Cử tri huyện Lục Ngạn đề nghị ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học

Ngày 12/3, tại Hội trường UBND huyện Lục Ngạn, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Lục Ngạn phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện Lục Ngạn tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về xây dựng cơ sở vật chất, bố trí giáo viên cho cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập đến năm 2025 và năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu HĐND tỉnh gồm các đồng chí: Mai Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Khổng Văn Suất, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh; Lê Xuân Thắng, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lục Ngạn; Trần Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn; Trần Thị Kim Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Giáp Sơn. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh), một số sở, ngành tỉnh.

Các đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri.

Tại hội nghị, cử tri được nghe báo cáo tóm tắt tình hình trường, lớp; biên chế giáo viên; những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng cơ sở vật chất, bố trí giáo viên biên chế cho cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và năm 2030; dự thảo kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bố trí giáo viên đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập giai đoạn 2024-2030 của UBND tỉnh.

Hội nghị tiếp xúc cử tri là dịp để các đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Lục Ngạn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những khó khăn của đội ngũ cán bộ, giáo viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện. Từ đó kịp thời đề xuất, kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền nhằm phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trong tình hình mới.

Đồng chí Mai Sơn phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri.

Theo báo cáo của đại diện UBND huyện Lục Ngạn, toàn huyện hiện có 101 cơ sở giáo dục (33 trường mầm non, 31 trường tiểu học, 28 trường THCS, 2 trường tiểu học và THCS, 6 trường THPT, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên). Tổng số có gần 3,5 nghìn cán bộ, giáo viên. Quy mô mạng lưới trường, lớp phát triển hợp lý. Chất lượng giáo dục toàn diện có chuyển biến, chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng cao. Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học đạt 94,1%, thấp hơn so với toàn tỉnh.

Tại hội nghị, nhiều cử tri nêu ý kiến về thực trạng thiếu giáo viên so với kế hoạch được giao năm 2024 ở các trường mầm non, tiểu học, THCS, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Việc bố trí giáo viên dạy các môn: Tiếng Anh, tin học tại điểm trường lẻ khó khăn do địa bàn rộng, trong ngày, một giáo viên phải di chuyển đến nhiều điểm lẻ để giảng dạy. Tình trạng gia tăng dân số dẫn đến nhiều trường có đông học sinh, trong khi thiếu giáo viên, thiếu phòng học nên sĩ số học sinh/lớp cao hơn quy định. Một số cơ sở giáo dục có diện tích hẹp, không thể xây dựng bổ sung phòng học, phòng chức năng, sân tập thể thao theo các tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Nhiều điểm trường chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Một số ý kiến đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có chủ trương và ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn huyện Lục Ngạn; đề nghị UBND tỉnh ban hành kế hoạch bố trí giáo viên đến năm 2025 và năm 2030. Trong đó xem xét có cơ chế đặc thù cho huyện Lục Ngạn về việc bố trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập để giảm bớt khó khăn cho huyện khi phân bổ giáo viên trong điều kiện còn nhiều điểm trường lẻ và số lượng học sinh không đồng đều giữa các vùng.

Cử tri Lý Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Thành nêu ý kiến.

Trước tình trạng thiếu giáo viên ở một số cơ sở giáo dục, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, để thực hiện song hành hai nhiệm vụ là tinh giản biên chế theo quy định và bảo đảm chất lượng GD&ĐT, Chính phủ đã có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn. Trong đó, Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập đã góp phần gỡ vướng khi các nhà trường thiếu giáo viên, bảo đảm chất lượng dạy và học.

Về thực trạng cơ sở vật chất trường học còn nhiều khó khăn để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, UBND huyện tiếp tục nắm bắt, hướng dẫn, hỗ trợ các nhà trường từng bước tháo gỡ khó khăn. Chủ trương của ngành giáo dục và huyện Lục Ngạn là dồn xóa điểm lẻ để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho khu trường chính bảo đảm các điều kiện dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, chú trọng đầu tư xây dựng đồng bộ các hạng mục công trình ở từng trường đạt tiêu chí chuẩn quốc gia.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Mai Sơn thay mặt các vị đại biểu trao đổi, làm rõ và tiếp thu các ý kiến của cử tri nêu tại hội nghị. Đồng chí nhấn mạnh: Hội nghị được tổ chức là cơ hội để các đại biểu HĐND tỉnh nắm bắt thực trạng GD&ĐT của huyện Lục Ngạn. Từ đó, tỉnh ban hành những quyết sách tháo gỡ vướng mắc, đồng thời kiến nghị với T.Ư, Chính phủ để điều chỉnh cơ chế, chính sách, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đồng chí khẳng định tỉnh Bắc Giang luôn dành sự quan tâm đầu tư cho GD&ĐT, nhất là về cơ sở vật chất. Hiện nay, tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học trên địa bàn tỉnh đạt 96%, cao hơn bình quân chung cả nước.

Trong giai đoạn hiện nay, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, TP ưu tiên đầu tư xây dựng cho các trường còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhất là nơi còn phòng học tạm, chưa bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên. Đồng chí cũng đề nghị UBND huyện Lục Ngạn chú trọng vận động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Trong bối cảnh khó khăn về ngân sách và thực hiện chủ trương tinh giản biên chế nhưng ngành giáo dục vẫn phải tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đồng chí mong muốn đội ngũ nhà giáo chia sẻ, khắc phục khó khăn, tiếp tục cống hiến, đóng góp vào thành tích chung của giáo dục tỉnh nhà.

Với Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ, đồng chí đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thực trạng, từ đó, tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp; xem xét, giải quyết những vấn đề thuộc trách nhiệm của từng ngành. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của T.Ư thì sẽ trao đổi, kiến nghị để từng bước đề xuất tháo gỡ.

Đồng chí giao nhiệm vụ cho bộ phận thư ký tổng hợp đầy đủ, chuyển tới các cấp cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. Sau đó, các đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện ý kiến kiến nghị của cử tri và thông tin kết quả giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền đến cử tri.

Tin, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/cu-tri-huyen-luc-ngan-de-nghi-uu-tien-dau-tu-xay-dung-co-so-vat-chat-truong-hoc.bbg