Mâu thuẫn gia đình do rượu

Với kinh nghiệm 8 năm là tổ trưởng tổ hòa giải, cùng thâm niên xử lý những 'ca khó' trong công tác hòa giải cơ sở, ông Ngô Ngọc Sinh (55 tuổi) - Tổ trưởng Tổ hòa giải 1 (thôn Tựu Liệt, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn…

Câu chuyện hòa giải:

Ông Ngô Ngọc Sinh chia sẻ: “Là hòa giải viên, tôi chọn hướng giải quyết sự việc bằng giải pháp uyển chuyển, ở góc độ “tình làng nghĩa xóm”. Ảnh: Văn Biên

Ông Ngô Ngọc Sinh chia sẻ: “Là hòa giải viên, tôi chọn hướng giải quyết sự việc bằng giải pháp uyển chuyển, ở góc độ “tình làng nghĩa xóm”. Ảnh: Văn Biên

Vào ngày cuối tháng 8/2020, Tổ hòa giải thôn tiếp nhận đơn đề nghị hòa giải của chị Hồng, yêu cầu hòa giải vụ việc chị bị chồng là anh Mạnh đánh đập sau khi uống rượu say.

Sau khi Tổ hòa giải nhận được đơn và thực hiện tiếp nhận đơn của chị Hồng. Căn cứ vào đơn yêu cầu của chị Hồng, Tổ trưởng tổ hòa giải triệu tập các thành viên trong tổ hòa giải họp phân công nhiệm vụ cho các thành viên tìm hiểu nội dung vụ việc, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, lợi ích mà mỗi bên muốn hướng tới.

Để nắm được các thông tin trên và hòa giải được vụ việc, các hòa giải viên đã đến gặp gỡ, trao đổi với anh Mạnh và chị Hồng tại gia đình. Ngoài ra, để nắm được tổng thể vụ việc các hòa giải viên đã tiến hành gặp gỡ, trao đổi với những người có liên quan, người biết về vụ, việc như: bố, mẹ, anh chị em, hàng xóm, người thân của anh Mạnh và chị Hồng, để có thêm thông tin bổ sung cho việc hòa giải.

Tiếp theo, các hòa giải viên tổ chức họp Tổ hòa giải và tiến hành tìm hiểu các quy định của pháp luật có liên quan trực tiếp đến vụ, việc như: Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật Xử phạt vi phạm hành chính... để đối chiếu về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi bên.

Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, đã tiến hành mời hai vợ chồng anh Mạnh chị Hồng và những người có liên quan (bố, mẹ, anh chị em, hàng xóm, người thân) đến tại nhà văn hóa của thôn để tiến hành hòa giải vụ việc, với đầy đủ các thành phần tham dự.

Tại buổi hòa giải, căn cứ vào đơn yêu cầu của chị Hồng, đồng chí Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn đã chủ trì nêu rõ mục đích, ý nghĩa của buổi hòa giải và thống nhất với các bên về một số quy ước để các bên tháo gỡ các vướng mắc, đạt được mục đích cuối cùng là giúp vợ chồng đoàn tụ, đồng thời, đề nghị anh Mạnh uống rượu về không được đánh vợ, gây mất đoàn kết, an ninh trật tự nơi thôn xóm.

Chủ trì điều hành, để các bên trình bày nội dung vụ, việc. Hòa giải viên mời từng bên trình bày sự việc:

Chị Hồng trình bày sự việc, yêu cầu tổ hòa giải giải quyết vụ việc thấu tình đạt lý và đúng quy định, buộc anh Mạnh viết cam kết không tái phạm và sửa chữa những sai lầm.

Anh Mạnh sau khi được tổ hòa giải giải thích, phân tích việc làm của mình, anh đã nhận thấy lỗi do mình gây ra là vì say rượu, không làm chủ được bản thân nên đã nghiêm túc nhận lỗi và cam kết không tái phạm.

“Lỗi của tôi là do có uống rượu, nay được tổ hòa giải phân tích, giải thích tôi đã nhận lỗi và hứa sửa đổi và mong vợ tha thứ cho để vợ chồng quay lại với nhau, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc hơn” – anh Mạnh phát biểu.

Đối chiếu sự việc với các quy định pháp luật có liên quan anh Mạnh có hành vi đánh đập vợ là vi phạm vào các điều khoản như sau: khoản 1 Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007 về việc hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: "Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình"...

Trên cơ sở đó, các hòa giải viên tổng hợp lại các vấn đề mâu thuẫn, phân tích vụ, việc, phân tích phong tục tập quán, truyền thống đạo đức xã hội, hậu quả pháp lý mà các bên có thể phải gặp phải nếu tiếp tục mâu thuẫn và có những hành vi sai trái.

Từ những ý kiến của Tổ hòa giải và những người tham gia, anh Mạnh đã nhận ra lỗi của mình và cam kết sẽ khắc phục, sửa đổi không để xảy ra tình trạng như trên nữa nên chị Hồng đã tha thứ cho anh Mạnh. Hai bên cùng hứa trước Tổ hòa giải sẽ gắn kết lại tình cảm cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, không để xảy ra tình trạng bạo lực gia đình trong thời gian tới.

Tên nhân vật đã được thay đổi

Ông Đỗ Văn Ấu - Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho biết, ông Ngô Ngọc Sinh là hòa giải viên được người dân quý mến, nể trọng. Trong nhiều năm làm công tác hòa giải, với tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết, không quản ngày đêm, mưa nắng, ông đã mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho bao gia đình. Nhờ ông mà lãnh đạo xã kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân để giải quyết công việc hợp lý, nhanh chóng.

“Sự chân thành - nghĩa tình trong cuộc sống, sự khéo léo - linh động trong công việc và hiệu quả mang lại từ những phần việc ông Ngô Ngọc Sinh đã làm càng làm người dân trân quý ông, thêm tin yêu vào cấp ủy, chính quyền cơ sở” – ông Đỗ Văn Ấu nhấn mạnh.

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/mau-thuan-gia-dinh-do-ruou-380676.html