đã ra trường gần 10 năm, có nhiều thầy cô tôi vẫn chưa gặp lại hoặc có thể sẽ rất khó gặp lại vì hoàn cảnh địa lý như cô Bùi Hương. Nhưng tôi tin rằng nếu vô tình thầy cô có đọc được bài viết này sẽ nhớ lại cậu sinh viên nghèo năm xưa đã được thầy cô yêu thương, chỉ dạy cho cậu ấy được thực hiện ước mơ…

Năm 2021 tôi đi làm và quyết định tài trợ học bổng cho sinh viên khó khăn của trường trong 5 năm với mỗi năm là 20 triệu đồng. Ngày tôi về trường để trao số tiền đó, tôi đã gặp tiến sĩ Kim Ngọc Anh (hiệu trưởng nhà trường) và tôi nhớ mãi câu nói hôm đó của thầy: "Tôi tin chắc một ngày em sẽ trở về trường". Thầy Kim Ngọc Anh đã không quên cậu sinh viên nghèo năm 2011 đã đi học "chui" khiến cho ban giám hiệu phải đau đầu giải quyết...

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Lê Hoàng Ngọc Thạch(cựu sinh viên K11 - Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình 2)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nghen-ngao-nho-an-tinh-thay-co-196240422211452967.htm