Chính quyền Iran tiết lộ lý do vụ rơi trực thăng chở Tổng thống, cảm thán 'giá như', hậm hực với Mỹ vì nguyên nhân gián tiếp

Mặc dù lý do trực tiếp dẫn đến vụ tai nạn máy bay chở Tổng thống mà Iran đưa ra là 'trục trặc kỹ thuật' nhưng Tehran cho rằng lệnh trừng phạt hàng không kéo dài của Mỹ là cốt lõi của vấn đề.

Nguyên nhân của vụ rơi máy bay trực thăng chở Tổng thống Iran được cho là 'trục trặc kỹ thuật' trong điều kiện thời tiết xấu. (Nguồn: Reuters)

Nguyên nhân của vụ rơi máy bay trực thăng chở Tổng thống Iran được cho là 'trục trặc kỹ thuật' trong điều kiện thời tiết xấu. (Nguồn: Reuters)

Cùng nghĩ về lệnh trừng phạt

Hãng thông tấn IRNA của Iran ngày 20/5 đưa tin trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi bị rơi "do trục trặc kỹ thuật". Tuy nhiên, cơ quan này không nêu rõ thông tin chi tiết về sự cố của trực thăng.

Tổng thống Raisi và Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn trực thăng ngày 19/5. Trực thăng đã "hạ cánh khó khăn" sau khi gặp sự cố do sương mù dày đặc gần thành phố Jolfa, cách thủ đô Tehran khoảng 600km về phía Tây Bắc.

Cũng trong ngày 20/5, cựu Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói rằng, bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ngành hàng không của Iran, Mỹ phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn. Bình luận của ông được hãng thông tấn chính thức của Iran IRNA đưa tin.

Theo một số nhà quan sát Iran, các lệnh trừng phạt quốc tế trong nhiều thập niên khiến phi đội máy bay của Iran bị suy yếu và đây có thể là nguyên nhân dẫn đến thảm kịch hôm 19/5.

Có cùng nhận định tương tự, Sanam Vakil, chuyên gia về Trung Đông tại Chatham House, nhóm nghiên cứu có trụ sở tại London cho rằng ngành hàng không Iran từ lâu đã phải hứng chịu các lệnh trừng phạt.

"Iran đã chứng kiến rất nhiều sự cố hàng không, không chỉ trực thăng mà cả các vụ tai nạn máy bay, và tôi nghĩ điều này chắc chắn liên quan đến các lệnh trừng phạt", bà Vakil nhận định.

Bà Vakil nói rằng mặc dù bà không có thông tin chi tiết về các tình huống xung quanh vụ tai nạn hôm 19/5, nhưng các thông tin được công bố cho thấy hai trong số các nhà lãnh đạo hàng đầu của Iran, gồm tổng thống và ngoại trưởng, đã ngồi trên một trực thăng cũ kỹ.

Iran đã phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Trong đó, các biện pháp trừng phạt kéo dài suốt nhiều thập niên của Mỹ đã ngăn cản Iran mua máy bay và phụ tùng mới của phương Tây.

Theo Reuters, trực thăng bị rơi là dòng Bell 212. Trực thăng này ban đầu được phát triển cho quân đội Canada vào những năm 1960.

Chính quyền Iran đã cố gắng tăng cường sản xuất trong nước và cung cấp các bộ phận máy bay phù hợp để đối phó với các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các phụ tùng công nghệ cao quan trọng trong ngành hàng không có thể khó chế tạo trong nước.

"Giá như"...

Vadim Bazykin, một phi công trực thăng của Nga, cho biết trực thăng là phương tiện hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. "Nhưng thật không may, điểm yếu nhất của trực thăng là phi hành đoàn vì không có nhiều phi công có thể bay trong thời tiết xấu", ông Bazykin nói.

"Sương mù thường dày 300-500m. Đáng lẽ các phi công phải kiểm tra kỹ lưỡng xem có cơ hội hạ cánh hay không, nếu không thì đáng lẽ họ phải quay đầu lại. Không còn lựa chọn nào khác", chuyên gia nhấn mạnh.

