Nhà thơ Nguyễn Tùng Linh - Cánh buồm thi ca phiêu bạt

Điều quan trọng nhất mà tôi nhận ra trong các tập thơ của Nguyễn Tùng Linh là phẩm chất thi sĩ nơi ông, cái đã làm nên một gương mặt thơ của Hải Phòng trong những năm chiến tranh gian khổ ở miền đất của khói bụi xi măng và bến cảng của cần lao, lam lũ. Sinh năm 1946, quê An Hải, TP Hải Phòng, Nguyễn Tùng Linh có thơ in báo từ những năm 1967-1968 và cùng với Thi Hoàng, Thanh Tùng là ba gương mặt thơ tiêu biểu của thi ca đất Cảng những năm đó.

Kỷ niệm đầu đời với sự giúp đỡ của nhà văn Nguyên Hồng

Tết Giáp Thìn mới đây, nhân dịp sang chơi với người thân ở thành phố Melbourne (Úc), tôi có ghé thăm nhà thơ Nguyễn Tùng Linh đang định cư cùng gia đình ở bên đó. Gặp bạn thơ, ông mừng ra mặt, bảo ở miền đất này cô đơn lắm.

“Bên này không thiếu gì cả, đời sống vật chất quá đầy đủ chỉ thiếu mỗi bạn văn thơ để trò chuyện, tâm sự. Buồn lắm em ạ, ít năm nữa anh cũng về Việt Nam thôi! Cho bọn trẻ nó sống, nó làm ăn bên này, còn bọn già chúng mình phải về với quê hương, về với bạn bè”, Tùng Linh nhắc tôi.

Ông còn ví, mỗi người thơ chúng ta như một loài cây quen sống với không gian Việt, sinh quyển Việt, làm sao bứng sang trồng bên này mà sống được, phải gắn bó với quê hương thì mới đơm hoa, ra trái, mới viết được chứ! đại thể là vậy.

Nhà thơ Nguyễn Tùng Linh (phải) và tác giả bài viết.

Nhìn gương mặt thao thức của ông, tôi thấy ông day dứt thật, nhớ bạn bè trong nước nhiều lắm. Nguyễn Tùng Linh kể cho tôi nghe tình bạn của ông với các nhà văn, nhà thơ Thanh Tùng, Thi Hoàng, Nguyễn Khắc Phục, Đào Cảng, Vũ Từ Trang, Lưu Quang Vũ, Đào Nguyễn… Những năm chiến tranh 1965-1975, ngôi nhà của bố mẹ ông ở Hải Phòng đã trở thành địa chỉ quen thuộc đối với nhiều anh em cầm bút cùng thế hệ, họ có thể về đấy tá túc, ăn nghỉ, đàm đạo văn chương.

Bỗng giọng Tùng Linh trầm xuống, thân thiết khi nói về nhà văn Nguyên Hồng, người ông coi như bố nuôi của mình, người đã từng có lời hứa gả con gái cho ông. Chính nhà văn Nguyên Hồng trong thời gian phụ trách văn hóa, văn nghệ TP Hải Phòng là người đã tin tưởng giới thiệu, cử nhà thơ trẻ Nguyễn Tùng Linh đi học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa I năm 1979. Sau kết thúc khóa học, Nguyễn Tùng Linh đã đạt kết quả tương đương thủ khoa, được tuyên dương trong lễ tốt nghiệp.

Bắt đầu tham gia sáng tác văn học từ năm 1965, có tác phẩm in báo từ năm 1967, ngoài thơ, Nguyễn Tùng Linh còn viết văn xuôi, bút ký, truyện ngắn và phê bình văn học. Ông có 3 tập thơ in chung, 3 tập thơ in riêng và từng là Chủ tịch Chi hội nhà văn Công nhân, Hội Nhà văn Việt Nam.

Một trong những bài thơ hay nhất của Tùng Linh là viết về nhà văn Nguyên Hồng với niềm kính trọng: “Ông ngồi đấy quên cả chiều đang xuống/ Chén rượu ngang hắt tia nắng hoàng hôn/ Cặp mắt nheo nheo, chòm râu vểnh ngược/ Mải nghĩ lao lung hay tâm đã nhập thiền/ Ông ngồi đấy ngày này qua ngày khác/ Từ bàn tay ông bao nhân vật ra đời/ Họ cũng sống như những con người thực/ Cũng buồn vui với nước mắt, nụ cười/ Bữa gặp ông tôi vô cùng kinh ngạc/ Quần áo nâu, ông hệt một lão nông/ Ngồi uống rượu trong quán nghèo góc chợ/ Với bác xích lô mồ hôi đẫm lưng trần/ Cả cuộc đời và trên từng trang viết/ Ông dạy tôi bài học lớn của đời/ Sự giản dị là điều vươn khó nhất/ Cho một nhà văn… và cho mỗi con người”. Có thể ví đoạn thơ ngắn trên như một ký họa chân dung đậm nét và chân thực về một nhà văn lớn của văn học Việt Nam đương đại.

