Bài 3: Đã đến lúc trả vàng về cho thị trường

Trao đổi với Tạp chí Tài chính, PGS. TS. Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế, cho rằng, đã đến lúc Nhà nước mạnh dạn thay đổi tư duy quản lý, trả vàng về cho thị trường, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ làm nhiệm vụ giám sát về khối lượng, thậm chí giám sát giá cả khi cần thiết.

Phóng viên: Vàng có vai trò gì trong hoạt động kinh tế Việt Nam, thưa ông?

PGS., TS. Ngô Trí Long - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Trường Đại học Thành Đông, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính).

PGS., TS. Ngô Trí Long:Vàng vốn được xem là kênh đầu tư an toàn, là “vịnh tránh bão” cho dòng tiền để chống lại khủng hoảng, lạm phát cũng như sự mất giá của tiền tệ.

Đối với Việt Nam, hiện nay, vàng không có vai trò quá quan trọng trong các hoạt động của nền kinh tế. Cho nên, dù giá vàng trên thế giới vừa qua có những thời điểm nhảy lên rất cao, tăng giá kỷ lục nhưng không gây ảnh hưởng đến các chính sách tiền tệ.

Việt Nam cũng đã thành công trong vấn đề triệt tiêu “vàng hóa” nhiều năm nay, sẽ không có những cơn sốt mua vàng như chục năm trước. Do đó, sự ảnh hưởng tiêu cực được dự đoán là không nhiều.

Phóng viên: Vậy, thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng hiện nay ra sao?

PGS., TS. Ngô Trí Long: Từ năm 2012 đến nay, thị trường vàng trong nước được quản lý bằng Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, thay thế Nghị định số 64/2003/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 174/1999/NĐ-CP.

Theo đó, NHNN đã thực thi rất chặt chẽ chính sách quản lý thị trường vàng, không cho phép các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng nhập khẩu vàng theo giấy phép như trước đây, góp phần bình ổn tỷ giá và hạn chế việc sản xuất vàng miếng.

Nhờ kiên định với mục tiêu chống “đô la hóa, vàng hóa” của NHNN, giá vàng không ảnh hưởng đến giá các loại hàng hóa khác, không ảnh hưởng đến tỷ giá ngoại tệ, tạo điều kiện cho sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Không thể phủ nhận, từ khi có Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, thị trường vàng trong nước đã ổn định; không còn hiện tượng sốt giá vàng và vàng không còn là công cụ thanh toán trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, đã qua hơn 10 năm thực hiện, một số quy định của Nghị định đã bộc lộ những bất cập, nhất là tại thời điểm này không còn phù hợp và cần phải thay đổi để cả người dân, doanh nghiệp, thị trường và nền kinh tế cùng hưởng lợi.

Phóng viên: Vậy, đâu là những bất cập trong quản lý vàng từ Nghị định số 24/2012/NĐ-CP trong bối cảnh mới hiện nay, thưa ông?

PGS., TS. Ngô Trí Long: Bên cạnh những kết quả đạt được, những bất cập trong quản lý thị trường vàng từ Nghị định số 24/2012/NĐ-CP có thể nhìn nhận từ các góc độ: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Từ góc độ Nhà nước, Việt Nam đang quản lý thị trường vàng theo kiểu “một mình một chợ”, thiếu hội nhập và liên thông với thế giới. Chính sách đóng cửa khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới rất cao, đặc biệt là vàng SJC, tạo ra tình trạng đầu cơ, buôn lậu vàng. Trong điều kiện hội nhập, thị trường mở cửa, Nhà nước không thể mãi thi hành chính sách "đóng cửa" với hàng hóa này. Cả trong quá khứ và hiện tại, trên thế giới chưa có một Ngân hàng Trung ương nào có chính sách duy trì một thương hiệu vàng và độc quyền sản xuất vàng miếng.

