Chủ tịch Hồ Chí Minh và 'Hành trình khát vọng'

Nhiều học giả, nhà nghiên cứu cho rằng, cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một 'Hành trình khát vọng'.

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp, ủng hộ Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Lớn lên trong cảnh đất nước bị thực dân đô hộ, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã có chí lớn từ sớm, quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Người cho rằng, muốn đánh đuổi được thực dân, đế quốc phải hiểu cho được bản chất thực của chúng, nhất là phải tiếp cận được với văn minh nhân loại và phải tìm cho được con đường cứu nước đúng đắn. Sau nhiều năm bôn ba nước ngoài, tiếp cận nhiều học thuyết và thực tiễn cách mạng của thế giới, Người đã tìm ra chân lý đó là cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Trở về nước sau 30 năm bôn ba, Người bắt tay ngay vào xây dựng lực lượng, tập hợp đoàn kết nhân dân, chuẩn bị cho một cuộc cách mạng lớn - Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cách mạng thành công đã đập tan xiềng xích nô lệ, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, thiết lập nền dân chủ cộng hòa ở nước ta.

Đây là cuộc cách mạng đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Từ đây, chúng ta cũng đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi. Độc lập chính là thành quả minh chứng cho khát vọng lớn lao và những nỗ lực của cả một hành trình tìm đường cứu nước gian nan của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Độc lập còn là thành quả của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự dẫn dắt của Bác Hồ - người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Việt Nam là đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc. Giành được độc lập từ tay thực dân Pháp chưa lâu, đất nước ta lại gánh chịu sự xâm lăng của đế quốc Mỹ. Lúc này, khát vọng của Bác Hồ chính là đánh đuổi đế quốc và bè lũ tay sai, thống nhất đất nước. Đối với Người, độc lập dân tộc không thể tách rời với thống nhất Tổ quốc và phải gắn với tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Người đã từng nói: Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.

Trong muôn vàn tình yêu thương dành cho dân tộc Việt Nam, Bác Hồ luôn dành những tình cảm đặc biệt cho thiếu niên, nhi đồng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đây chính là quan điểm xuyên suốt trong tư tưởng của Người về xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Người quan niệm, chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc…

Ngay từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Người đã chủ trương xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và phú cường. Người xác định, công việc chăm lo đời sống cho nhân dân, khắc phục hậu quả của chế độ thực dân là nhiệm vụ số một sau độc lập: Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.

Không lý thuyết suông, ngay sau khi cầm quyền, Chính phủ lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt tay ngay vào chống nạn đói, nạn dốt, xóa các tệ nạn xã hội, bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò… Người luôn có mong ước cháy bỏng đó là “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Qua đây có thể thấy, giành độc lập dân tộc và đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là hai mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam, được thể hiện rất rõ trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Người quan niệm, cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân chính là cải thiện cả đời sống vật chất và tinh thần trên nền tảng của một xã hội công bằng, tiến bộ, người dân phải làm chủ xã hội mới. Nếu nghèo đói thì sức lực nhân dân yếu ớt, giống nòi suy vong, thế nước đi xuống, như vậy có giữ được tự do, độc lập hay không? Chính vì thế không có cách nào khác là phải tăng gia sản xuất, chống lại nạn đói để chống giặc ngoại xâm. Do đó, ngay từ trong giai đoạn kháng chiến, Người đã chủ trương khởi xướng phong trào Hũ gạo cứu đói, cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa… để đem gạo cứu dân nghèo.

Chúng ta đều rất thuộc câu nói bất hủ của Người: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đất nước được độc lập thì dân ta phải được tự do, mà tự do phải đảm bảo đời sống cho người dân. Từ đó, trong tư tưởng của Người, đất nước phải là của dân, do dân, vì dân.

Người luôn nhắc nhở, Đảng và Nhà nước ta từ nhân dân mà ra, vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ của nhân dân, không lợi ích nào khác lợi ích của nhân dân: Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi…

Như vậy có thể thấy, cả cuộc đời Bác chỉ mong muốn và luôn cố gắng để đưa cả dân tộc Việt Nam tới đài vinh quang của tự do, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu. Khát vọng của Người về ấm no, hạnh phúc cho nhân dân đã được Đảng, Nhà nước ta hiện thực hóa trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Đại hội XIII của Đảng đang tiếp tục hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn thịnh, hạnh phúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, cùng với cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân đã trở thành mục tiêu, chiến lược của Đảng và Nhà nước ta.

Hơn 90 năm từ khi ra đời và phát triển, đến nay, Đảng ta luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, thực hiện đổi mới và hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh - quốc phòng. Thành quả mà đất nước ta đạt được, nhất là sau gần 40 năm thực hiện con đường đổi mới đã cho thấy một Việt Nam lớn mạnh với cơ đồ, tiềm lực và vị thế trên trường quốc tế chưa từng có.

Ngay sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, giang sơn thu về một mối, Đảng, Nhà nước ta bắt tay ngay vào kiến thiết đất nước. Một mặt vừa xây dựng hạ tầng, kiến trúc xã hội, một mặt chăm lo cải thiện đời sống, hạnh phúc nhân dân, bù đắp và hàn gắn vết thương chiến tranh.

Đảng, Nhà nước chủ trương thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo và đạt được thành tựu lớn. Nếu năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của nước ta ở mức 59% (chuẩn cũ) thì đến năm 2016 đã giảm xuống còn 3% (chuẩn mới) và hiện nay tỷ lệ hộ nghèo toàn quốc theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều chỉ còn 4,3%. Điều này cho thấy, đời sống người dân đã được nâng lên một bước rõ rệt, với thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 4,67 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với nâng cao đời sống vật chất nhân dân, từng bước giảm nghèo bền vững, Đảng, Nhà nước ta không ngừng quan tâm đến nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài; chăm lo sức khỏe, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân…

Thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng và Nhà nước ta luôn nêu cao tinh thần lấy dân làm gốc, nhân dân làm chủ: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng. Đảng, Nhà nước cũng yêu cầu, nơi nào để người dân nghèo đói, thiếu ấm no, hạnh phúc, nơi nào còn chưa đảm bảo cho nhân dân về y tế, giáo dục và nhà ở thì nơi đó cấp ủy đảng, chính quyền chưa hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình trước nhân dân, nơi đó cần phải có biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm…

Có thể nói, khát vọng suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc, chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân đã trở thành quốc hiệu Việt Nam: , khẳng định giá trị lớn lao và ý nghĩa trường tồn. Khát vọng đó đã trở thành hiện thực với một đất nước Việt Nam đang trên đà phát triển cường thịnh, vững bước tới tương lai.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202309/chu-tich-ho-chi-minh-va-hanh-trinh-khat-vong-f5c5ba5/