Công nhân dựng lán trong rừng, bạt nút mở đường tàu xuyên đèo Khe Nét

Trên đỉnh đèo Khe Nét, với địa thế bên dốc cao, bên vực thẳm, hàng trăm công nhân đang miệt mài xây dựng tuyến hầm đường sắt xuyên qua đèo thuộc dự án nâng cấp, cải tạo đường sắt tuyến Hà Nội - TP.HCM.

Dồn lực thi công trước mùa mưa lũ

Dự án làm hầm xuyên đèo Khe Nét sẽ nâng, cấp cải tạo 2,4km đường sắt; cải dịch tuyến mới gần 4,4km; cải tạo, đặt thêm đường số 3 tại ga Đồng Chuối; cải tạo 2 cầu với tổng chiều dài 117,61m; xây dựng mới 3 cầu với tổng chiều dài 0,96km; xây dựng mới 2 hầm với tổng chiều dài 1,39km… cùng hệ thống thông tin tín hiệu đồng bộ khác.

Kỹ sư Nguyễn Duy Sông (SN 1984, Tập đoàn Đèo Cả) cho hay: "Dự án khi hoàn thiện sẽ rút ngắn so với tuyến đường sắt hiện tại gần 2km, rút ngắn một nửa thời gian chạy tàu. Đặc biệt là tránh được khúc cua hình "bóng điện" vẫn luôn đe dọa an toàn chạy tàu".

Công trường dự án nâng cấp, cải tạo đường sắt Khe Nét nằm chênh vênh trên đỉnh đèo, giữa bạt ngàn đồi núi, rất khó khăn cho việc triển khai thi công.

"Trên công trường có khoảng 150 cán bộ, công nhân chia làm 3 mũi thi công, gồm: một mũi cửa Bắc hầm số 1 đang hạ mái cơ; Một mũi thi công đường công vụ số 3 nối giữa 2 hầm; Mũi số 3 gia cố cửa phía Nam hầm số 2…", kỹ sư Sông cho biết thêm.

Đang điều khiển máy múc hạ mái cơ cửa hầm, công nhân Nguyễn Tiến Hưng (quê Ninh Bình) chia sẻ: "Thời tiết ở đây rất bất lợi, nắng mưa thất thường ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thi công, đặc biệt là việc tổ chức thi công bạt những sườn núi, quả đồi.

Sau mỗi trận mưa phải chờ nắng 2-3 ngày thì mới đưa máy lên trên đỉnh đồi được. Đây là công đoạn khó khăn, vất vả và nguy hiểm nhất, bởi nếu không cẩn thận rất dễ xảy ra tai nạn trong quá trình di chuyển cũng như thi công".

Đi trên công trường, đâu đâu PV cũng chứng kiến cảnh người, máy móc đào xới, xẻ núi, bạt đèo. Công việc tuy vất vả, lại giữa chốn rừng sâu nhưng những công nhân luôn cần mẫn, lạc quan.

Sau 2 tháng triển khai, đến nay nhà thầu Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thiện hệ thống trạm trộn bê tông, nhà kho, lán trại công nhân.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt thuộc Bộ GTVT (đại diện chủ đầu tư), dự án gồm hai gói thầu. Gói một xây hai hầm đường sắt dài 935m, thực hiện trong 23 tháng do liên danh Công ty Ilsung - Tập đoàn Đèo Cả thực hiện. Trong đó, hầm thứ nhất dài 620m, hầm thứ hai dài 393m, khổ hầm 10m, thiết kế theo tiêu chuẩn hầm đường sắt cấp I.

Gói thầu hai thi công các công trình cầu, đường sắt, thông tin tín hiệu và công trình còn lại do liên danh Ilsung - Tổng Công ty công trình đường sắt (RCC) thực hiện, thi công 22 tháng.

"Thời điểm này đang là mùa khô, chúng tôi yêu cầu các nhà thầu tập trung tăng ca, tăng kíp để xong phần hạ bộ trước tháng 9 nhằm tránh lũ ống, lũ quét miền núi.

Chúng tôi cũng đã làm việc, đề nghị với chính quyền địa phương tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng liên quan đến 23 hộ dân, trong đó có 10 hộ phải đi tái định cư", kỹ sư Triệu Minh Đông, cán bộ Ban Quản lý dự án đường sắt thông tin.

Vượt khó giữ tiến độ

Đèo Khe Nét là đoạn nằm chênh vênh trên đỉnh đồi cao, dài hơn 10km, nối xã Hương Hóa với Kim Hóa thuộc huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình. Đèo có 43 đường cong nguy hiểm.

Để đến với Khe Nét, PV đã vượt hơn 60km đường đèo với hàng chục điểm "khúc cua tay áo" trùng điệp thuộc tuyến đường quốc lộ 12C, quốc lộ 15.

Mũi thi công đang làm đường tiếp cận các miệng hầm. Dự kiến, vào cuối tháng 5 sẽ bắt đầu khoan hầm.

Theo kỹ sư Sông, quá trình triển khai thi công, dự án gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thời tiết bất lợi, trong một năm chỉ làm được khoảng 6 tháng.

Vị trí thi công cách khá xa khu dân cư, sóng điện thoại chập chờn khiến điều kiện sinh hoạt của công nhân thiếu thốn.

Ngoài ra, dự án đi qua khu rừng tự nhiên phải xin chuyển đổi mất nhiều thời gian nên ảnh hưởng đến tiến độ.

Máy móc đang bóc cơ, hạ cốt ở cửa hầm số 1.

Kỹ sư Sông nhớ lại, khi bắt tay vào bố trí công việc, ai cũng lắc đầu khi ở cheo leo trên đỉnh đèo, việc bố trí lán trại, nhà điều hành gặp vô vàn khó khăn.

"Ròng rã mấy tuần đầu tiên, do hệ thống điện lưới chưa có, chúng tôi phải kéo dùng máy phát nổ để công nhân làm việc và sinh hoạt. Vì xa khu dân cư nên hàng hóa phải được vận chuyển từ thị trấn Đồng Lê (cách công trường 20km) để sử dụng", kỹ sư Sông nói.

Về nguồn vật liệu, anh Sông cho hay, các đơn vị thi công phải tìm nguồn ở khắp các nơi xung quanh do các mỏ đá gần đó trữ lượng không đủ, chất lượng không đảm bảo.

Khó khăn là vậy nhưng chỉ sau 2 tháng triển khai thi công, đến nay dự án đã xong các phần như nhà kho, bến bãi, lán trại công nhân, trạm trộn bê tôn.

Hiện, các mũi thi công đang tiến hành đào hạ mái cơ hầm. Dự kiến, giữa tháng 5 sẽ khoan các ống hầm số 1 và số 2.

Hà Vũ

Văn Thanh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cong-nhan-dung-lan-trong-rung-bat-nut-mo-duong-tau-xuyen-deo-khe-net-192240511132900092.htm