Xuất khẩu vũ khí của Mỹ tăng vọt, Trung Quốc thấp bất ngờ

Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong khi phần còn lại của thế giới đang dần giải trừ vũ khí thì châu Âu đang làm điều ngược lại. (CLO) Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong khi phần còn lại của thế giới đang dần giải trừ vũ khí thì châu Âu đang làm điều ngược lại.

SIPRI kiểm tra và so sánh việc buôn bán vũ khí toàn cầu trong khoảng thời gian 4 năm, do đó phản ánh các xu hướng tổng thể tốt hơn so với việc chỉ xem xét việc kinh doanh vũ khí trong 12 tháng.

Xe tăng Leopard 2 của Đức. Ảnh: Reuters

Nhà nghiên cứu Pieter Wezeman của SIPRI cho biết hai xu hướng quan trọng nhất trong báo cáo gần đây là việc chuyển giao vũ khí cho các quốc gia châu Âu đã tăng lên đáng kể" và "vai trò của Mỹ với tư cách là nhà cung cấp vũ khí trên thế giới cũng tăng lên đáng kể".

Trong giai đoạn 2018 - 2022, thương mại vũ khí quốc tế chỉ giảm hơn 5% so với 2013 - 2017. Ngược lại, nhập khẩu vũ khí của các nước châu Âu, phần lớn trong số đó đến từ Mỹ, tăng 47% và các nước NATO ở châu Âu tăng lên tới 65%. Lý do đằng sau đó, không ngạc nhiên, là cuộc xung đột Ukraine.

Mỹ xuất khẩu sang Ukraine, Ả Rập Xê Út và Nhật Bản

Trong quá khứ, Ukraine không phải là một bên tham gia chính trong buôn bán vũ khí quốc tế. Nước này tự sản xuất phần lớn thiết bị quốc phòng, phần còn lại là từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất của SIPRI, nước này đứng thứ 14 trong danh sách các nhà nhập khẩu vũ khí toàn cầu và nếu tính riêng năm 2022, Ukraine đứng thứ ba.

SIPRI thường đề cập đến "chuyển giao vũ khí" trong báo cáo của mình, có nghĩa là cả buôn bán vũ khí và hỗ trợ quân sự miễn phí - nguồn cung cấp vũ khí chính của Ukraine. Loại viện trợ quân sự này thường bao gồm các thiết bị cũ hơn hoặc hàng tồn kho dư thừa từ các quốc gia tài trợ.

Báo cáo cho thấy, những gì đã được chuyển giao cho Ukraine có giá trị thấp hơn nhiều so với việc bán vũ khí mới. Ví dụ, mặc dù Mỹ đã giao số lượng lớn vũ khí cho Ukraine vào năm 2022, nhưng Washington vẫn gửi hàng hóa có giá trị lớn hơn cho Kuwait, Ả Rập Xê Út, Qatar và Nhật Bản. Bốn quốc gia này đã mua các thiết bị đặc biệt mới và tinh vi như máy bay chiến đấu, điều mà Ukraine đã khẩn thiết yêu cầu từ các đồng minh phương Tây.

Năm nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất theo thứ tự là: Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức. Mặc dù bảng xếp hạng này không thay đổi kể từ báo cáo cuối cùng, nhưng đã có những thay đổi đáng kể đối với từng quốc gia.

Ví dụ, Mỹ, đứng đầu danh sách, đã tăng xuất khẩu thêm 14% và hiện chiếm 40% lượng chuyển giao vũ khí toàn cầu. Trong khi đó, xuất khẩu vũ khí của Pháp thậm chí còn đạt mức tăng là 44%.

Đây cũng là cách mà ông Pieter Wezeman giải thích cho sự sụt giảm mạnh trong hoạt động kinh doanh quốc phòng của Đức, thấp hơn 35% so với báo cáo trước đó. Tuy nhiên, ông Wezeman cho biết, lần này, "sự thay đổi trong xuất khẩu vũ khí của Pháp có thể mang tính cấu trúc hơn về bản chất".

Các cường quốc phương Tây đang cố gắng khuyến khích Ấn Độ bớt phụ thuộc vào vũ khí của Nga. Và trong khi Pháp đã dành nhiều năm để khẳng định mình là nhà cung cấp lớn thứ hai của Ấn Độ sau Nga, thì Đức hoàn toàn không đóng vai trò gì trong việc xuất khẩu vũ khí cho Ấn Độ.

Trung Quốc thấp bất ngờ

Một điều đáng chú ý nữa là xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc giảm 23% và nhìn chung, tầm quan trọng của Trung Quốc với tư cách là một nhà xuất khẩu vũ khí toàn cầu thấp so với toàn bộ nền kinh tế của nước này.

"Trung Quốc đã không thành công trong việc xâm nhập vào một số thị trường vũ khí lớn, đôi khi vì những lý do chính trị rõ ràng. Kết quả là Trung Quốc không bán vũ khí cho đối thủ của mình, chẳng hạn như Ấn Độ", ông Wezeman giải thích.

"Đáng ngạc nhiên là Trung Quốc cũng không thực sự thành công trong việc cạnh tranh với các nhà cung cấp vũ khí của châu Âu và Mỹ cho hầu hết các quốc gia Trung Đông, đặc biệt là các quốc gia Ả Rập", ông nói thêm.

Nga mạnh ở châu Phi

Khi châu Âu bắt đầu nhập khẩu nhiều vũ khí hơn, tỷ lệ chuyển giao vũ khí quốc tế của châu Âu cũng tăng lên, từ 11% trong năm 2013 - 2017 lên 16% trong năm 2018 - 2022. Đồng thời, chuyển giao vũ khí đã giảm ở tất cả các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là ở châu Phi.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cuộc xung đột vũ trang ở châu Phi. "Những quốc gia này không thực sự có khả năng mua số lượng lớn vũ khí tiên tiến, và do đó tổng giá trị chuyển giao vũ khí cho khu vực không cao như số lượng xung đột", ông cho biết.

Ở châu Phi cận Sahara, Nga hiện đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất. Một ví dụ về sự thúc đẩy của Nga vào châu Phi là Mali. Quốc gia khu vực Sahel này từng mua vũ khí từ nhiều quốc gia, trong đó có Pháp và Mỹ. Tuy nhiên, sau các cuộc đảo chính ở Mali vào năm 2020 và 2021, hai quốc gia phương Tây này bắt đầu thu hẹp hoạt động kinh doanh tại quốc gia này một cách đáng kể, trong khi Nga lại mở rộng hoạt động.

Một ví dụ khác về hậu quả của những xáo trộn địa chính trị đối với hợp tác vũ khí là Thổ Nhĩ Kỳ. Thành viên NATO này là khách hàng mua thiết bị quốc phòng lớn thứ 7 của Mỹ trong giai đoạn 2013 - 2017. Nhưng khi mối quan hệ giữa Ankara và Washington ngày càng căng thẳng, Thổ Nhĩ Kỳ hiện chỉ xếp ở vị trí thứ 27.

Quốc Thiên (theo SIPRI, DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xuat-khau-vu-khi-cua-my-tang-vot-trung-quoc-thap-bat-ngo-post238984.html