Nga-Trung Quốc: Xung đột ở Ukraine tạo kỳ tích thương mại, cùng vượt 'sóng gió' trừng phạt từ phương Tây

Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã thúc đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn, với thương mại đạt mức kỷ lục vào năm 2023.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc trong hai ngày 16-17/5 theo lời mời của Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình. (Nguồn: Reuters)

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc trong hai ngày 16-17/5 theo lời mời của Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình. (Nguồn: Reuters)

Sáng nay (16/5), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thủ đô Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc trong hai ngày 16-17/5 theo lời mời của Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình. Đây là cuộc gặp trực tiếp thứ tư của hai nhà lãnh đạo kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bắt đầu.

Kể từ tháng 2/2022, các nước trên thế giới tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga nhưng Trung Quốc thì khác.

Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và nhiều đồng minh cũng như các nước khác trên thế giới đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt nhắm vào các thực thể của Nga, chặn dòng hàng hóa đến đất nước này.

Các lệnh trừng phạt bao gồm nỗ lực hạn chế doanh thu của Moscow từ các mặt hàng xuất khẩu quan trọng như nhiên liệu, hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến và hàng hóa có ứng dụng quân sự.

Theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bất chấp những nỗ lực nhằm cô lập Nga, nền kinh tế này vẫn đã vượt "sóng gió" và tăng trưởng ở mức 3,6% vào năm 2023.

Các biện pháp trừng phạt đã gây ra sự thay đổi sâu rộng trong việc đất nước của Tổng thống Putin sẽ giao dịch, trao đổi thương mại với quốc gia nào. Và Trung Quốc đã nổi lên như một huyết mạch kinh tế quan trọng, mở rộng đáng kể quan hệ thương mại với nước láng giềng phía Bắc.

Năm 2023, hai nước đã đạt được 240 tỷ USD thương mại song phương - một kỳ tích được cả Tổng thống Putin và người đồng cấp Tập Cận Bình ca ngợi. Bắc Kinh cũng chính thức trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Moscow.

Ông Philipp Ivanov, một thành viên cấp cao tại Viện chính sách xã hội châu Á cho hay, khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu, các nước khác cũng đang hỗ trợ nền kinh tế Nga như Ấn Độ mua dầu của Nga, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ các giao dịch tài chính, còn Kazakhstan, Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ là trung tâm cho hoạt động nhập khẩu song song của Nga.

Nhưng Trung Quốc là nước quan trọng nhất bởi đây là khách hàng "sộp" mua dầu của Nga. Năm ngoái, Moscow đã vượt qua Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Bắc Kinh.

Khi EU cắt giảm mua nhiên liệu của Nga và hạn chế xuất khẩu từ hàng hóa công nghệ cao, Trung Quốc cũng đã tận dụng cơ hội, tăng cường xuất khẩu hàng hóa công nghiệp và thương mại sang nước này.

Theo phân tích của Financial Times về dữ liệu thương mại của Nga, vào năm 2023, 60% lượng hàng hóa công dụng cao được nhập khẩu vào Nga là từ Trung Quốc.

Trong đó, thiết bị viễn thông, bao gồm cả điện thoại thông minh, chiếm thị phần lớn nhất trong dòng vốn 26 tỷ USD này với giá trị 3,9 tỷ USD, máy tính ở vị trí thứ hai với 2,3 tỷ USD. Moscow cũng mua 2 tỷ USD bộ vi xử lý và 1,7 tỷ USD thiết bị phòng thí nghiệm từ Bắc Kinh.

Sự gia tăng thương mại trong thời điểm chiến dịch quân sự đặc biệt vẫn tiếp diễn và việc mua dầu ngày càng tăng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã làm dấy lên những lời chỉ trích ở phương Tây rằng, hành động này đang hỗ trợ Moscow.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào cuối tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ lo ngại về sự hỗ trợ của Trung Quốc với quân đội Nga, đồng thời cảnh báo, Washington và các nước khác sẽ hành động nếu Bắc Kinh không có động thái ngăn chặn điều này.

Bắc Kinh cho rằng, Washington đưa ra “những cáo buộc vô căn cứ” về “trao đổi kinh tế và thương mại bình thường” giữa Trung Quốc và Nga.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đã chỉ ra rằng, những dấu hiệu tiềm ẩn mới xuất hiện cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tìm cách hạn chế trao đổi thương mại với Moscow.

Cụ thể, theo dữ liệu hải quan chính thức của Trung Quốc, xuất khẩu của nước này sang Nga đã giảm gần 16% so với một năm trước đó vào tháng 3 và 13,5% trong tháng 4.

Tại Cát Lâm (Trung Quốc), năm 2023, thương mại giữa tỉnh này với Nga đã tăng gần 72%. Financial Times dẫn lời người dân địa phương cho rằng, sự tăng trưởng trong thương mại này có thể thay đổi bất cứ lúc nào, nếu quan hệ song phương giữa Nga và Trung Quốc đột nhiên trở nên xấu đi.

(theo CNN, Financial Times)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-trung-quoc-xung-dot-o-ukraine-tao-ky-tich-thuong-mai-cung-vuot-song-gio-trung-phat-tu-phuong-tay-271500.html