Các gói đầu tư giáo dục tiền tỉ: cần hoàn thiện pháp lý lẫn cơ chế giám sát

(KTSG Online) – Các chuyên gia giáo dục cho rằng câu chuyện của Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) và Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders xung quanh hợp đồng vay vốn hay đóng học phí một lần không chỉ cho thấy lỗ hổng pháp lý về những hợp đồng, gói đầu tư, kêu gọi vốn vào lĩnh vực giáo dục, mà còn đặt ra nhiều yêu cầu về công tác quản lý, giám sát các trường có yếu tố nước ngoài.

Hình thức nhà đầu tư “cắt cầu” ngân hàng: Tiềm ẩn rủi ro

Tối ngày 9-4, thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, sau 8 ngày, phụ huynh Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) đã đóng góp tổng số tiền là hơn 28,4 tỉ đồng. Sau khi trả các khoản chi phí cho cho các giáo viên, nhân viên làm việc tại trường, với số dư hiện tại là 9,5 tỉ đồng, sở ước tính không thể tiếp tục duy trì hoạt động giảng dạy trực tiếp cho học sinh toàn trường đến khi kết thúc năm học 2023 – 2024.

Trước đó, để con cái không dở dang việc học, nhiều phụ huynh có con đang theo học tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam đã chấp nhận đóng thêm tiền để trường trả lương cho giáo viên dù đã cho trường vay vốn từ trước. Tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của phụ huynh cho thấy lỗ hổng về những hợp đồng góp vốn đang tồn tại ở các trường quốc tế.

Học sinh Trường quốc tế AISVN trong ngày trở lại trường sau thời gian nghỉ vì không có giáo viên. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cung cấp

Qua tìm hiểu, không riêng Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam, hiện nhiều trường quốc tế khác ở TPHCM cũng đang thực hiện huy động vốn từ phụ huynh. Tại Trường Quốc tế Bắc Mỹ (SNA) có chương trình đóng học phí dài hạn. Nếu đóng trước từ 2 đến 12 năm, phụ huynh sẽ được chiết khấu từ 20 đến 50% mức học phí. Với mức chiết khấu này, phụ huynh có thể được trừ hàng tỉ đồng cho mức học phí phải đóng hiện nay là từ 514 – 803 triệu đồng/năm áp dụng cho các lớp từ tiểu học đến 12.

Hay tại Trường Quốc tế Nam Mỹ (UTS) cũng có gói đầu tư trị giá 2 tỉ đồng cho chương trình tiếng Anh theo chuẩn Common Core (Mỹ) và 2,75 tỉ đồng cho chương trình tiếng Anh Oxford. Với gói đầu tư đóng một lần, phụ huynh có thể nhận lại 100% học phí sau khi học sinh hoàn thành chương trình phổ thông tại UTS.

Ngoài ra, dù không phải là trường quốc tế nhưng vụ việc tại Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders cũng là một hình thức đóng các gói học phí trước. Số tiền đóng có thể lên đến hàng trăm triệu đồng cho nhiều năm học.

Nhiều phụ huynh đã kéo đến Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders (tại quận Phú Nhuận) để đòi lại học phí đã đóng. Ảnh chụp vào tháng 11-2023: Minh Thảo

Chia sẻ với KTSG Online, chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên, người có nhiều năm theo dõi lĩnh vực giáo dục quốc tế, cho biết hiện nay các dạng hợp đồng vay vốn giữa phụ huynh và những cơ sở giáo dục vừa đề cập ở trên được thể hiện dưới hình thức hợp đồng dân sự, có sự tự nguyện của cả hai bên. Phụ huynh biết rõ quyền lợi của mình theo điều khoản hợp đồng. Đây là một hình thức nhà đầu tư “cắt cầu” ngân hàng.

Thay vì vay tiền của ngân hàng để xây dựng, phát triển cơ sở giáo dục, nâng cao chất lượng… thì họ vay trực tiếp của phụ huynh. Một đặc điểm riêng của dịch vụ trường học là trường thu tiền trước, sau đó cung cấp dịch vụ sau. Người học phải đóng học phí trước khi học. Đây được gọi là một hình thức đầu tư vì xét về mặt tài chính, số tiền lãi đã được dùng để chi trả tiền học cho học sinh.

Chuyên gia giáo dục này cho rằng việc trường học huy động vốn của phụ huynh thông qua gói đầu tư dài hạn để xây dựng, nâng cấp, phát triển trường là một nhu cầu lành mạnh. Nếu thực hiện tốt, cả phụ huynh và nhà trường cùng có lợi.

Tuy nhiên, “nếu huy động tiền để đầu tư ngoài nhà trường, đầu tư mạo hiểm như kinh doanh chứng khoán, đầu cơ đất… thì hoàn toàn không chính đáng. Phụ huynh có quyền yêu cầu trường cam kết về mục đích đầu tư hoặc minh bạch thông tin đầu tư thông qua hợp đồng giữa hai bên”, ông Nguyên nói. Ông phân tích, giả sử một trường quốc tế có 1.000 học sinh, trong đó có 200 phụ huynh (20%) tham gia gói đầu tư 12 năm. Với mỗi gói đóng là 5 tỉ đồng thì trường đã huy động được một khoản tiền lớn là 1.000 tỉ đồng. Vì vậy, cơ quan quản lý giáo dục cần có cơ chế để ngăn ngừa trường sử dụng số tiền huy động được sai mục đích cam kết với phụ huynh.