Hơi thở đời sống cần lao là mạch chảy chính trong thơ

Trong thơ Nguyễn Tùng Linh, ta nhận thấy thực trạng đời sống, sự kiện đời sống, hơi thở đời sống, chân dung đời sống, buồn vui đời sống… ùa tràn vào thơ ông ở các chiều kích khác nhau. Từ "Nhớ biển" đến "Thư hải đảo", từ "Hoa đào trên đảo đèn" đến "Tiếng nghé sau trận bão B52", từ "Mẹ ngồi se gai trước biển" đến "Người họa sĩ và sông Tam Bạc", từ "Những cô gái đập đá ở mỏ" đến "Những người phá thủy lôi trên cửa biển"… Có cảm tưởng, ông ghi nhật ký hàng ngày bằng thơ, bằng tất cả sự xúc động của một trái tim người thơ luôn mở cửa tâm hồn mình để đến với những cuộc đời khác, đến với cuộc sống nhọc nhằn, khó khăn của con người và thiên nhiên trong những năm tháng chiến tranh dữ dội ở thành phố Cảng Hải Phòng.

Hình ảnh người mẹ ngồi se gai trước biển đã gợi lên trong ta một ký ức không thể quên của thời gian lao, khốc liệt đó: “Quân thù đến găm thủy lôi lòng biển/ Máy bay rình từ mỗi vạt buồm con/ Nỗi nhớ vỗ bồn chồn ngoài chân sóng /Ta biết lòng khơi mong ngóng những con thuyền/ Tôi không theo đoàn thuyền tung lưới trong đêm/ Nhưng gặp mẹ trưa nay se gai trước biển/ Hiểu sức mạnh quê hương trong bom đạn/ Từ những vòng quay cần mẫn tháng năm”.

Hiện thực đời sống đi vào thơ Nguyễn Tùng Linh một cách giản dị, hồn nhiên và quen thuộc đến độ nếu không có hiện thực, không có âm vang, không có hơi thở đời sống, ông sẽ không có thơ. Nhưng điều căn cốt nhất, ông không sao chép hiện thực một cách xô bồ, thô vụng khi hiện thực được nhà thơ coi là những vỉa quặng, nguyên liệu ban đầu được chọn lọc để xây cất nên hình tượng thơ và các tứ thơ.

Viết về Hòn Gai sau hai cuộc chiến tranh, nhà thơ ghi nhận: “Mặt đường vá những hố bom nham nhở/ Mái giấy dầu, tường vôi đơn sơ quá/ Nào ai giấu làm chi: nhà chật, phố nghèo/ Hoa dâu da-mùa hạ trắng-xôn xao/ Hương bay ngợp suốt một chiều lộng gió/ Em đội nón bài thơ đi trong phố/ Bím tóc buông dài vai áo thợ bạc xanh/ Khi hoàng hôn tím nhạt nhẹ nhàng buông/ Phía nhà sàn giăng đèn lên vách núi/ Xé không gian một tiếng đàn lảnh lói/ Đoàn tàu về những toa đầy than đen”.

Những bài thơ đầu tay đến với Nguyễn Tùng Linh trong cuộc đời làm cán bộ kỹ thuật xây dựng nên phẩm chất thơ ông thấm đẫm mùi mồ hôi chịu thương, chịu khó của nhân dân lao động. Và, đây cũng là đề tài trở đi trở lại nhiều lần trong thơ ông, từ "Chia tay trên công trường" đến "Xưởng mộc trên bờ biển", từ "Người thợ đèn trên đảo" đến "Ông lão chăn đồi mồi trên đảo Cát Bà", từ "Khúc ca của người thợ đào móng" đến "Nắng công trường", từ "Trò chuyện với người thợ đá Tràng Kênh" tới "Thị xã của những người đánh cá".

