Cán bộ hòa giải mang quân hàm xanh (bài 2)

Trong 10 năm qua, BĐBP Bình Thuận hỗ trợ hòa giải thành công hàng nghìn vụ tranh chấp ngư trường, va chạm trên biển. Đây là hoạt động hòa giải có đặc thù riêng liên quan tới ngư dân trong và ngoài tỉnh. Vì vậy, khi tổ chức hòa giải, BĐBP đứng ra làm trung gian, đưa ra các kết luận đã điều tra, xác minh, đồng thời phân tích có tình, có lý để hai bên thống nhất.

Bài 2: Ngăn ngừa xung đột, bất hòa trên biển

Làm rõ nguyên nhân

Phóng viên có mặt tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Phú Hải, Đồn Biên phòng Thanh Hải đúng vào lúc đơn vị đang tiến hành tiếp nhận, xử lý vụ việc va chạm trên biển. “Bị hại” là ngư dân Nguyễn Xuân Thọ (sinh năm 1972, thường trú tại thành phố Phan Thiết), hằng ngày mưu sinh trên chiếc ghe máy nhỏ đánh cá cách bờ từ 5-6 hải lý. Ông Thọ nói: “Tui ra biển, thả mẻ lưới đầu tiên thì thấy tàu cá của ông Nguyễn Văn Dũng (người cùng trú tại địa phương) cũng tới buông lưới. Tôi vẫy đèn pin ra hiệu né ra, có lưới rồi, nhưng ông Dũng cứ băng ghe qua nên chân vịt cuộn một mớ lưới”.

Tàu Kiểm ngư tỉnh Bình Thuận thường phối hợp với BĐBP tổ chức tuần tra, xử lý các vụ tranh chấp ngư trường. Ảnh: Văn Chương

“Bị cáo” Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1963 cũng phân bua về việc mình vô tình, vì lớn tuổi rồi, mắt kém, lúc xảy ra sự việc này là 3 giờ sáng ở trên biển... Sau khi nghe hết chuyện, các cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Phú Hải phân tích rằng, đây là hành vi vô ý gây hư hỏng tài sản của người khác, ông Dũng không có động cơ cố ý. Nghe cán bộ Biên phòng đánh giá đúng thực chất vụ việc, ông Dũng thở phào nhẹ nhõm, dù thiệt hại mà ông gây ra khoảng 2 triệu đồng. Đối với ngư dân nghèo thì đây là số tiền lớn.

Trước khi ngồi vào bàn giải quyết vụ việc, BĐBP đã xác minh, tại địa phương, từ trước đến nay, giữa ông Thọ và ông Dũng không hề có mâu thuẫn gì trong sinh hoạt đời thường. Điều kiện kinh tế của cả 2 gia đình ngư dân đều rất khó khăn. Thế nên, Đại úy Cao Đức Thắng, cán bộ Đồn Biên phòng Thanh Hải gợi ý hướng khắc phục hậu quả: “Hai anh xem có thể vá lưới được không, chứ 2 triệu là lớn lắm đấy”. Ông Dũng và ông Thọ đồng ý bắt tay nhau thiện chí và thống nhất sẽ vá lại tấm lưới rách, mà không đòi hỏi bồi thường.

Lướt qua hàng trăm hồ sơ giải quyết tranh chấp trên biển, có thể thấy, cách giải quyết của BĐBP Bình Thuận có tình, có lý, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, tập tục đánh bắt của ngư dân. Sau mỗi vụ việc giải quyết ổn thỏa, cán bộ Biên phòng đều dặn dò: “Việc xong rồi, hai bên bắt tay và đoàn kết làm ăn, phát triển kinh tế nhé”...

Điển hình như mới đây, BĐBP Bình Thuận đứng ra làm trung gian hòa giải thành công vụ việc rập ghẹ trên biển của anh Huỳnh Đình Bá Thúy (sinh năm 1986, thường trú tại thành phố Phan Thiết) bị tàu cá BTh97583TS băng ngang quét sạch. Theo khai báo của anh Thúy, toàn bộ 42 chiếc rập bị hỏng, trị giá mỗi chiếc rập là 500.000 đồng.

Anh Thúy buồn não lòng, vì mất tài sản lớn mà anh phải đi vay mượn mới tạo dựng lại được. Bà con trong xóm chài khuyên anh tới đồn Biên phòng trình báo sẽ được giải quyết. Bởi, nhiều vụ va chạm, gây thiệt hại tài sản xảy ra ban đêm, nhưng BĐBP vẫn xác minh, truy tìm được thủ phạm và tổ chức đứng ra cho hai bên hòa giải.

