Xanh hóa môi trường từ ứng dụng khoa học công nghệ

Phát triển những mô hình HTX dựa trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số đang ngày càng phát huy hiệu quả. Từ đó, giúp nhiều HTX tạo được sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, tập trung vào chức năng thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các hộ thành viên và người dân.

Theo GS. TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam), các HTX đã thường xuyên nâng cao ý thức cho thành viên thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang các hình thức sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn bền vững như VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ, tổ chức cho thành viên tham quan các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Lan tỏa công nghệ xanh trong khu vực HTX

Trong lĩnh vực trồng trọt, thành viên HTX đã áp dụng nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng phương pháp), tăng cường bón phân hữu cơ, xây nhà lưới bảo vệ cây trồng để hạn chế dùng thuốc hóa học diệt sâu bệnh, thực hiện thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng để đúng nơi quy định.

Nhờ ứng dụng KH&CN, các HTX đã tạo được sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác.

Nhờ ứng dụng KH&CN, các HTX đã tạo được sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác.

Trong chăn nuôi, nhiều HTX thực hiện sản xuất theo mô hình khép kín, sử dụng đệm lót sinh học, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải theo quy định.

Trong nuôi trồng thủy sản, các HTX chuyển hướng từ nuôi trồng quảng canh sang thâm canh, chú trọng áp dụng các công nghệ, mô hình nuôi tiên tiến bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc các tiêu chuẩn tương đương, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường.

Nhờ đó, thành viên nhiều HTX đã mạnh dạn tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn, đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, quản lý và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, nâng cao hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập gia tăng cho tập thể, cá nhân.

Là một trong những HTX ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc HTX Chăn nuôi Hoàng Long, huyện Thanh Oai, Hà Nội cho biết, HTX được thành lập từ năm 2013, có 30 thành viên. Trong quá trình phát triển, HTX đã xây dựng khu chăn nuôi khép kín, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 60 tỷ đồng. Đồng thời tổ chức sản xuất thức ăn chăn nuôi trên diện tích 720 m2 và xây dựng khu xử lý chất thải ngoài hàng rào khu vực chuồng trại khoảng 2,8 ha.

Ông Nguyễn Trọng Long thông tin, ngoài chăn nuôi lợn giống, lợn thịt, HTX còn tổ chức giết mổ, làm mát, cấp đông và chế biến sản phẩm từ thịt như giò, chả, xúc xích… với nhãn hiệu "Thịt lợn sinh học A-Z". Sản lượng thịt có ký kết hợp tiêu thụ 60 tấn/tháng, cho doanh thu 50-70 tỷ đồng/năm và thu nhập bình quân thành viên HTX khoảng 180 triệu đồng/năm.

Có thể thấy, qua 15 năm hình thành và phát triển, HTX Chăn nuôi Hoàng Long đã và đang đầu tư ứng dụng công nghệ cao một cách bài bản và đồng bộ vào sản xuất, trên diện tích hơn 2 ha với chuỗi nhà tầng khép kín. HTX đang chăn nuôi 400 lợn nái và hơn 4.000 lợn thương phẩm nhưng chỉ sử dụng 8 lao động, vừa giảm chi phí, vừa bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học, ông Long cho hay.

Khoa học công nghệ phát huy là đòn bẩy

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và quy trình sản xuất hiện đại, các HTX nông nghiệp không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giảm sự lệ thuộc vào điều kiện canh tác, tiết kiệm chi phí đầu tư, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, năng suất, chất lượng cao và giá trị kinh tế vượt trội cho HTX và các thành viên.

Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giúp HTX phát triển bền vững.

Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giúp HTX phát triển bền vững.

Tại HTX Lê Văn Thịnh, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, theo anh Nguyễn Vĩnh Bảo, Giám đốc HTX, bước đột phá của HTX chính là nghiên cứu và sản xuất thành công vỏ bầu ươm cây tự hủy vào năm 2019, từ đó, tạo ra giá trị kinh tế và hướng phát triển bền vững.

Cụ thể, với cách trồng, ươm cây truyền thống, sử dụng vỏ bọc nilon sẽ tạo ra lượng rác thải lớn, gây hại cho đất trồng khi nilon rất khó phân hủy.

Nhận thấy những bất cập ấy, anh Bảo cùng các cộng sự tìm tòi và liên hệ nhiều cơ sở để học tập việc chế tạo ra các loại túi vải không dệt tự hủy. Với sản phẩm này, bề mặt túi dệt thoáng khí, giúp cho quá trình phát triển rễ cây nhanh chóng, hiệu quả.

Khi chuyển sang trồng trên đất không cần bóc bầu, bảo vệ nguyên vẹn bộ rễ, giúp cây sinh trưởng khỏe mạnh. Loại túi này cũng phân hủy nhanh chóng vừa giúp tiết kiệm chi phí nhân công, giảm thiểu rác thải ra môi trường.

HTX quyết định đầu tư nhập máy móc, lắp đặt dây chuyền sản xuất hiện đại và đi vào sản xuất hàng loạt. Nguồn nguyên liệu cũng khá dồi dào, giá thành rẻ. Đến nay, công suất của HTX đạt 10 tấn sản phẩm/ tháng, cung ứng cho các vườn ươm tại nhiều tỉnh thành, một số xuất sang nước ngoài.

“Từ sản phẩm túi vải không dệt tự hủy làm vỏ bầu ươm cây, HTX cũng sản xuất và cung ứng thêm khay ươm hạt giống tái chế, túi bọc bảo vệ hoa quả khỏi côn trùng; túi dùng sinh hoạt thay thế túi đựng nilon trong các siêu thị, cửa hàng…từ đó, giảm thiểu rõ rệt rác thải từ nilon ra môi trường”, anh Nguyễn Vĩnh Bảo cho hay.

Cũng theo GS. TS. Trịnh Văn Tuyên, để KHCN phát huy vai trò là đòn bẩy trong sản xuất xanh, sạch, cần huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội, trong đó ngân sách nhà nước ưu tiên hỗ trợ thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ KHCN về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, cần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mang tri thức và tiến bộ KHCN từ nhà khoa học đến với nông dân, giúp họ áp dụng vào thực tiễn. Sự liên kết này sẽ giúp HTX phát triển bền vững, nông dân nâng cao thu nhập.

Đoàn Huyền

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/xanh-hoa-moi-truong-tu-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-1090851.html