Pháp quay lưng với Mỹ để ủng hộ ICC ban lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel

Pháp vừa tách khỏi các đồng minh phương Tây để ủng hộ Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), sau khi công tố viên của tòa án này thông báo việc xin lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các lãnh đạo Hamas.

Bên ngoài trụ sở của ICC ở Hà Lan. (Ảnh: AP)

Bên ngoài trụ sở của ICC ở Hà Lan. (Ảnh: AP)

Trong tuyên bố đưa ra ngày 20/5, Công tố viên ICC Karim Khan cho biết đã kiến nghị tòa án này ban lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel và 3 lãnh đạo Hamas với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh. Ông khẳng định có đủ cơ sở để tin rằng 5 người này phải chịu trách nhiệm hình sự với tội danh phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.

Bộ Ngoại giao Pháp cho biết trong tuyên bố đưa ra vào cuối ngày 20/5: “Về vấn đề Israel, Ban tiền xét xử của tòa án sẽ quyết định có ban lệnh bắt giữ hay không, sau khi xem xét các bằng chứng do công tố viên trình lên để hỗ trợ cáo buộc của ông ấy”.

“Pháp ủng hộ Tòa án Hình sự Quốc tế, sự độc lập của nó và cuộc chiến chống lại hành vi được miễn tội trong mọi hoàn cảnh”, tuyên bố của Pháp nêu rõ.

Paris cho biết, họ đã cảnh báo trong nhiều tháng qua rằng, phải tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và “đặc biệt là mức thương vong dân sự không thể chấp nhận được ở Dải Gaza, cùng với tình trạng hạn chế tiếp cận nhân đạo”.

Tuyên bố này cho thấy sự chia rẽ lớn giữa Pháp và các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Mỹ, sau khi Tổng thống Joe Biden gọi quyết định của công tố viên ICC là “thái quá”.

Pháp là một trong số ít quốc gia phương Tây sẵn sàng đưa ra lập trường cứng rắn hơn với Israel, công khai chỉ trích việc Mỹ phủ quyết các dự thảo nghị quyết yêu cầu ngừng bắn được trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Paris cũng kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza.

Ngày 20/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden bác bỏ yêu cầu lệnh bắt giữ các nhà lãnh đạo Israel, trong bối cảnh cuộc chiến chống Hamas đang diễn ra. Ông Biden nói: “Không có sự tương đương giữa Israel và Hamas. Rõ ràng Israel muốn làm tất cả những gì có thể để bảo vệ dân thường”.

Công tố viên Karim Khan bác bỏ cáo buộc của Israel và các đồng minh. Ông khẳng định kiến nghị của ông “không phải trò săn phù thủy, không phải phản ứng theo cảm xúc. Đó là quy trình pháp lý”.

Anh và Ý cũng chỉ trích bước đi này, trong khi các tổ chức nhân quyền và chuyên gia pháp lý ủng hộ ICC.

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson xác nhận các lãnh đạo của cơ quan lập pháp này đang tìm cách áp lệnh trừng phạt để đáp trả bước đi của ICC.

Đây là lần đầu tiên ICC nhằm vào một nhà lãnh đạo là đồng minh thân thiết của Mỹ.

Israel và Mỹ không phải thành viên của ICC. Tuy nhiên, tòa án này khẳng định họ có thẩm quyền ở Dải Gaza, Đông Jerusalem và Bờ Tây, sau khi lãnh đạo Palestine chính thức đồng ý chịu ràng buộc bởi các nguyên tắc nền tảng của ICC năm 2015.

Trong khi đó, Mỹ vẫn ủng hộ và hợp tác với cuộc điều tra của ICC ở Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết.

Ông Austin cũng khẳng định, sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel là “cứng như thép”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói rằng ICC đã “thực hiện công việc quan trọng trong những năm qua để buộc tội những người phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại” mà Mỹ vẫn ủng hộ.

Ông Miller không cho biết liệu Mỹ có cân nhắc hành động với ICC nếu tòa này đưa ra lệnh bắt lãnh đạo Israel hay không.

Khi được hỏi liệu có sự mâu thuẫn trong quan điểm của Mỹ đối với chiến dịch quân sự mà Nga đang tiến hành ở Ukraine và chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza hay không, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói rằng sự khác biệt là ý định.

Thu Loan

Theo CNN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phap-quay-lung-voi-my-de-ung-ho-icc-ban-lenh-bat-giu-thu-tuong-israel-post1638983.tpo