Mẹo để không bị lừa bởi chiêu sao chép giọng nói, khuôn mặt

Với sự phát triển của AI, các hình thức lừa đảo qua điện thoại, sao chép giọng nói, khuôn mặt đã phát triển vượt xa các chiến thuật mạo danh đơn giản.

Chiêu trò sao chép giọng nói, khuôn mặt để lừa đảo

Thay vì đóng giả là “ông chú Viettel” như trước đây, hiện nay, kẻ gian đã tận dụng các công cụ AI (trí tuệ nhân tạo) để sao chép giọng nói, khuôn mặt của người thân, bạn bè của bạn để cầu xin sự giúp đỡ. Đã có không ít trường hợp nạn nhân tưởng rằng người người thân của họ đang gặp nguy hiểm, và chuyển tiền theo yêu cầu của kẻ gian.

Theo Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC), tạo ra sự khẩn cấp là một trong những chiêu trò mà kẻ gian thường sử dụng để đánh cắp tiền của nạn nhân. Đầu tiên, kẻ gian sẽ thu thập dữ liệu của người thân, bạn bè của bạn thông qua các nền tảng mạng xã hội, sau đó sử dụng các công cụ AI để giả mạo giọng nói (thậm chí là khuôn mặt).

Tiếp theo, chúng sẽ tìm cách liên lạc với bạn, giả vờ như đang gặp vấn đề về sức khỏe, công việc… và cần mượn tiền để giải quyết.

Các công cụ AI giúp việc sao chép giọng nói trở nên dễ dàng hơn. Ảnh: AI

Cách để tránh bị lừa bởi chiêu trò giả mạo giọng nói, khuôn mặt

Khi bạn nhận được một cuộc gọi có giọng điệu hoảng loạn từ người thân, hãy kết thúc cuộc gọi càng sớm càng tốt.

Sau đó, hãy gọi đến số điện thoại của họ và hỏi xem họ có thực sự gặp nguy hiểm không. Nếu không thể liên lạc với họ, hãy liên hệ với một thành viên khác trong gia đình hoặc bạn bè để đảm bảo rằng họ vẫn ổn.

Ngoài ra, một mẹo khác nữa là tạo ra một mật mã riêng mà chỉ người thân, bạn bè thân thiết mới biết. Thủ thuật này được giáo sư pháp y kỹ thuật số Berkeley - Hany Farid chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với CBS MoneyWatch.

Điều này có nghĩa là khi nhận được cuộc gọi đáng ngờ từ vợ/chồng, người thân hoặc bạn bè, bạn hãy yêu cầu họ nói mật mã. Nếu họ không trả lời được thì cúp máy ngay lập tức. Trong trường hợp kẻ lừa đảo phát hiện ra chiến thuật này, bạn có thể thay đổi bằng cách phát âm sai từ đó.

Nếu kẻ lừa đảo phát âm chính xác từ đó, bạn sẽ biết đó không phải là vợ/chồng, người thân hoặc bạn bè của mình mà đó chỉ là chiêu trò giả mạo giọng nói.

Hãy cảnh giác với những yêu cầu liên quan đến tiền bạc, nhờ chuyển tiền để khám bệnh, giải quyết công việc, mua sắm… hoặc nạp card điện thoại. Gọi điện thoại hoặc gặp mặt trực tiếp người đó để xác minh trước khi thực hiện.

Tiểu Minh

Nguồn PLO: https://plo.vn/meo-de-khong-bi-lua-boi-chieu-sao-chep-giong-noi-khuon-mat-post790270.html