Thu nhập ổn định từ cây thanh trà

Cây thanh trà tại TP. Hà Tiên (Kiên Giang) được nhiều người biết đến và yêu thích bởi quả ngọt, thơm, mọng nước. Việc chăm sóc cây thanh trà dễ, trái thanh trà mang lại hiệu quả kinh tế nên nhiều hộ dân ở TP. Hà Tiên tận dụng đất trống trồng cây thanh trà, hướng đến xây dựng thương hiệu tập thể thanh trà Hà Tiên.

Tại xã Thuận Yên, TP. Hà Tiên, nghề trồng cây thanh trà có từ lâu đời. Trên địa bàn xã có hơn 100 hộ dân trồng cây thanh trà, tập trung ở hai ấp Xoa Ảo và Hòa Phầu. Mỗi năm thanh trà ra trái một lần, thường vào tháng 4, tháng 5, giá trị kinh tế của trái thanh trà cao. Mỗi vụ thu hoạch, chủ vườn có thể thu hàng chục triệu đồng từ bán thanh trà.

Có hơn 30 năm trồng cây thanh trà, theo anh Trịnh Quốc Toản, ngụ ấp Xoa Ảo, xã Thuận Yên, việc chăm sóc cây thanh trà không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp. Mùa xuân, cây thanh trà ra hoa trắng muốt, tỏa hương thơm dịu nhẹ, thu hút ong bướm. Khi hoa tàn, thanh trà kết trái và chuyển sang màu vàng ươm khi chín. Cây thanh trà ưa khí hậu ấm áp, nhiều nắng và phát triển tốt trên các loại đất thịt pha cát.

“Việc tưới nước, bón phân và phòng trừ sâu bệnh cần được thực hiện thường xuyên để đảm bảo cây phát triển khỏe mạnh và ra trái tốt. Năm nay, thanh trà có giá, gia đình tôi có thu nhập gần 20 triệu đồng từ bán thanh trà”, anh Toản nói.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Yên La Thành Sử đặt bảng nhãn hiệu tập thể tại các hộ buôn bán thanh trà ở ấp Hòa Phầu.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Yên La Thành Sử đặt bảng nhãn hiệu tập thể tại các hộ buôn bán thanh trà ở ấp Hòa Phầu.

Tại xã Thuận Yên có hai cây thanh trà trên 100 năm tuổi, được trồng tại vườn nhà ông Đinh Quang Minh, ngụ ấp Xoa Ảo. Theo ông Minh, hai cây thanh trà được ông nội ông trồng từ thời Pháp thuộc. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, cây thanh trà vẫn đứng vững, tỏa bóng mát. Thân cây to, tán xòe rộng, tạo nên mái che xanh mát cho khu vườn.

Hai cây thanh trà cho trái mỏng vỏ, màu vàng cam khi chín, tỏa mùi thơm dịu nhẹ, vị ngọt thanh, thịt dày, mọng nước. Vì thế, cây thanh trà trên trăm tuổi ở vườn ông Minh không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp cổ thụ mà còn bởi sự trĩu quả và hương vị thơm ngon. “Khi cây thanh trà trên trăm tuổi vào mùa thu hoạch thì nhiều du khách đến chụp ảnh lưu niệm, thu hoạch và thưởng thức thanh trà. Mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập gần 20 triệu đồng từ hai cây thanh trà trên trăm tuổi này”, ông Minh nói.

Trái thanh trà được các thương lái đến vườn thu mua với giá từ 120.000-150.000 đồng/kg, từ đó người dân trồng thanh trà thu nhập ổn định, đời sống được cải thiện. Cây thanh trà không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần tạo nên thương hiệu trái cây đặc sản của TP. Hà Tiên. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Yên La Thành Sử, với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và thị trường tiêu thụ, nghề trồng thanh trà ở TP. Hà Tiên có tiềm năng phát triển.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây thanh trà, nhiều hộ dân ở xã Thuận Yên nhân rộng mô hình trồng thanh trà. Để hỗ trợ hộ dân phát triển sản xuất, xã Thuận Yên thành lập tổ hợp tác trồng và mua bán thanh trà tại hai ấp Hòa Phầu, Xoa Ảo.

“Nghề trồng thanh trà ở xã Thuận Yên là mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập cho người dân. Việc thành lập tổ hợp tác giúp hộ dân liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời hỗ trợ hộ dân về kỹ thuật trồng trọt và vay vốn đầu tư. Thời gian tới, xã nhân rộng mô hình trồng thanh trà để kết hợp phát triển du lịch sinh thái, giúp nông dân có thu nhập, ổn định cuộc sống”, ông La Thành Sử nói.

Bài và ảnh: DANH THÀNH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/kinh-te/thu-nhap-on-dinh-tu-cay-thanh-tra-20468.html