Lúa gạo Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với thế giới

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông Lê Minh Hoan từng tự hào phát biểu, thành tựu ngành lúa gạo Việt Nam hiện nay được cả thế giới ngưỡng mộ. Từ một đất nước chạy ăn từng bữa, Việt Nam đã vươn lên thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới!

Nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa. (Ảnh: Hiền Thanh)

Nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa. (Ảnh: Hiền Thanh)

Thành công từ sự khác biệt

Năm 1989 đánh dấu một sự kiện lịch sử trong ngành lúa gạo Việt Nam, đó là năm đầu tiên xuất khẩu gạo, với số lượng đến một triệu tấn sau nhiều năm trước đó phải nhập khẩu gạo với số lượng lớn. Trong thời kỳ thế giới khủng hoảng về chuỗi cung ứng lương thực do đại dịch Covid-19 hay khủng hoảng về thị trường gạo như năm 2023, Việt Nam vẫn đảm bảo tự túc hoàn toàn, ngoài ra còn xuất khẩu khối lượng lớn, đóng góp cho an ninh lương thực thế giới.

Đây là kết quả của phương hướng phát triển ngành lúa gạo mang tính kiên định, tính linh hoạt và tính chịu đựng được hòa quyện giữa chính sách nhà nước, khoa học công nghệ và sức lao động sáng tạo của nông dân, như theo mô hình mẫu của quốc tế về phát triển nông nghiệp bền vững.

Ngành lúa gạo Việt Nam có điểm xuất phát thấp trong khu vực; trong khi một số nước tự túc được gạo như Philippines và Indonesia thì Việt Nam là nước nhập khẩu gạo với số lượng lớn mỗi năm.

Tuy nhiên, sau đó, Việt Nam vươn lên, trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới thì Philippines và Indonesia phải nhập khẩu gạo hàng năm trong thời gian dài cho đến nay, dù chính phủ đã rất nỗ lực để khôi phục khả năng tự túc gạo nhưng vẫn chưa thành công, điều này cho thấy khi sản xuất lúa tuột dốc thì khôi phục lại là rất khó.

Điều gì làm nên sự thành công của Việt Nam? Khi so sánh các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và Nam Á, ngành lúa gạo Việt Nam có sự khác biệt ở các điểm:

Thứ nhất, Nhà nước có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi chủ yếu phục vụ cho sản xuất lúa. Nhờ vậy, tỷ lệ diện tích lúa có tưới của Việt Nam lên đến 85% cao nhất trong khu vực, so với nhiều nước tỷ lệ diện tích lúa có tưới thường từ 20-50% còn phần lớn diện tích canh tác lúa bằng nước trời.

Việt Nam có lẽ là nước có hệ thống thủy lợi “dày đặc” với đủ loại hình, quy mô, cho mọi vùng sinh thái. Có nhiều hồ chứa lớn từ Bắc đến Nam

Thứ hai, chiến lược chọn tạo giống lúa của Việt Nam theo mô hình kết hợp giữa năng suất cao nhưng có thời gian sinh trưởng ngắn hoặc cực ngắn (90-95 ngày đến dưới 110 ngày) và chất lượng cao. Thực hiện chiến lược này là sự dày công của các nhà khoa học Việt Nam và đến nay đã đem lại sự thành công.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, các giống lúa chủ lực hiện nay có thời gian sinh trưởng 90-105 ngày, nhưng có thể đạt 7-8 tấn/ha và có chất lượng tốt. Các giống lúa này cũng là các giống lúa chủ lực phục vụ xuất khẩu, nhờ vậy đã nâng cao được chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, mà dấu mốc là năm 2023 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã vượt trên Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ là các nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới.

Chất lượng gạo cao là sự tích hợp của nhiều yếu tố trong chuỗi giá trị, đầu tiên là giống lúa, đến kỹ thuật canh tác, thu hoạch, sấy, tồn trử và chế biến. Khi thị trường thế giới chấp nhận giá gạo Việt Nam ở mức cao nhất, điều này cỏ nghĩa chất lượng gạo được chấp nhận, và tin vui cho Việt Nam không phải chỉ là giá cao mà là gạo

Việt Nam đã đạt trình độ tiên tiến về công nghệ trong chuỗi giá trị, một thành tựu mang tính đột phá, vượt qua lời nguyền bước qua lời nguyền gạo Việt Nam chất lượng thấp và giá xuất khẩu thấp.

Thứ ba, Việt Nam đang có ưu thế vượt trội về năng suất lúa. Trước đây năng suất lúa của Việt Nam thấp hơn các nước nhưng đã bức phá gia tăng liên tục và đến nay năng suất bình quân cả nước đã vượt ngưỡng 6 tấn/ha trên diện tích 7 triệu ha; riêng vụ Đông Xuân trên 3 triệu ha, năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha, là mức tiên tiến của thế giới.