Khi tiếp nhận thông tin “một chiều” từ người bị thiệt hại, BĐBP đã phải thực hiện khâu xác minh ban đầu. Anh Thúy phải trả lời các câu hỏi như: Khi phát hiện tàu cá BTh97583TS di chuyển về phía có lưới rập, anh đã phản ứng như thế nào? Khi thả lưới rập, anh có thả các loại phao nổi, phao phát quang, đèn tín hiệu, cột cờ lưới… để làm tín hiệu nhận biết hay không?...

Sau khi làm rõ đúng - sai của các bên, việc xác định đúng trị giá tài sản bị thiệt hại là phức tạp nhất. Đây cũng là vấn đề then chốt để hai bên hòa giải thành công. Thực tế, trong nhiều vụ việc tâm lý ngư dân bị hỏng lưới thì bắt vạ, đòi hỏi nhiều hơn thực tế. Vì vậy, trong biên bản ghi lời khai và tiếp nhận tin báo, BĐBP luôn hỏi cụ thể số lưới là bao nhiêu? Trị giá của lưới và ai biết rõ điều này?...

Thượng tá Phạm Xuân Độ, Phó Chỉ huy, Tham mưu trưởng BĐBP Bình Thuận cho biết, cũng có trường hợp ngư dân khai báo tài sản bị thiệt hại lớn hơn thực tế. Nhưng nhờ cán bộ Biên phòng điều tra, xác minh kỹ nên người bị thiệt hại không thể lạm dụng, dòi hỏi quá mức, góp phần gúp hai bên đi đến thỏa thuận thống nhất, hòa giải thành công.

Cần phát huy mô hình hiệu quả

Trung tá Trần Văn Vịnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Thanh Hải cho biết, nhiều cán bộ ở BĐBP Bình Thuận từ chỉ huy cấp tỉnh đến cán bộ đồn đều nắm khá rõ và xử lý tốt các vụ việc hòa giải. Vì ngay từ khi còn công tác dưới cơ sở, anh em nào cũng lặn lội khắp nơi để nắm tình hình sản xuất, đời sống bà con trong địa bàn, nên khi có vụ việc xảy ra, BĐBP kịp thời tổ chức hòa giải, ngăn ngừa mọi xung đột, bất hòa, giữ gìn tình làng nghĩa xóm.

Nghề thả chà thường dễ bị va chạm và ngư dân luôn nhờ BĐBP làm trung gian để hòa giải, bồi thường thiệt hại. Ảnh: Văn Chương

Các đồn Biên phòng ở tuyến trọng điểm của BĐBP Bình Thuận tháng nào cũng báo cáo hàng chục vụ hỗ trợ ngư dân hòa giải, có đơn vị một năm hỗ trợ giải quyết thành công hơn 100 vụ. Từ những thành công đó, bà con ngư dân cứ bị va chạm tàu thuyền thì lập tức tới báo cáo và đề nghị BĐBP tổ chức xác minh, sau đó đứng ra hỗ trợ để hai bên hòa giải.

Một số vụ việc hòa giải thành công và cơ sở báo lên được đánh giá rất cao. Gần đây nhất là vụ ông Trương Quang Túy, quê ở thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết hành nghề đánh cá cách bờ 2 hải lý bị 2 tàu cá làm nghề giã cào mang số BTh982713TS và BTh96828TS do ông Nguyễn Tấn Dương làm thuyền trưởng băng ngang qua làm hoảng giàn lưới ốc. Mặc dù ông Túy khai báo bị thiệt hại lên tới 20 triệu đồng, nhưng cán bộ Biên phòng hỗ trợ hòa giải, phân tích lỗi cả hai bên, cuối cùng chủ tàu giã cào thống nhất bồi thường 4 triệu đồng. Đây là một ví dụ cho thấy dù khó giải quyết tới đâu thì BĐBP vẫn giải quyết thành công.

Xác định mục tiêu của công tác hòa giải là nhằm hóa giải các tranh chấp, mâu thuẫn khi vừa mới phát sinh, gìn giữ, bảo vệ tình đoàn kết trong gia đình và cộng đồng dân cư, các đơn vị BĐBP xác định đây là một biện pháp quan trọng trong công tác dân vận ở cơ sở góp phần ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/can-bo-hoa-giai-mang-quan-ham-xanh-bai-2-post461753.html