Biển Đen leo thang căng thẳng, NATO sẽ can thiệp?

Chuyên gia quân sự Nga Vasily Dandykin cho biết, ông loại trừ khả năng các tàu chiến của NATO hoặc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hộ tống các tàu đến các cảng của Ukraine sau vụ Moscow bắn cảnh cáo một tàu hàng tại Biển Đen.

Giới chuyên gia quân sự Nga đã giải thích lý do chiến hạm của Moscow buộc phải thực hiện biện pháp cứng rắn để bảo vệ an ninh ở Biển Đen, đồng thời đưa ra những nhận định vế phản ứng của phương Tây sau vụ việc này.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, vào khoảng 6h40 ngày 13/8, tàu tuần tra Nga Vasily Bykov đã phát hiện tàu chở hàng Sukra Okan treo cờ Palau đang di chuyển ở phía Tây Nam Biển Đen về cảng Izmail, phía Ukraine.

Tàu tuần tra Nga Vasily Bykov. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Thuyền trưởng của tàu hàng Sukra Okan phớt lờ yêu cầu dừng lại để kiểm tra khiến các thủy thủ Nga phải nổ súng cảnh cáo. Nhờ liên lạc qua vô tuyến, con tàu này đã cho phép một chiếc trực thăng Ka-29 cùng một nhóm quân nhân Nga hạ cánh và kiểm tra xem tàu có chở những vật phẩm bị cấm hay không.

Phát biểu trên đài Sputnik hôm 14/8, chuyên gia quân sự Vasily Dandykin cho biết: "Sau khi rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, Nga tuyên bố rằng tất cả các tàu đang di chuyển đến Ukraine sẽ được đặc biệt giám sát về mặt quân sự, vì họ có thể gây ra mối nguy hiểm nhất định nào đó. Do đó, tàu tuần tra Vasily Bykov của chúng tôi đã quyết định chặn tàu chở hàng Sukra Okan mang cờ Palau".

Vị chuyên gia này giải thích rằng Nga có quyền dừng tàu và tiến hành kiểm tra vì khu vực Biển Đen này đã được tuyên bố là "khu vực hoạt động quân sự đặc biệt" và rủi ro cho việc vận chuyển sau khi Moscow rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.

Ông Dandykin lưu ý thêm: "Con tàu này có thể chở hàng hóa quân sự, điều này là hiển nhiên. Nhiều khả năng hành lang trên Biển Đen cũng sẽ được sử dụng để vận chuyển, bao gồm cả máy bay không người lái và thiết bị không người lái mặt nước".

Ukraine, phương Tây sử dụng hành lang Biển Đen để vận chuyển vũ khí?

Ngày 17/7 vừa qua, Nga thông báo không gia hạn Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen với lý do các nước phương Tây không thực hiện các cam kết liên quan đến việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Moscow.

Theo giới chức Nga, hành lang nhân đạo tại Biển Đen còn được sử dụng bất hợp pháp để buôn lậu vũ khí sang Ukraine và thực hiện các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Nga.

"Việc chấm dứt Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Dưới vỏ bọc hành lang nhân đạo, nhiều loại vũ khí, đạn dược và tên lửa tầm xa đã được chuyển đến Ukraine" - thành viên Duma Quốc gia vùng Crimea Leonid Ivlev nói hôm 18/7.

Ngày 17/7, Nga thông báo không gia hạn Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Ảnh: RT

Trước đó, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã tìm thấy dấu vết của chất nổ trên các tàu chở hàng nước ngoài cập cảng Odessa và Kiliya của Ukraine.

Sau vụ cầu Crimea bị tấn công hồi tháng 10/2022, các nhà điều tra Nga đã phát hiện rằng chất nổ được sử dụng trong vụ phá hoại này được vận chuyển từ cảng Odessa (Ukraine) đến thành phố Ruse của Bungari qua hành lang Biển Đen vào đầu tháng 8/2022.

Theo các chuyên gia quân sự Nga, những kẻ phá hoại Ukraine tiếp tục lợi dụng hành lang nhân đạo trên Biển Đen để tiến hành vụ tấn công khủng bố cầu Crimea bằng xuống không người lái vào tháng trước.

NATO sẽ can thiệp?

Chính quyền Kiev đã phản ứng gay gắt với vụ việc ở Biển Đen liên quan đến tàu chở hàng mang cờ Palau và đe dọa trả đũa.

Theo Reuters, trong một tuyên bố ngày 14/8, Bộ Ngoại giao Ukraine đã kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động quyết đoán trước động thái của Nga.

Trước đó, giới lãnh đạo Ukraine đã đe dọa nhắm mục tiêu vào các tàu dân sự của Nga đi qua Biển Đen. Đặc biệt, vào ngày 5/8, Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào tàu chở dầu Sig của Nga ở phía nam eo biển Kerch.

Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Dandykin nói rằng những mối đe dọa này chắc chắn sẽ không ngăn được Nga tiến hành kiểm tra các tàu trong khu vực hoạt động quân sự đặc biệt.

Đồng thời, chuyên gia quân sự Nga cũng loại trừ khả năng các tàu chiến của NATO hoặc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hộ tống các tàu đến các cảng của Ukraine. "Tôi nghĩ rằng NATO sẽ không can thiệp vào tình huống này, bởi vì đây không còn chỉ là xung đột Ukraine nữa, đây là một tình huống hoàn toàn khác", ông Dandykin cho hay.

Theo chuyên gia Dandykin, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa các eo biển đối với các quốc gia NATO không giáp với Biển Đen. Các hạm đội quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgari và Romania có thể được triển khai ở Biển Đen cũng như của Ukraine.

“Tôi nghĩ cả Thổ Nhĩ Kỳ và NATO sẽ không vi phạm hiện trạng này. Tôi không nghĩ họ muốn đánh mất uy tín của mình ở Biển Đen và gây thêm căng thẳng với Nga" - ông Dandykin lưu ý.

Mặc dù vậy, ông Dandykin nhận định tằng Ukraine có thể sẽ nâng cao mức độ cảnh báo rủi ro, đồng thời không loại trừ rằng trước ngày 23/8 (Ngày Độc lập của Ukraine) quân đội nước này sẽ thực hiện một cuộc tấn công phá hoại khác chống lại Nga ở Biển Đen.

Chuyên gia quân sự nhắc lại việc Ukraine gần đây đã tiến hành một cuộc tấn công khác vào nhằm vào cầu Crimea bằng tên lửa S-200 được cải tiến, song bị lực lượng phòng không Nga đánh chặn thành công.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bien-den-leo-thang-cang-thang-nato-se-can-thiep.html