Yên Bái phát triển nền đông y trong tình hình mới

Nếu như trước đây, y học cổ truyền gói gọn trong 4 tứ chẩn 'vọng, văn, vấn, thiết' (nhìn, nghe ngửi, hỏi, xem mạch) thì ngày nay, việc khám, chẩn đoán và điều trị bệnh trên địa bàn Yên Bái đều dựa vào những tiến bộ của y học hiện đại thông qua những kỹ thuật cận lâm sàng.

Nhiều máy móc, thiết bị hiện đại đã được đầu tư tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.

Quan điểm chỉ đạo của Chỉ thị 24 - CT/TƯ ngày 04 tháng 7 năm 2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông Y Việt Nam trong tình hình mới là phát triển nền đông y Việt Nam vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là trách nhiệm các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội.

Bởi vậy, những năm qua, Chỉ thị này được xem là kim chỉ nam trong mọi hoạt động, giúp tổ chức Hội Đông y Yên Bái được phát triển rộng, số lượng hội viên tăng, trình độ chuyên môn nâng cao, thuốc đông y đa dạng về chủng loại, hoạt động xã hội hóa và công tác quản lý hành nghề đông y có những tiến bộ đáng kể.

Đến nay, hệ thống mạng lưới về khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền (YHCT) từ tỉnh đến cơ sở được củng cố và phát triển. Từ 84 chi hội vào năm 2008, đến nay Hội Đông y tỉnh đã phát triển lên 128 chi hội với 1.459 hội viên. Hội được thành lập ở các cấp triển khai thường xuyên các hoạt động nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn, phát triển YHCT và trồng, sử dụng thuốc nam tại cộng đồng.

Công tác nuôi trồng và phát triển dược liệu được tỉnh quan tâm bằng các chính sách hỗ trợ để vừa tạo nguồn dược liệu tại chỗ, vừa tạo sinh kế. Mới đây nhất là trong giai đoạn 2021 - 2025, cây dược liệu là 1 trong 10 sản phẩm được hỗ trợ phát triển mở rộng diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế trên địa bàn với diện tích khoảng 5.000 ha, được quản lý, kiểm soát nguồn giống đầu vào, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống, chăm sóc, thu hái và bảo quản theo nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP-WHO.

Nhờ đó, toàn tỉnh có diện tích cây dược liệu đạt gần 4.000 ha, trên 20 sản phẩm, nguyên liệu YHCT đã được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trên địa bàn tỉnh cũng đã thành lập ngày càng nhiều các công ty, hợp tác xã sản xuất và chế biến thuốc bằng phương pháp YHCT, góp phần đóng góp vào ngân sách nhà nước và tạo công ăn việc làm cho người dân như: Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái, Công ty TNHH Nam dược Đại Phú An…

Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao tay nghề, giáo dục y đức cho cán bộ, hội viên được tổ chức thường xuyên với trên 200 khóa học. Từ đó, nhiều kiến thức mới, kỹ thuật mới như: cấy chỉ, điện nhĩ châm, hỏa long cứu, laser châm… đã được phổ biến và áp dụng rộng rãi.

Một trong những định hướng xuyên suốt của Chỉ thị 24 được tỉnh Yên Bái tích cực triển khai và triển khai hiệu quả là ứng dụng hiệu quả các phương pháp chữa bệnh bằng YHCT kết hợp với y học hiện đại (YHHĐ).

Nếu như trước đây, YHCT gói gọn trong 4 tứ chẩn "vọng, văn, vấn, thiết”, tức là nhìn, nghe ngửi, hỏi, xem mạch thì ngày nay, việc khám, chẩn đoán và điều trị bệnh trên địa bàn tỉnh đều dựa vào những tiến bộ của YHHĐ thông qua những kỹ thuật cận lâm sàng như: siêu âm, xét nghiệm kết hợp chẩn đoán hình ảnh... giúp bác sĩ nắm bắt chính xác tình trạng bệnh và đưa ra liệu trình điều trị phù hợp nhất.

Những bài thuốc sắc trong thời gian dài cũng được ứng dụng những máy móc hiện đại như: máy rửa, máy thái, máy tán dược liệu, máy sắc thuốc đóng túi tự động... vào việc bào chế, chiết xuất những bài thuốc thành dạng nước, mang đến sự tiện lợi lớn cho cả bác sĩ và người bệnh trong quá trình điều trị. Sự thay đổi theo hướng hiện đại này vừa là hướng đi để YHCT phát triển trong tình hình mới, vừa đáp ứng được yêu cầu của người bệnh.

Nhờ đó, giai đoạn 2018 - 2023, đã có trên 1,5 triệu lượt người khám và điều trị bằng đông y ở các cấp Hội. Trong giai đoạn tới, với nhiều bệnh mạn tính, bệnh mới nổi và các bệnh khó chữa, nhu cầu về tự chăm sóc và chữa bệnh tại cộng đồng sẽ ngày một tăng lên, đông y sẽ là một trong những lựa chọn ưu tiên.

Thực tế đó càng đặt ra yêu cầu cần tiếp tục có chỉ đạo và chính sách phù hợp trong tình hình mới để đông y phát huy tiềm năng, lợi thế, trở thành một nền khoa học mạnh, góp phần vào chăm sóc sức khỏe nhân dân và tăng trưởng kinh tế.

Hoài Anh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/265/300128/yen-bai-phat-trien-nen-dong-y-tr111ng-tinh-hinh-moi.aspx