Sự khác biệt này là một thế mạnh của Việt Nam so với các nước xuất khẩu gạo trong nhóm hàng đầu thế giới.

Gạo Việt Nam lần đầu lên kệ siêu thị E.Leclerc của Pháp. (Nguồn: TTXVN)

Gạo Việt Nam lần đầu lên kệ siêu thị E.Leclerc của Pháp. (Nguồn: TTXVN)

Tiếp tục đổi mới hướng về sức khỏe con người và thiên nhiên

Dù mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người trên thế giới cũng như ở Việt Nam theo xu hướng giảm, nhưng gạo vẫn là loại lương thực gắn liền với cuộc sống của trên 3 tỷ người trên thế giới. Chính phủ Việt Nam xác định vai trò của lúa gạo làm nòng cốt cho an ninh lương thực quốc gia.

Để thực hiện được trọng trách này ngành lúa gạo cần tiếp tục đổi mới hướng về sức khỏe con người và thiên nhiên.

Hình ảnh mới của lúa gạo Việt Nam trước nhất là gạo sạch theo tiêu chuẩn quốc tế về giới hạn dư lượng thuốc trừ sâu và chất độc hại cùng với chất lượng cao theo thị hiếu tiêu dùng của thị trường trong nước và xuất khẩu, và chất lượng về dinh dưỡng, ngừa bệnh. Gần đây các tiến bộ khoa học cho thấy có thể tạo ra các giống lúa có gạo giàu vi chất như sắt, kẽm… hoặc có chỉ số đường huyết (glycemic idex, GI) thấp giúp giảm nguy cơ bệnh tiểu đường.

Các giải pháp về canh tác lúa theo hướng giảm vật tư có nguồn gốc hóa chất đã được ứng dụng thành công như “1 phải, 5 giảm”, tiêu chuẩn SRP (tiêu chuẩn tự nguyện đầu tiên trên thế giới, bao gồm 41 yêu cầu được tổ chức theo tám chủ đề rất quan trọng đảm bảo quy trình canh tác, quản lý đồng ruộng, tiết kiệm nước, bảo đảm sức khỏe và an toàn lao động)… cần được đến với mọi cánh đồng.

Bên cạnh đó, các giải pháp theo hướng canh tác chính xác như máy sạ cụm, sạ hang… cần được thúc đẩy ứng dụng, tạo sự lan truyền nhanh như đối với áp dụng máy gặt đập liên hợp trước đây. Kỹ thuật canh tác chính xác nhờ cơ giới hóa và công nghệ số sẽ thay đổi vị thế của ngành lúa gạo tương lai.

Hình ảnh mới của lúa gạo Việt Nam biểu thị cho trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính vì sản xuất lúa là nguồn tạo ra phát thải khí nhà kính lớn, chiếm 50% lượng phát thải trong nông nghiệp.

Việt Nam là nước đã đi trước một bước về giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa khi thực hiện dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT” do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Trong dự án này, kỹ thuật canh tác giảm phát thải đã thực hiện trên quy mô lớn, năm 2019 đạt 80.000 ha, năm 2020 lên đến 170.000 ha.

Hơn nữa, hệ thống thủy lợi cho sản xuất lúa ở Việt Nam rất phát triển, là điều kiện thuận lợi cho áp dụng giải pháp điều chỉnh nước để giảm phát thải, chỉ đầu tư bổ sung nâng cấp thủy lợi nội đồng và tương lai việc điều chỉnh nước sẽ tiến đến tự động hóa.

Một số mô hình tưới tiêu tự động theo kỹ thuật canh tác giảm phát thải đã được áp dụng thành công. Các tiến bộ cơ giới hóa trong quản lý rơm sau thu hoạch sẽ được tích hợp vào kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải. Ở một tương lai không xa, gạo Việt Nam được gắn nhãn “gạo carbon thấp/low carbon rice” sẽ đến với người tiêu dùng trong nước và thị trường gạo xuất khẩu.

Hình ảnh lúa gạo vì sức khỏe con người, bảo vệ môi trường sinh thái và giảm nhẹ biến đổi khí hậu là trung tâm hướng đến của ngành lúa gạo Việt Nam trong chặng đường phía trước.

