Xê dịch… Tết

Từ nhiều năm nay, cụm từ 'Tết xê dịch' hay 'Xê dịch Tết' bỗng trở nên phổ biến. Những người lựa chọn 'Tết xê dịch' được hiểu là những người đã chọn lựa lên đường, du ngoạn tới những nơi mà họ muốn đúng vào những ngày Tết cổ truyền.

Với họ, Tết Nguyên đán giờ đây trở thành một kỳ nghỉ dưỡng hay là dịp để họ khám phá những vùng đất mới. Theo nhìn nhận của nhiều người, đó có thể coi là một xu hướng ăn Tết hiện đại hay nói đơn giản, đó là “cách ăn Tết kiểu mới”.

Khi Tết không phải là để… trở về

Trong suy nghĩ của người Việt từ xưa tới nay, Tết là hình ảnh của sự quây quần, đầm ấm, sum họp gia đình, hạnh phúc nhất khi Tết đến Xuân về là được trở về với ngôi nhà cũ, về với cha mẹ, người thân, để được gần gụi, để được an nhiên trò chuyện, tâm sự, sẻ chia, nói chung là được tận hưởng những phút giây quý giá bên người thân yêu. Thế nên, mới có câu “Tết là để trở về”.

Hà Giang - điểm đến được yêu thích của tín đồ xê dịch Việt trong ngày Tết.

Nhưng giờ đây, Tết với nhiều người, nhất là người trẻ, cảm nhận về Tết lại khác xưa, nếu không muốn nói là khác biệt khá nhiều. Ấy là Tết không phải là trở về, không phải để sum vầy, không phải để bận bịu, líu ríu, rộn ràng bên căn bếp Tết cùng người thân cùng dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mâm cỗ Tết, mà Tết giờ đây là lúc họ muốn nghỉ ngơi, xả hơi, thư giãn và có cơ hội trải nghiệm những điều mới mẻ, chiêm ngưỡng những nơi nghỉ dưỡng đẹp đẽ, thiên nhiên kì thú, ăn những món ăn ngon, món ăn lạ… thông qua việc… xê dịch hay nói cách khác là đi du lịch vào đúng những ngày Tết.

Nhiều bạn trẻ lựa chọn “Tết xê dịch” lý giải rằng Tết họ muốn… đi là bởi họ muốn có được những phút giây thảnh thơi sau một năm làm việc vất vả. Một chuyến đi du lịch, nghỉ dưỡng dịp Tết, là cách nhiều người lựa chọn để tự thưởng cho chính bản thân mình sau một năm nỗ lực và là cách nạp thêm năng lượng để khởi đầu một năm mới một cách hứng khởi

Khi du lịch Tết trở thành… xu hướng

Tôi có một người bạn. Nhiều năm qua, dường như đã thành “thông lệ truyền thống” của gia đình bạn tôi, chiều mùng 1 Tết, sau khi đã thực hiện xong nghi lễ đón giao thừa, chúc Tết bố mẹ và họ hàng nội ngoại, gia đình chị lại xách vali lên, bắt đầu chuyến khởi hành đầu tiên cho một năm mới. Điểm đến của chuyến khởi hành thường niên ấy, thường thay đổi theo từng năm, năm Phú Quốc, năm Đà Nẵng, năm Huế, có năm lại Nhật Bản, Hàn Quốc…

Cũng đã nhiều năm nay, những gia đình hay cá nhân có chuyến khởi hành thường niên đầu năm như bạn tôi đã không còn là chuyện hiếm, không chỉ là những người giàu, mà ngày càng nhiều cả những người, gia đình có điều kiện kinh tế ở mức vừa phải, không chỉ ở hai thành phố lớn mà ở cả nhiều địa phương, cũng lựa chọn cho mình thông lệ ấy, hay nói một cách khác là chọn cho mình cách ăn Tết theo kiểu… xê dịch thay vì “truyền thống về quê” như bấy lâu.

Nguyên do để nhiều người chọn xê dịch ngày Tết thì có nhiều, nào là đây là kỳ nghỉ dài nhất trong năm mà ở đó người nghỉ được phép “buông bỏ” tất cả những áp lực vô hình như deadline bài vở, những đầu việc dài dằng dặc hay có thể được quyền off điện thoại, có quyền từ chối tất cả những cuộc gọi hay tin nhắn công việc mà không e ngại bị phê bình hay trách móc; các điểm đến không quá đông đúc; không muốn quá bận bịu việc nhà… Xu hướng du lịch ngày Tết dần trở thành một xu hướng dễ nhận thấy là vì vậy, không chỉ với người trẻ mà với cả những người… trung niên.

