Bộ Công an lý giải việc đề xuất đưa một số loại dao vào danh mục vũ khí thô sơ

Hiện nay, tội phạm sử dụng các loại dao để gây án chiếm tỷ lệ rất cao, trong đó nhiều vụ đối tượng sử dụng dao sắc, nhọn có tính sát thương cao gây án với tính chất rất manh động, gây bức xúc dư luận xã hội, tuy nhiên, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong luật hiện hành không quy định dao là vũ khí.

Bốn thiếu niên 15 tuổi cầm "dao phóng lợn" dài 2 m đi cướp xe máy vào ban đêm tại quận Hoàng Mai, Hà Đông.

Chính vì vậy, trong dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Bộ Công an đã đề xuất mở rộng danh sách vũ khí quân dụng và bổ sung một số loại dao có khả năng gây tổn thương nặng vào danh sách vũ khí thô sơ. Dự thảo Luật nêu rõ, trong trường hợp sử dụng các loại dao này vào mục đích lao động, sản xuất, hoặc sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.

Công an Thanh Hóa xử lý vụ việc cất giấu vũ khí tại 1 cửa hàng gas trên địa bàn.

Công an Thanh Hóa xử lý vụ việc cất giấu vũ khí tại 1 cửa hàng gas trên địa bàn.

Lý giải về việc Bộ Công an đưa ra các đề xuất nêu trên, Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng Phòng 3, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, Tổng kết 5 năm thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 cho thấy, thực tế hiện nay tội phạm sử dụng các loại dao để gây án chiếm tỷ lệ rất cao (16.841 vụ, 26.472 đối tượng, chiếm 58,6% tổng số vụ, 54% tổng số đối tượng), nhiều vụ đối tượng sử dụng dao sắc, nhọn có tính sát thương cao, gây án với tính chất rất manh động, gây bức xúc dư luận xã hội, tuy nhiên, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật hiện hành không quy định dao là vũ khí.

Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng phòng 3, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an).

Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng phòng 3, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an).

Bên cạnh đó, tình trạng đối tượng sử dụng trái phép súng tự chế chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với đối tượng sử dụng trái phép súng quân dụng (1.783/330 vụ, 2.589/546 đối tượng), đối tượng sử dụng trái phép vũ khí thô sơ diễn biến rất phức tạp (8.537 vụ, 17.632 đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, chiếm 29,7% tổng số vụ, 36% tổng số đối tượng), các loại vũ khí này khi đối tượng sử dụng để gây án, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm như vũ khí quân dụng nhưng theo quy định của Luật hiện hành thì súng tự chế, vũ khí thô sơ không thuộc danh mục vũ khí quân dụng.

"Vì vậy, cần thiết phải bổ sung quy định súng tự chế vào nhóm vũ khí quân dụng; dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ; khi đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật thì được xác định là vũ khí quân dụng nhằm mục đích điều chỉnh nhận thức, hành vi của đối tượng, giảm nguồn tội phạm" - Đại tá Vũ Minh Hùng nhấn mạnh.

Nhiều súng săn bị cơ quan công an thu giữ.

Nhiều súng săn bị cơ quan công an thu giữ.

Vẫn theo Đại tá Hùng, dao có tính sát thương cao là phương tiện lưỡng dụng, được người dân sử dụng phổ biến trong lao động, sản xuất, sinh hoạt hằng ngày, do đó, để bảo đảm không ảnh hưởng, tác động đến đời sống xã hội của nhân dân nên dự thảo Luật chỉ quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí khi đối tượng sử dụng vào mục đích trái pháp luật; trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Như vậy, việc quy định dao có tính sát thương cao trong dự thảo Luật được phân định rõ: Dao có tính sát thương cao khi sử dụng với mục đích trái pháp luật là vũ khí thô sơ; Dao có tính sát thương cao khi được trang bị cho lực lượng vũ trang và các lực lượng khác để thi hành công vụ hoặc sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng; dao có tính sát thương cao sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Dự thảo Luật cũng điều chỉnh về việc bổ sung các loại súng bắn đạn ghém, súng kíp, súng nén khí, súng nén hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này vào nhóm vũ khí quân dụng, tuy nhiên các loại vũ khí này khi được trang bị để sử dụng trong hoạt động luyện tập, thi đấu thể thao hoặc để săn bắn thì được xác định là vũ khí thể thao hoặc súng săn.

Minh Đức

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bo-cong-an-ly-giai-viec-de-xuat-dua-mot-so-loai-dao-vao-danh-muc-vu-khi-tho-so-post1636955.tpo