Ông Vadim Bazykin cho rằng khu vực miền núi có những đặc điểm riêng, có sườn núi, có dốc, có chỗ gập ghềnh. Một phi công có kinh nghiệm từng bay trên núi đều biết rõ điều này và cần chuẩn bị trước mọi tình huống. Phi công Nga từng tham gia hoạt động vận chuyển các quan chức cấp cao của Nga và luôn chọn những phi công giàu kinh nghiệm để xử lý chuyến bay trong điều kiện thời tiết xấu.

Chuyên gia cho biết thêm, khi đi vào khu vực có sương mù dày đặc, các phi công lái trực thăng chở Tổng thống Raisi buộc phải tính toán độ cao an toàn. Theo ông, trực thăng này dường như đã bay dưới độ cao cho phép.

Đề cập đến lỗi kỹ thuật có thể xảy ra trên trực thăng Bell-212 do Mỹ sản xuất, ông Bazykin nhấn mạnh rằng an ninh là ưu tiên hàng đầu khi nói đến phương tiện chở tổng thống.

Ông nói thêm rằng mặc dù trực thăng của tổng thống là phương tiện "rất đáng tin cậy", nhưng đã lỗi thời.

Cuộc gọi cuối cùng

Tại cuộc họp báo ngày 20/5, ông Mohammad Nami, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Iran, cho hay sau khi trực thăng chở Tổng thống Ebrahim Raisi bị rơi, giáo sĩ Mohammad-Ali Al-Hashem, người có mặt trên chuyến bay, vẫn sống sót thêm khoảng một giờ.

Ông cho biết, giáo sĩ Hashem đã tìm cách liên lạc bằng điện thoại với văn phòng tổng thống trước khi qua đời.

"Ông ấy còn sống khoảng một tiếng sau khi trực thăng rơi. Ông ấy thậm chí còn gọi điện báo tin cho Chánh văn phòng Tổng thống Gholam Hossein Esmail", ông Nami nói.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Mahdi Safari cũng xác nhận giáo sĩ Mohammad-Ali Al-Hashem thậm chí đã 2 lần liên lạc qua điện thoại sau khi trực thăng gặp nạn. Giáo sĩ này thông báo trực thăng gặp sự cố, ông cảm thấy đau đớn và cũng nghe thấy tiếng xe cứu thương.

Tuy nhiên, khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được hiện trường, toàn bộ 9 người trên trực thăng, bao gồm cả giáo sĩ Al-Hashem, đều đã thiệt mạng. Theo ông Nami, toàn bộ thi thể nạn nhân vẫn có thể nhận dạng được mà không cần xét nghiệm ADN.

Trong ngày 19/5, Phó Tổng thống Mohsen Mansouri nói rằng, 2 người trên trực thăng xấu số đã tìm cách liên hệ với mặt đất, trong đó có giáo sĩ và một thành viên tổ bay.

"Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ việc không cao lắm, vì 2 người bên trong trực thăng đã liên lạc được với đội của chúng tôi nhiều lần", ông nói, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Tuy vậy, hy vọng tìm thấy người sống sót tắt dần khi cuộc tìm kiếm bước sang ngày 20/5. Đến khoảng 5h sáng ngày 20/5, đội cứu hộ phát hiện xác trực thăng từ khoảng cách 2km và phải mất 1 giờ sau đội cứu hộ mới có thể tiếp cận.

Khi tới hiện trường nằm ở độ cao khoảng 2.200m, lực lượng cứu hộ "không phát hiện bất cứ dấu hiệu của sự sống" nào.

(theo TASS, Sputnik)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chinh-quyen-iran-tiet-lo-ly-do-vu-roi-truc-thang-cho-tong-thong-cam-than-gia-nhu-ham-huc-voi-my-vi-nguyen-nhan-gian-tiep-272042.html