Từ một đất nước chạy ăn từng bữa, Việt Nam đã vươn lên thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới! (Nguồn: Mekong ASEAN)

Từ một đất nước chạy ăn từng bữa, Việt Nam đã vươn lên thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới! (Nguồn: Mekong ASEAN)

Hợp tác với châu Phi: Hình ảnh nông nghiệp trách nhiệm của Việt Nam

Châu Phi là thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam từ trước đến nay. Năm 2023 lượng gạo xuất khẩu đến trên 30 quốc gia châu Phi đạt 1,3 triệu tấn, chiếm 17% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Cũng trong năm 2023, khi châu Phi đối mặt với khủng hoảng thiếu gạo do Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất đến thị trường này cấm nhập khẩu gạo không thuộc loại Basmati, Việt Nam đã tăng xuất khẩu gạo cung cấp cho châu Phi, với khối lượng tăng 6,3% so với năm 2022.

Dù nhập khẩu gạo từ Việt Nam nhưng châu Phi cũng là nơi mà Việt Nam đã và đang thực hiện các chương trình hỗ trợ về sản xuất lúa, thông qua chương trình hợp tác Nam - Nam do tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hiệp quốc (FAO) khởi xướng.

Từ năm 1996 đế nay, các chuyên gia Việt Nam đã thực hiện hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa ở nhiều nước châu Phi như Congo, Madagascar, Mali, Namibia, Guinea, Benin, Mozambique, Angola, Senegal, Ghana, Chad....

Theo tổng kết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ở các dự án sản xuất lúa do Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật, năng suất lúa gia tăng từ 2 - 4 lần. Điều này cho thấy, chúng ta không vì lợi ích xuất khẩu gạo của mình mà luôn biểu hiện sự mong muốn phía bạn gia tăng khả năng tự túc lúa gạo. Trên thực tế, Việt Nam cũng đã hợp tác, hỗ trợ bạn hết lòng về áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa từ kinh nghiệm của mình.

Chính vì lẽ đó, tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam diễn ra tại Hậu Giang vào tháng 12/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội thảo đối thoại chính sách Việt Nam - châu Phi: Hợp tác Nam - Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực.

Các đại biểu từ châu Phi đến với Festival lúa gạo - Hậu Giang với mong muốn tận mắt thấy được những thành tựu trong sản xuất lúa gạo ở Việt Nam và muốn đến tận nơi để tìm câu trả lời vì sao đất nước hình chữ S, từ một nước thiếu gạo trước đây, đã vươn lên trở thành một nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới.

Trong thời gian ở Hậu Giang, đại biểu châu Phi đã “mục sở thị” những cánh đồng lúa trĩu bông và máy gặt đập liên hợp, máy cuốn rơm hoạt động nhộn nhịp, máy sạ hàng, sạ cụm đang gieo hạt cho vụ mùa mới, được nhìn các giống lúa mới chất lượng cao…

Ở Hội thảo đối thoại chính sách Việt Nam - châu Phi, kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển ngành hàng lúa gạo đã được giới thiệu rất chân thành và cởi mở.

Trong đó, Việt Nam nêu kinh nghiệm trong phát triển về hệ thống thủy lợi với tỷ lệ diện tích lúa có tưới của Việt Nam lên đến 85%, cao nhất trong khu vực ASEAN; ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ, đặc biệt tạo được bộ giống lúa vừa ngắn này, vừa cho năng suất cao và chất lượng tốt; áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất và chế biến; kết nối sản xuất và thị trường tiêu thụ.

Những kinh nghiệm trên đã giúp Việt Nam tạo sự đột phá về chất lượng gạo và năng suất lúa đạt mức tiênn tiến của thế giới. Từ đó, vừa đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia, vừa xuất khẩu gạo với số lượng lớn và có sức cạnh tranh cao ở thị trường thế giới.

Với kinh nghiệm Việt Nam, thực tiễn của châu Phi và những thành công từ các mô hình chuyên gia Việt Nam cùng với nông dân châu Phi đã thực hiện, có thể đúc kết các giải pháp trọng yếu có thể giúp châu Phi phát triển hướng đến tự túc lúa gạo, thậm chí một số nước có thể xuất khẩu gạo.

Cụ thể là: Thủy lợi - giống tốt cung cấp cho nông dân - cơ giới hóa trong sản xuất và chế biến - gắn kết giữ sản xuất với thị trường tiêu thụ. Con đường gia tăng tự túc lúa gạo ở châu Phi sẽ thành công không xa khi có sự tập trung nỗ lực thực hiện các khâu then chốt này. Với kinh nghiệm của mình, Việt Nam còn có thể đóng góp nhiều hơn cho sự hợp tác phát triển lúa gạo ở châu Phi khi khuôn khổ hợp tác Nam - Nam được tăng cường hơn nữa, cùng với sự gia tăng hỗ trợ tài chính của các tổ chức phát triển quốc tế.

(*) Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA), nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bùi Bá Bổng (*)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lua-gao-viet-nam-hoi-nhap-manh-me-voi-the-gioi-270809.html