Xung đột ở Ukraine góp công giúp châu Âu thoát 'bẫy' khí đốt Nga, rủi ro vẫn còn

Hai năm sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, châu Âu dường như đã thành công trong việc tự giải thoát một phần khỏi 'cái bẫy' phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Các nước châu Âu ngày càng ít tiêu thụ khí đốt hơn, bất kể từ nguồn của Nga hay nơi khác. Hình ảnh một nhà máy nhiệt điện ở Garzweiler, Đức. (Nguồn: AFP)

Nga vốn là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu, với hơn 40% tổng lượng nhập khẩu của châu lục (và thậm chí 60% đối với Đức). Lâu nay Liên minh châu Âu (EU) vẫn dựa vào nguồn hydrocarbon này để sưởi ấm, vận hành các nhà máy hoặc thậm chí sản xuất điện.

Tuy nhiên, hai năm sau khi bùng nổ xung đột tại Ukraine, các “quân bài” dường như đã được tráo lại.

Đến thời điểm hiện tại, EU vẫn tiêu thụ khoảng 15% lượng khí đốt của Nga (8% bằng đường ống, 7% cung cấp bằng tàu) và nguồn năng lượng này chưa phải chịu bất kỳ sự trả đũa thương mại nào. Nhưng trong những tháng gần đây, giá của loại năng lượng này đã giảm xuống mức rất thấp, gần bằng mức trước cuộc khủng hoảng.

Vì một số lý do, kể từ đầu năm 2022, các nước châu Âu ngày càng ít tiêu thụ khí đốt hơn, bất kể từ nguồn của Nga hay nơi khác.

Theo đánh giá của ông Phuc-Vinh Nguyen, chuyên gia chính sách năng lượng châu Âu và Pháp tại Trung tâm Năng lượng thuộc Viện Jacques Delors, tuy không phải là đối tượng của các lệnh trừng phạt, nhưng xung đột ở Ukraine đã làm thay đổi sâu sắc mối tương quan giữa các nước EU với khí đốt - vốn được coi là một "vũ khí" địa chính trị quan trọng.

Châu Âu đạt thành quả ấn tượng

Theo một báo cáo mới công bố của Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng (IEEFA), nhu cầu khí đốt trên thực tế của EU giảm 20% kể từ cuộc xung đột lược quy mô lớn Nga-Ukraine. Đó là mức thấp nhất trong 10 năm qua, với mức giảm lớn nhất ở Đức, Italy và Vương quốc Anh (ngoài EU).

Cuối tháng 11/2023, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhấn mạnh rằng, khủng hoảng Ukraine đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với tiêu thụ khí đốt ở châu Âu và nhu cầu của khu vực sẽ còn giảm hơn nữa.

Các dữ liệu từ Viện Bruegel cũng giúp xác nhận điều này, cho thấy nhu cầu khí đốt ở châu Âu đã giảm 12% vào năm 2022, sau đó giảm lần lượt 18% và 20% trong nửa đầu và cuối năm 2023 so với giai đoạn 2019-2021.

Trước hết, mức giảm tiêu thụ “ấn tượng” này vượt quá mục tiêu mà EU đã đặt ra sau cuộc xung đột tại Ukraine.

Vào tháng 7/2022, các nước thành viên đồng ý tự nguyện giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt so với mức trung bình 5% trong khoảng thời gian từ tháng 8/2022-3/2023. Tại Pháp, mức tiêu thụ khí đốt quốc gia do đó đã giảm 25% trong khoảng thời gian từ 1/8/2023-18/2/2024 so với cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Tất nhiên, cuộc xung đột đang diễn ra không phải là lý do duy nhất lý giải cho sự suy giảm về nhu cầu khí đốt tại châu Âu.

Theo chuyên gia Phuc-Vinh Nguyen, ngoài ra còn có các yếu tố mang tính chu kỳ liên quan đến thời tiết, ví dụ hai mùa Đông vừa qua tại châu Âu đều đặc biệt ôn hòa, được coi là “những đồng minh mang lại may mắn” của châu Âu.

Hơn nữa, sự kết nối ngày càng nhiều năng lượng tái tạo cũng đóng một vai trò nhất định, vì một trong những thách thức được đặt ra là giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch (bao gồm cả khí đốt) ở châu Âu.

Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine chỉ bổ sung một vấn đề quan trọng cần cân nhắc, hiện được ưu tiên hơn vấn đề khí hậu. Đó là vấn đề chủ quyền năng lượng trong bối cảnh địa chính trị phức tạp.

Ông Thierry Chapuis, phụ trách mảng kinh tế của tập đoàn phân phối khí đốt GRDF (Pháp) nhận định “cũng như điện năng, xung đột ở Ukraine đã khiến khí đốt trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều”, buộc nhiều người phải cân nhắc sử dụng bên cạnh các nỗ lực khác.

Một rủi ro khác

Tháng 9/2023, nhu cầu khí đốt của châu Âu thấp hơn 22% so với mức trung bình giai đoạn 2019-2021, nguyên nhân chủ yếu là do mức tiêu dùng hộ gia đình ở Đức giảm 43% so với mức giảm 25% ở Pháp, cũng như do việc sử dụng khí đốt trong sản xuất điện giảm ở Pháp giảm mạnh, giảm 46% so với mức giảm 16% ở Đức.

Trong những tháng gần đây, người Đức đã thực hiện các biện pháp điện khí hóa hệ thống sưởi ấm trong các ngôi nhà vốn vẫn phụ thuộc phần lớn vào hydrocarbon.

Còn ở Pháp, có thể dựa nhiều hơn vào các nhà máy điện hạt nhân để cung cấp điện có hàm lượng carbon thấp sau những thất bại vào năm 2022.

Giới chuyên gia cho rằng, còn phải xem các nhà sản xuất công nghiệp đã buộc phải tiêu thụ ít hơn ở mức độ nào.

Theo số liệu của Bruegel, nhu cầu khí đốt trong lĩnh vực này thực tế cũng đã giảm đáng kể, trung bình 22% trong tháng 9/2023 so với giai đoạn 2019-2021 (mức giảm 19% ở Pháp và 25% ở Đức).

Nhưng tương tự các lĩnh vực khác, không dễ để phân biệt được điều gì mang lại hiệu quả sử dụng năng lượng tốt hơn (không ảnh hưởng đến sản xuất) và điều gì có thể liên quan đến “sự suy giảm về nhu cầu” (các nhà công nghiệp giảm hoặc ngừng chuỗi sản xuất vì năng lượng trở nên quá đắt hoặc quá nhiều biến động).

Một câu hỏi được đặt ra là liệu nhu cầu công nghiệp của châu Âu có bị hủy hoại về cơ cấu hay không, đặc biệt là ở Đức, nơi chịu ảnh hưởng nhiều hơn ở Pháp. Đất nước này đang phải trả giá cho chính sách phụ thuộc vào khí đốt của Nga, và cũng có thể trở thành vấn đề cho EU vì đây là động lực kinh tế của khối này.

Một vấn đề nữa cũng được đặt ra, đó là khi nào mức giảm nhu cầu này sẽ dừng lại? Nói cách khác, đây có phải là một chuyển động cơ bản hay châu Âu vẫn phải mong đợi một sự phục hồi với sự trở lại của các mức giá thấp?

Trên thực tế, các mức giá vẫn tiếp tục giảm.

Ngược lại, nếu mức tiêu thụ khí đốt tiếp tục giảm, châu Âu sẽ phải đối mặt với một rủi ro khác: Đó là tình trạng dư thừa công suất tại các trạm nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được vận chuyển bằng tàu biển, mà 27 quốc gia hiện đang xây dựng hàng loạt trên các bờ biển để bù đắp cho khối lượng khí đốt được nhập khẩu bằng đường ống dẫn từ Nga.

Kể từ tháng 2/2022, châu Âu đã đưa vào sử dụng tổng công suất mới là 36,5 tỷ mét khối (mmc) và có kế hoạch tăng công suất nhập khẩu LNG thêm 106 mmc trong thập niên này.

Cuối tháng 10/2023, IEEFA đã cảnh báo rằng điều này sẽ giúp nâng tổng công suất tại EU lên 406 mmc vào năm 2030... hoặc gần gấp ba lần nhu cầu về LNG ở thời hạn này.

(theo Le Monde)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-o-ukraine-gop-cong-giup-chau-au-thoat-bay-khi-dot-nga-rui-ro-van-con-261820.html