CEO Intel làm khách mời danh dự của Tổng thống Mỹ

Ngày 1-3, trong bài phát biểu Thông điệp liên bang lần đầu tiên tại Quốc hội Mỹ kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trân trọng giới thiệu ông Patrick Gelsinger-vị khách mời danh dự có mặt tại buổi lễ.

“Nếu bạn đi 20 dặm về phía đông của Columbus, Ohio, bạn sẽ thấy khu đất 1.000 mẫu Anh. Trông thì không rộng lắm, nhưng nếu bạn dừng lại và nhìn kỹ, bạn sẽ thấy “cánh đồng của những giấc mơ”, nơi xây dựng tương lai của nước Mỹ. Đây là nơi công ty Intel sẽ xây dựng nên Thung lũng Silicon, xây dựng “siêu nhà máy bán dẫn” trị giá 20 tỷ USD”.

Sự xuất hiện của Patrick Gelsinger-Giám đốc điều hành (CEO) của Công ty Intel tại buổi lễ cho thấy mối quan tâm đặc biệt cũng như ý định khích lệ của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với ngành sản xuất chip bán dẫn.

Việc “ông lớn” Intel thúc đẩy mở rộng sản xuất chip bán dẫn tại thị trường nội địa Mỹ, ngoài việc giúp cho các nhà sản xuất công nghiệp của nước này tự chủ được nguồn cung, còn phù hợp với các mục tiêu của Chính phủ Mỹ về bảo đảm an ninh quốc gia và tăng cường năng lực cạnh tranh với các quốc gia khác.

Chip bán dẫn là một bộ phận quan trọng được ví như “bộ não” của các thiết bị điện tử từ điện thoại thông minh, máy tính, đến xe ô tô và nhiều sản phẩm công nghệ khác. Năm 2021, theo Goldman Sachs, có tới 169 ngành công nghiệp bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chip bán dẫn, trong đó ngành sản xuất ô tô chịu tác động nặng nề nhất.

Giám đốc điều hành Intel Patrick Gelsinger làm khách mời danh dự tại buổi lễ đọc Thông điệp liên bang của Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Washington, Mỹ ngày 1-3. Ảnh: Reuters

Tình trạng thiếu chip bán dẫn khiến nhiều nhà sản xuất ô tô phải cắt giảm sản lượng hoặc đóng cửa tạm thời các dây chuyền sản xuất, gây thiệt hại hàng tỷ USD cho ngành công nghiệp này.

Cuộc khủng hoảng chip bán dẫn trong hai năm qua khiến Chính phủ Mỹ cũng như nhiều nước khác dành sự quan tâm đặc biệt đối với ngành sản xuất chip bán dẫn, cùng với nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung hạn chế, tất cả đã góp phần thúc đẩy làn sóng đầu tư giữa các ông lớn trong ngành.

Năm ngoái, Samsung tuyên bố sẽ đầu tư vào sản xuất chất bán dẫn hơn 205 tỷ USD trong vòng 3 năm, trong đó ưu tiên cho các nhà máy sản xuất chip trị giá 17 tỷ USD ở Texas. TSMC cũng tuyên bố sẽ dành ngân sách kỷ lục 100 tỷ USD trong 3 năm tới để tăng công suất sản xuất chip bán dẫn. Cũng trong năm 2021, Intel đã đánh mất vị trí nhà sản xuất chip bán dẫn số 1 vào tay tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, với mức tăng trưởng chỉ đạt 0,5%.

Trong bối cảnh đó, việc Tổng thống Joe Biden nóng lòng thúc giục các công ty lớn của Mỹ tập trung đầu tư vào ngành sản xuất chip bán dẫn cũng là điều dễ hiểu. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đệ trình Quốc hội Mỹ phê duyệt khoản ngân sách hỗ trợ lĩnh vực này trị giá 52 tỷ USD-vốn được Hạ viện thông qua từ mùa hè năm ngoái, song hiện vẫn chưa được Thượng viện thông qua.

Hồi cuối tháng 1 vừa qua, Intel công bố đầu tư 100 tỷ USD để xây dựng khu phức hợp sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới ở bang Ohio, Mỹ.

Động thái này là một phần trong chiến lược của Giám đốc điều hành Patrick Gelsinger nhằm khôi phục sự thống trị của Intel trong lĩnh vực sản xuất chip và giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào các trung tâm sản xuất chip bán dẫn ở châu Á. “Dự án của Intel là một bước quan trọng trong việc tăng năng lực sản xuất chip nội địa của Mỹ,” theo tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Don Graves.

Theo đại diện của Intel, khoản đầu tư ban đầu trị giá 20 tỷ USD-lớn nhất trong lịch sử bang Ohio-sẽ dành để xây dựng nhà máy trên một khu đất rộng 1.000 mẫu Anh ở bang Ohio. Dự kiến việc xây dựng nhà máy sẽ tạo ra 7.000 việc làm trong lĩnh vực xây dựng trong ít nhất 3 năm tới và tạo ra 3.000 việc làm khi nhà máy đi vào sản xuất.

Tổng cộng sẽ có 8 nhà máy sản xuất chip bán dẫn được xây dựng với tổng vốn đầu tư 100 tỷ USD. Tất nhiên, kế hoạch xây dựng các nhà máy sản xuất chip bán dẫn của Intel chưa thể làm giảm bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung hiện nay, bởi sẽ phải mất nhiều năm từ lúc xây dựng tới lúc đưa các nhà máy này đi vào sản xuất. Bởi vậy, tình trạng thiếu chip bán dẫn ước tính còn tiếp tục kéo dài đến năm 2023.

CEO Intel Patrick Gelsinger không phải là một gương mặt xa lạ. Ông là một kỹ sư tài năng có 30 năm gắn bó với Intel. Năm 2019, ông được một nền tảng tuyển dụng tại Mỹ bình chọn là một trong những CEO xuất sắc nhất nước Mỹ.

Tất nhiên, vực dậy Công ty Intel đang trên đà suy thoái không phải là một công việc dễ dàng đối với bất kỳ ai. Và kế hoạch xây dựng các nhà máy sản xuất chip bán dẫn trong lòng nước Mỹ là bước đi mới nhất trong nỗ lực nhằm đưa Intel khôi phục vị trí là nhà thiết kế chip tiên tiến, cũng như giúp nước Mỹ giành lại vị thế dẫn đầu trong ngành sản xuất chip bán dẫn.

HÀ PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/ceo-intel-lam-khach-moi-danh-du-cua-tong-thong-my-687917