Cần giải pháp về vốn cho 400km đường sắt đô thị

Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành 400km đường sắt đô thị vào năm 2035. Đây là nhiệm vụ khó, nếu không được dỡ bỏ các rào cản về cơ chế, đặc biệt về huy động vốn, khi mà đến nay Hà Nội mới huy động được 6% vốn.

Đầu tư các dự án đường sắt đô thị, hệ thống metro cần khoảng 37 tỷ USD (tương đương 925 nghìn tỷ đồng). Hiện mới huy động khoảng 56 nghìn tỷ đồng, đáp ứng được hơn 6% nhu cầu vốn. Gỡ bỏ các rào cản về chính sách, thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật là điều cần thiết để Hà Nội chủ động hơn trong huy động vốn.

Các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội rất khó để thực hiện song song cùng lúc do không cùng một nguồn vốn. Quá trình giải phóng mặt bằng cũng vì thế kéo theo nhiều khó khăn do không đồng nhất tiêu chuẩn. Đây là một trong những lý do cơ bản dẫn đến thời gian xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội bị kéo dài.

Các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội rất khó để thực hiện song song cùng lúc do không cùng một nguồn vốn.

Ông Trương Thanh Tùng, Trưởng phòng Kỹ thuật thẩm định, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, cho biết: "đơn cử như tuyến 2 và tuyến 3 dùng hai nguồn vốn khác nhau, dẫn đến diện tích sử dụng đất của cầu cạn, hầm, nhà ga khác nhau. Nếu muốn làm song song, đồng bộ, nhanh gọn, chúng ta phải có thông số chủ yếu để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng".

Hà Nội cần được chủ động tự quyết các dự án đường sắt đô thị định hướng TOD.

Hà Nội cần được chủ động tự quyết các dự án đường sắt đô thị định hướng TOD. Đây là cách duy nhất để Hà Nội không bị phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn ODA. Từ đó, mới có thể chủ động được về mặt tiêu chuẩn, kỹ thuật. Để làm được điều đó, theo các chuyên gia, cần phân quyền cho thành phố trong việc điều chỉnh chức năng sử dụng đất trong khu vực TOD.

37 tỷ USD - tương đương 925 nghìn tỷ đồng là tổng số kinh phí mà Hà Nội cần huy động để hoàn thành 400 km đường sắt đô thị. Xác định ngân sách địa phương khó có thể đảm bảo, theo các chuyên gia, trong trường hợp này, có thể cho phép Hà Nội thực hiện dự án xây dựng - chuyển giao BT khi có đủ điều kiện.

10 năm để hoàn thành 400 km đường sắt đô thị là nhiệm vụ khó khăn. Do vậy, để nâng cao tính khả thi, cần trao cho Hà Nội những cơ chế đặc thù, đặc biệt là cơ chế huy động nguồn vốn. Đồng thời, phân quyền mạnh hơn cho Hà Nội để Thủ đô chủ động tháo gỡ khó khăn về cơ chế. Đây là yếu tố quyết định sự thành bại của dự án đường sắt đô thị Hà Nội.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/can-giai-phap-ve-von-cho-400km-duong-sat-do-thi-233116.htm