Từ góc độ tổ chức, doanh nghiệp, các doanh nghiệp không bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng không căn cứ vào bất kỳ tiêu chí nào của thực tiễn mà đi ngược lại quy luật tự nhiên của thị trường. Điều này "bóp nghẹt" mạng lưới phân phối đã hình thành nhiều năm trên cơ sở nguyên lý cung cầu.

Từ góc độ người tiêu dùng, việc độc quyền một thương hiệu khiến người dân phải bán vàng miếng các thương hiệu vàng khác mà họ đã mua nắm giữ từ bao lâu với giá rẻ hơn SJC có những thời điểm gần 15 triệu đồng/lượng (mặc dù chất lượng như nhau). Người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài mua, bán, tích lũy bằng vàng miếng SJC. Chính sách cho độc quyền vàng đã làm cho thị trường vàng bị đẩy lên cực điểm, gây bất lợi cho người tiêu dùng và nền kinh tế.

Thị trường vàng "một mình một chợ", người dân chịu thiệt khi chêch lệch trong nước và thế giới có thời điểm lên đến 20 triệu đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng không được lợi gì từ chính sách độc quyền vàng miếng. Đó là thực tế diễn ra tại thị trường vàng Việt Nam nhiều năm qua.

Khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới quá cao đã “khuyến khích” vàng nhập lậu, chảy máu ngoại tệ trong khi thất thoát thu ngân sách. Một thị trường vàng chưa bao giờ lành mạnh, đáng tiếc, lại có nguyên nhân từ độc quyền nhà nước trong thập kỷ qua.

Từ sự quản lý như vậy dẫn đến hệ quả chung là: Thị trường vàng Việt Nam đang đi thụt lùi so với thế giới vì thiếu những giải pháp căn cơ và mang tính chiến lược.

Phóng viên: Theo ông, cần có sự thay đổi như thế nào để thị trường vàng trong nước liên thông với thế giới, đảm bảo lợi ích các bên?

PGS., TS. Ngô Trí Long:Trước tiên, cần mạnh dạn thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng. Tuy nhiên, việc chọn con đường dễ trong quản lý bằng công cụ hành chính, mệnh lệnh như Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, hay chọn con đường để vận hành theo cơ chế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế là một vấn đề không hề dễ đối với cơ quan quản lý.

Bởi chúng ta đang quản lý thị trường vàng một cách hết sức chặt chẽ, theo kiểu hành chính mệnh lệnh trong bối cảnh thị trường vàng thời gian đó đang có nhiều bất ổn. Sự e ngại của nhà quản lý đó là việc thay đổi theo quy luật của cơ chế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, nếu quản lý không tốt sẽ làm cho thị trường vàng bất ổn.

Sự e ngại này là cần thiết, nhưng hãy tin tưởng vào sự điều hành của Chính phủ, của NHNN và các cơ quan chức năng, những chủ thể đã đạt được kết quả to lớn trong điều hành chính sách kinh tế những năm qua.

Phóng viên: Nhưng làm sao để thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng hiện nay, thưa ông?

PGS., TS. Ngô Trí Long:Thay đổi tư duy trước hết cần quán triệt các nguyên tắc quản lý thị trường vàng trong nền kinh tế thị trường. NHNN chỉ thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách chỉ điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo Pháp lệnh ngoại hối, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng mà không tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết thị trường bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự việc kinh doanh của các doanh nghiệp. Cung phải gắn với cầu, tiến tới tự do hóa xuất nhập khẩu, Nhà nước chỉ điều tiết bằng chính sách như các nước khác trên thế giới.

NHNN nên trả vàng về cho thị trường, tức là để cho thị trường - các công ty kinh doanh vàng tự xuất và tự nhập, còn NHNN chỉ làm nhiệm vụ giám sát về khối lượng, thậm chí giám sát giá cả khi cần thiết.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Tuấn Thủy (ghi)

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bai-3-da-den-luc-tra-vang-ve-cho-thi-truong.html