Điều đáng nói là với nhiều người, xê dịch ngày Tết không chỉ còn là xu hướng mà còn trở thành niềm đam mê, hay nói dân dã là… “nghiện”. “Càng đi nhiều, mình càng bị nghiện cảm giác được chinh phục những vùng đất mới”; “Không gì tuyệt vời hơn việc khởi động năm mới bằng một tour khám phá vùng đất lạ. Vi vu vào dịp nghỉ Tết để có thêm thời gian trải nghiệm, vừa khám phá nét văn hóa, thẩm thấu vẻ đẹp của những vùng đất mới”- đó là chia sẻ của rất nhiều người khi được hỏi vì sao Tết nào cũng thích đi… phượt.

Nhật Bản - điểm đến được yêu thích của tín đồ xê dịch Việt trong ngày Tết.

Thậm chí với nhiều người, đi cũng là để trở về, xa là để nhớ, để thấu hiểu giá trị của sự gần gụi, của tình thân, xê dịch Tết là để thấy thêm yêu quê hương đất nước mình, và đôi khi, có cơ hội hiểu hơn, chia sẻ với những người xung quanh. “Mình nhận thấy một điều, khi đi khỏi mảnh đất chôn nhau cắt rốn, bước ra khỏi thế giới nhỏ bé của gia đình thì hiểu được mọi thứ bên ngoài thật khác. Có những vùng đất trù phú, giàu sang, cũng có những vùng đất mình đặt chân đến, đón một cái Tết thiếu thốn đủ thứ, đầy gió lạnh. Bởi thế, mình càng thấu hiểu, cảm thông với sự nhọc nhằn, vất vả của đồng bào trong ngày Tết truyền thống, để rồi bản thân biết yêu thương, san sẻ nhiều hơn”- một bạn trẻ yêu thích “xê dịch Tết” chia sẻ.

“Tết này đi đâu?”

Đó là câu hỏi được các tín đồ của “xê dịch Tết” đặt ra từ rất sớm, thậm chí Tết này đã nghĩ tới việc Tết sau sẽ đi đâu, đến đâu.

Theo khảo sát sơ bộ, tại miền Bắc, những địa điểm yêu thích vào dịp Tết là Sa Pa (Lào Cai), Lũng Cú (Hà Giang), Mộc Châu (Sơn La) và Mai Châu (Hòa Bình), Mẫu Sơn (Lạng Sơn)… Tại miền Trung và miền Nam, nhiều người lựa chọn đến các vùng biển ấm như Nha Trang, Phan Thiết (Bình Thuận) và Phú Quốc (Kiên Giang) hoặc đi Đà Lạt (Lâm Đồng), Hội An (Đà Nẵng), Cần Thơ, Côn Đảo…

Tết Giáp Thìn này, theo các đơn vị tổ chức tour, ngoài những điểm đến quen thuộc, vài năm gần đây, nhiều người dân có xu hướng đi du lịch đến những nơi thực sự hoang sơ, “điện thoại không thể gọi được”. Đó có thể là một ngọn núi cao để dễ dàng ngắm bầu trời đêm đầy sao, những bãi biển hoang sơ hay cánh rừng xanh mướt. Các hoạt động trải nghiệm cuộc sống hoang dã như: cắm trại, đốt lửa, tự nấu nướng,... sẽ là dịp để mọi người học kỹ năng sinh tồn và được sống gần với thiên nhiên.

Một xu thế phổ biến khác gần đây là đi du lịch nước ngoài vào dịp Tết. Du khách Việt Nam thường lựa chọn là các nước gần tại khu vực châu Á có đường bay thẳng hay các nước châu Âu có phong cảnh đẹp. Có thể kể tới một số quốc gia nằm trong “top” lựa chọn hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Bỉ, Hà Lan... Cũng theo các công ty du lịch, năm nay do ảnh hưởng của lạm phát kinh tế, chi phí du lịch nước ngoài có tăng so với trước dịch, khách đi châu Âu, Úc, Mỹ giảm nhưng nhu cầu đi các tour gần hơn như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Dubai lại tăng cao.

“Ăn Tết” dần được thay bằng “đón Tết, chơi Tết”. Sự đan cài giữa truyền thống và hiện đại cũng là phương cách để mỗi người cảm nhận phong vị Tết theo cách riêng của mình. Và “Tết xê dịch” âu cũng là một sự lựa chọn. Vấn đề, nói như TS. Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Chơi Tết như thế nào cho đúng, cho phải, vừa giữ được thuần phong mỹ tục vừa giữ được một nét đẹp truyền thống của Tết”.

Anh Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xe-dich-tet-post282366.html