Có thể nói, thơ Nguyễn Tùng Linh mở về mọi phía, từ đi nhiều, sống nhiều tới viết nhiều. Dường như thơ ông có mặt ở những nơi cần nhà thơ có mặt, khi thì ở thủy điện sông Đà: “Anh đợi em bên sông Đà/ Đang mùa lũ, nước đôi bờ đỏ thắm/ Nắng cuối chiều như hư như thực/ Mây nghìn năm trên đỉnh núi lững lờ/ Tiếng chim trời trôi ngang giấc mơ/ Thuyền độc mộc bất ngờ trên đỉnh sóng/ Sông Đà, sông Đà lưng trời thác dựng/ Thành con sông cho tuổi trẻ hẹn hò”. Lúc thì vượt dốc, băng đèo lên với Lạng Sơn: “Thị xã ướp trong hương hồi thơm gắt/ Rượu không say mà chếnh choáng cả chiều/ Dẫu mải vui không quên lời em dặn/ Thương nhớ ngổn ngang trong một tiếng chim kêu/ Đâu chùa Tam Thanh, đâu nàng Tô Thị/ Ai ngày xưa hóa đá chờ chồng/ Cô gái tiễn người yêu lên biên ải/ Đêm đi tuần mái tóc đẫm ánh trăng”.

Trong những bức tranh thơ được phác thảo, được khắc họa mang đậm nét trữ tình nói trên, Nguyễn Tùng Linh luôn trân trọng và nâng cao ngôn ngữ của cảm xúc và ngôn ngữ của hình ảnh. Dường như bài thơ nào của anh cũng xuất phát, cũng triển khai từ hai trục tư duy đó, nó làm nên vẻ đẹp của sự khơi gợi, sự lắng đọng, suy tư của thi ca mà bài thơ "Đêm Tố Như" là một phát hiện mới: “Nguyễn Du đi rồi Kiều thay ông sống tiếp/ Những vui buồn nhân gian/ Sách bấy nhiêu trang, trang nào không ướt đầm nước mắt/ Kiều hóa khúc à ơi những bà mẹ ru con/ Và có lúc cùng ca dao trộn lẫn/ Người mở Kiều đoán chuyện nhân duyên/ Người bói Kiều mong đường hậu vận/ Xin đừng trách ai không nhớ Nguyễn Tiên Điền/ Khi họ không quên Thúc Sinh, Từ Hải/ Dân tìm đọc thấy mình trong sách ấy/ Với trái tim mọi người, Kiều đã hóa tri âm”.

Không chỉ dồi dào cảm hứng, suy tư ở mảng thơ trữ tình phong cảnh, trữ tình công dân, Nguyễn Tùng Linh ở giai đoạn sau này có khá nhiều bài thơ được ghi nhận ở mảng thơ trữ tình thế sự với nhiều trăn trở, luôn thắp lên ngọn lửa thao thức trong tâm hồn ông. Từ "Người đàn bà góc chợ" đến "Trẻ con trên tàu khách", từ "Nghe tin bạn bị đánh" đến "Người lính hát trên chuyến tàu tốc hành", rồi từ "Giải Nobel cho Broski" đến "Lại viết về Chí Phèo".

Trong mạch thơ của tư duy suy ngẫm này, Nguyễn Tùng Linh có những khoảnh khắc cháy sáng cùng ngôn ngữ thi ca như để khả giải cho một hình tượng trong bài thơ "Với Paxtecnac" (nhà thơ Nga-giải thưởng Nobel văn học) như sau: “Một thiên tài, sứ giả của nhân dân/ Nếu lịch sử chọn anh làm nhân chứng/ Thì đấy đâu phải là chuyện ngẫu nhiên/ Thôi đành vậy-Anh phải thành Hăm Lét/ Phải vậy thôi/ Sống đến tận cùng/ Và đúng thế-con người sinh ra để sống/ Để yêu thương. Đâu để chịu khổ đau/ Lời anh rung một tiếng chuông báo động/ Sẽ ngân dài muôn thế hệ mai sau”.

Trong thơ Nguyễn Tùng Linh, sự chân thật, giản dị đã làm nên một phong vị thơ khi soi vào đấy thấy cuộc đời, thấy niềm vui, nỗi buồn và khát khao, mơ ước luôn hiện lên. Có thể nói thơ của ông đậm đặc hơi thở đời sống cần lao của nhân thế và giàu lòng nhân ái. Tôi nghĩ, đấy là niềm vui, hạnh phúc sáng tạo nhất đối với một nhà thơ.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nha-tho-nguyen-tung-linh-canh-buom-thi-ca-phieu-bat-i730072/