Người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp trong tỉnh Gia Lai vẫn luôn quan tâm chăm lo đời sống người lao động. Ở chiều ngược lại, người lao động luôn sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp để cùng nhau phát triển.

Nâng cao đời sống người lao động

Dưới tác động của thiên tai, dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy Đá granite Quốc Duy (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) bị ảnh hưởng rất lớn.

Ông Bùi Nghị-Quản đốc Nhà máy-cho biết: Hàng hóa làm ra không xuất khẩu được, chỉ bán trong nước nên Nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng. Dù vậy, chúng tôi vẫn đảm bảo đầy đủ các chế độ cho người lao động, đặc biệt là không nợ lương, duy trì hỗ trợ tiền tăng ca.

Lao động làm việc tại Nhà máy Đá granite Quốc Duy (Khu Công nghiệp Trà Đa) luôn được quan tâm đầy đủ về quyền lợi, chế độ. Ảnh: Đ.Y

Lao động làm việc tại Nhà máy Đá granite Quốc Duy (Khu Công nghiệp Trà Đa) luôn được quan tâm đầy đủ về quyền lợi, chế độ. Ảnh: Đ.Y

“Nhà máy hiện có khoảng 70 công nhân, mức lương trung bình 7-10 triệu đồng/người/tháng. Vào các dịp lễ, Tết, Nhà máy đều tặng quà động viên. Những lúc công nhân, người lao động ốm đau, chúng tôi đều thăm hỏi, động viên kịp thời. Ngoài ra, Nhà máy cũng quan tâm hỗ trợ cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, phải thuê nhà trọ. Theo đó, mỗi công nhân được Nhà máy hỗ trợ 500 ngàn đồng/tháng”-ông Nghị thông tin.

Hơn 16 năm là công nhân gắn bó với Nhà máy Đá granite Quốc Duy, ông Huỳnh Thanh Mỹ luôn hết lòng vì công việc và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Theo ông Mỹ, chính sự quan tâm, thấu hiểu của lãnh đạo Nhà máy là nguyên nhân khiến ông gắn bó với công việc.

Ông cho hay: “Thời gian qua, thu nhập của chúng tôi có giảm so với trước do đơn đặt hàng ít và không tăng ca. Tuy nhiên, Nhà máy vẫn đảm bảo việc làm, thu nhập cơ bản của người lao động. Đặc biệt, biết hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, không có nhà ở gần nơi làm việc, Nhà máy đã hỗ trợ 500 ngàn đồng/tháng tiền thuê nhà cũng như thường xuyên thăm hỏi, tặng nhu yếu phẩm. Chính nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Nhà máy mà cuộc sống của gia đình tôi phần nào vơi bớt khó khăn”.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) cũng đặc biệt quan tâm, chăm lo đời sống của người lao động. Anh Brưn (làng Djrông, xã A Dơk, huyện Đak Đoa) chia sẻ: “Tôi đã có hơn 4 năm làm việc tại Công ty. Môi trường làm việc ở đây rất thoải mái, công việc ổn định, gần nhà, thu nhập bình quân đạt hơn 6 triệu đồng/tháng.

Ngoài tiền lương, Công ty còn thực hiện đầy đủ các chế độ như bảo hộ lao động, chế độ ăn giữa ca; đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ về vật chất giúp người lao động ổn định cuộc sống”.

Theo ông Lê Hoàng Linh-Giám đốc vùng trồng Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn: Công ty có trên 800 người lao động, trong đó, 70% là người dân tộc thiểu số tại địa phương. Công ty chi trả mức lương bình quân hơn 6 triệu đồng/người/tháng.

Để người lao động yên tâm gắn bó với vườn cây, Công ty thực hiện nhiều hoạt động gắn kết như: “làm việc chuyên cần” (lao động đi làm đủ 20 ngày/tháng sẽ được Công ty thưởng khuyến khích 300 ngàn đồng/tháng); gắn bó với doanh nghiệp 2-3 năm trở lên được đơn vị đóng bảo hiểm xã hội; nữ công nhân nghỉ thai sản, lao động bị ốm đau, gia đình gặp hoạn nạn, tùy vào hoàn cảnh mà có chính sách hỗ trợ kịp thời.

Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn quan tâm đời sống công nhân. Ảnh: Đinh Yến

Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn quan tâm đời sống công nhân. Ảnh: Đinh Yến

Hỗ trợ cùng phát triển

Với phương châm “Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và phát triển”, Ban Chấp hành Công đoàn và Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất-thương mại Gia Khang (Khu Công nghiệp Trà Đa) luôn quan tâm đào tạo nguồn nhân lực và chăm lo đời sống người lao động.

Bà Đào Thị Ngọc Mai-Giám đốc Công ty-cho biết: Chúng tôi chuyên sản xuất gỗ xuất khẩu. Do khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên hoạt động xuất khẩu bị ngưng trệ. Trước tình hình đó, Công ty đã quyết định chuyển hướng kinh doanh, trong đó tập trung sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Nhờ đội ngũ công nhân lành nghề, có nhiều kinh nghiệm nên hoạt động của đơn vị dần ổn định.

“Năm 2023, mặc dù doanh thu sụt giảm nhưng Công ty không giảm giờ làm, cắt giảm lao động. Ban Giám đốc Công ty vẫn tiếp tục duy trì tiền ăn giữa ca, tặng quà nhân dịp lễ, Tết để động viên người lao động yên tâm làm việc”-bà Mai nói.

Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông ty và Công ty TNHH hóa nhựa Đông Dương trao nhà tình nghĩa cho đoàn viên công nhân Nhà máy Chế biến gỗ cao su Chư Prông. Ảnh: Đinh Yến

Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông ty và Công ty TNHH hóa nhựa Đông Dương trao nhà tình nghĩa cho đoàn viên công nhân Nhà máy Chế biến gỗ cao su Chư Prông. Ảnh: Đinh Yến

Còn ông Võ Toàn Thắng-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông thì cho hay: Những năm qua, Công ty đã có nhiều chương trình gắn kết, chăm lo và hỗ trợ người lao động như: tặng quà dịp lễ, Tết; hỗ trợ chế độ ăn giữa ca; tặng nhà “Mái ấm Công đoàn” cho công nhân nghèo hay thưởng Tết…

Bên cạnh đó, Công ty tổ chức các buổi đối thoại định kỳ hàng tháng, hàng quý để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Ngoài ra, Ban Chấp hành Công đoàn còn phối hợp với lãnh đạo Công ty xây dựng chương trình đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động; giới thiệu đoàn viên Công đoàn ưu tú trong lao động sản xuất và có tố chất để thăng tiến trong sự nghiệp; giới thiệu đoàn viên ưu tú để xem xét, kết nạp vào Đảng.

Bà Rơ Lan Nga-Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh-thông tin: Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có trên 9.000 doanh nghiệp đang hoạt động với gần 86.000 lao động. Hàng năm, các cấp Công đoàn đã chủ động phối hợp với chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại; đưa nội dung nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp vào nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức nhằm tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, kinh phí để đoàn viên, người lao động chủ động tham gia với các hình thức phù hợp.

Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tiến hành thanh-kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; hướng dẫn các đơn vị thực hiện tốt quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới; thực hiện đúng quy định các chế độ, chính sách pháp luật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động và quản lý công nhân, lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nguoi-lao-dong-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-post274974.html