Về lý thuyết, các gói đầu tư giáo dục có thể kéo dài 12 năm. Tuy nhiên, trên thực tế, vị chuyên gia giáo dục này nói: “Nhiều phụ huynh phải rao bán các gói đầu tư giữa chừng. Bởi trong thời gian học, có nhiều thay đổi như chuyển nhà, chuyển trường, chất lượng trường thay đổi, trường chuyển chủ đầu tư”. Gói đầu tư được xem là giúp phụ huynh không phải lo học phí tăng hằng năm từ 10 đến 15%. Thế nhưng, rất nhiều học sinh không thể đi hết 12 năm cùng với trường. Vì vậy, những lợi ích tính toán trên lý thuyết ban đầu cũng không còn đúng.

Cần cơ chế phòng ngừa từ xa

Trước thắc mắc của nhiều phụ huynh về việc một trường tư thục bậc trung học phổ thông liệu có thể tuyên bố “phá sản” khi liên tục gặp những khó khăn về tài chính, ông Nguyên cho biết: “Hiện trong Luật Giáo dục lẫn Điều lệ trường phổ thông chưa có quy định về trường hợp trường học phá sản. Điều này có thể do trường công lập vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo và giữ vai trò trọng yếu trong nền giáo dục quốc gia”.

Tuy nhiên, nếu xét về phương diện trường tư hoạt động như một doanh nghiệp, hoàn toàn tuân theo quy luật thị trường gồm quy luật cung cầu và quy luật đào thải thì tình huống trường học bị phá sản là hoàn toàn có thể xảy ra. Một số nước như Mỹ cũng có các trường học bị phá sản khi gặp khó khăn tài chính vì không tuyển đủ học sinh hoặc không tìm đủ nguồn tài trợ.

Với phụ huynh đầu tư, có quyền yêu cầu trường minh bạch thông tin về tình hình tài chính của trường thông qua kiểm toán độc lập của các công ty kiểm toán lớn. Điều này cần được thể hiện qua hợp đồng.

Để đòi quyền lợi trong trường hợp có rủi ro, ông Nguyên cho rằng khi trường tuyên bố đóng cửa, phụ huynh có quyền đòi lại phần học phí chưa sử dụng để có thể chuyển sang học trường khác. Nếu phần học phí đã đóng và đã bị sử dụng, cần phải có cơ quan thanh tra việc sử dụng nguồn lực của trường có sai sót dẫn tới tiền học phí của học sinh bị chiếm đoạt hay không.

Nếu trường chỉ giải trình nguyên nhân do lương giáo viên quá cao là một giải trình chưa hết trách nhiệm, cần phải có sự kiểm tra của cơ quan quản lý hoặc tổ chức kiểm toán độc lập. Về quan hệ dân sự, phụ huynh có quyền khởi kiện pháp nhân nhà trường hoặc cá nhân lãnh đạo quản lý của nhà trường và tham gia vào hội nghị chủ nợ.

Hiện chỉ có các văn bản đề cập việc các tổ chức trong, ngoài nước đầu tư vào giáo dục ra sao như Nghị định 46/2017/NĐ-CP, Nghị định 86/2018/NĐ-CP, Nghị định 81/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 97/2023/NĐ-CP nhưng chưa có khung pháp lý rõ ràng và chính thức quy định cách tổ chức giáo dục dùng nguồn thu học phí đầu tư sang những lĩnh vực khác. Đây là lỗ hổng tạo điều kiện cho các tổ chức giáo dục, đặc biệt là ở khối ngoài công lập, có thể thoải mái đầu tư mà không chịu bất kỳ ràng buộc nào.

Do đó, rất cần có cơ chế giám sát chặt chẽ được luật hóa để ngăn chặn bất cứ một tổ chức nào có động cơ không trong sáng. Chẳng hạn như một đơn vị muốn tạo ra mô hình giáo dục thu tiền trước của học sinh, sau đó “rút ruột” nguồn lực của trường và tìm cách phá sản theo quy trình “trách nhiệm hữu hạn”, ông Nguyên đề nghị.

Vị chuyên gia giáo dục này cũng đặt câu hỏi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục tại Việt Nam đã kiểm định trường như thế nào, kết quả kiểm định của trường ra sao và phụ huynh có quyền được biết kết quả đó hay không. Hiện các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục các trường quốc tế như CIS (Hội đồng các trường quốc tế) và WASC (Hiệp hội các trường miền Tây nước Mỹ) đều có những tiêu chí kiểm định chặt chẽ gồm những nội dung về quản trị trường học và nguồn lực tài chính.

Minh Thảo

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cac-goi-dau-tu-giao-duc-tien-ti-can-hoan-thien-phap-ly-lan-co-che-giam-sat/