Xả thải Fukushima và phản ứng từ các nước

Đúng 13h03 phút ngày 24/8 (giờ địa phương), nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bắt đầu được xả ra biển. Mặc dù được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) bảo đảm, song động thái của Nhật Bản vẫn vấp phải phản ứng gay gắt từ nhiều quốc gia với những lo ngại về tác động lâu dài.

Theo Japan Times, nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đang lưu trữ hơn 1,3 triệu tấn nước thải trong khoảng 1000 bể chứa thông qua hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến mang tên ALPS, kể từ khi 3 lò phản ứng hạt nhân tan chảy do thảm họa động đất và sóng thần xảy ra tại Nhật Bản năm 2011. Sau đúng một thập kỷ, tháng 4/2021, chính phủ Nhật Bản quyết định sẽ tiến hành xả nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy này ra biển vào năm 2023. Tháng 8/2022, Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO) bắt đầu xây dựng hệ thống xả thải để đảm bảo việc xả thải phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế và không gây hại cho sức khỏe người dân cũng như môi trường.

Cũng từ thời điểm này, IAEA đã tiến hành nhiều đợt rà soát độ an toàn trong kế hoạch xả thải của Nhật Bản. Trong báo cáo an toàn công bố tháng trước, IAEA khẳng định việc Nhật Bản xả nước thải đã qua xử lý phóng xạ sẽ có tác động không đáng kể đối với người dân và môi trường. Cơ quan này đã "bật đèn xanh" cho chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida bằng cách khẳng định kế hoạch xả thải của Nhật Bản "đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của IAEA, vốn được dùng làm hệ quy chiếu toàn cầu để bảo đảm an toàn cho người dân và môi trường". Từ đó, kế hoạch xả thải của Nhật Bản chính thức được thông qua.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bắt đầu xả nước thải đã xử lý phóng xạ ra biển. Ảnh: Reuters

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bắt đầu xả nước thải đã xử lý phóng xạ ra biển. Ảnh: Reuters

Tại cuộc họp báo sáng 24/8, TEPCO cho biết họ có kế hoạch thực hiện đợt xả đầu tiên liên tục 24h mỗi ngày trong 17 ngày tới để xả 7.800 tấn nước thải phóng xạ. TEPCO cũng đặt mục tiêu xả 31.200 tấn nước đã qua xử lý, tương đương 30 bể chứa, đến cuối tháng 3/2024 và tốc độ xả sẽ tăng lên sau đó. Nước thải dự kiến sẽ được xả cách bờ biển tỉnh Fukushima 1 km thông qua đường hầm dưới nước. Nhân viên TEPCO hôm 24/8 đồng thời lấy mẫu nước và cá sau đó để phân tích, dự kiến công bố kết quả "sớm nhất vào ngày 25/8". Trong một động thái trấn an dư luận, IAEA cũng cho biết sẽ ra mắt một website để cung cấp dữ liệu giám sát trực tiếp vụ xả thải và lặp lại cam kết rằng IAEA sẽ có mặt tại chỗ trong suốt thời gian xả nước thải.

Tuy nhiên, quyết định của Nhật Bản lại vấp phải phản ứng của nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và Hàn Quốc. Cùng thời điểm Nhật Bản bắt đầu xả thải nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển, Trung Quốc cũng ra lệnh cấm toàn diện việc nhập khẩu các mặt hàng thủy hải sản của Nhật Bản có hiệu lực ngay lập tức, với lý do phòng chống rủi ro ô nhiễm chất phóng xạ, đảm bảo tính an toàn của mặt hàng nhập khẩu, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Trung Quốc. Trong một phản ứng chính thức, Tân Hoa Xã dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng phản đối và lên án mạnh mẽ việc Nhật Bản xả nước thải hạt nhân từ nhà máy Fukushima ra biển và yêu cầu chính phủ Nhật Bản chấm dứt hành vi sai trái này. Trung Quốc lưu ý rằng chính phủ Nhật Bản đã không chứng minh được tính hợp pháp của quyết định xả thải ra biển, đồng thời nói rằng Tokyo không chứng minh được việc xả thải ra biển là an toàn và vô hại đối với môi trường biển và sức khỏe con người.

Một số nhà lãnh đạo Thái Bình Dương cũng bày tỏ lo ngại trước kế hoạch xả thải của Nhật Bản. Tân Hoa Xã hôm 24/8 trích lời Ngoại trưởng Vanuatu Matai Seremaiah cho biết cần có những hành động mạnh mẽ đối với quyết định của Nhật Bản, đồng thời kêu gọi những người gây ô nhiễm "nghiêm túc xem xét lựa chọn khác". Tuyên bố này được đưa ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Nhóm mũi nhọn Melanesian (MSG) lần thứ 22 đang diễn ra tại Port Vila, thủ đô Vanuatu. Cụ thể, Ngoại trưởng Seremaiah cho biết họ đang thúc đẩy MSG ra tuyên bố khuyến cáo Nhật Bản không xả bất cứ thứ gì ra Thái Bình Dương cho đến khi hoàn toàn chắc chắn hành động này không gây nguy hiểm.

Trong khi đó, theo Yonhap, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cùng ngày kêu gọi Nhật Bản thông tin minh bạch về hoạt động xả nước thải đã qua xử lý phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima trong vòng 30 năm tới. Đề cập những lo ngại của công chúng về mức độ an toàn, Thủ tướng Hàn Quốc cho rằng việc lo lắng quá mức là không cần thiết, vì kế hoạch xả nước thải nếu được thực hiện đúng sẽ không gây tác hại đáng kể nào. Nhấn mạnh an toàn của người dân là ưu tiên hàng đầu, Thủ tướng Hàn Quốc tái khẳng định rằng hai nước đã nhất trí thiết lập "đường dây nóng" giữa các cơ quan ngoại giao và quản lý nhằm chia sẻ thông tin trong trường hợp xảy ra tình huống bất ngờ. Trước đó, từ năm 2013, Hàn Quốc đã ngừng nhập khẩu tất cả hải sản từ 8 khu vực của Nhật Bản do lo ngại mức độ phóng xạ.

Những phản ứng từ quốc tế về việc xả thải nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản là không nằm ngoài dự đoán, nhưng sẽ từng ngày gây nhiều áp lực hơn lên chính phủ của Thủ tướng Kishida. Chắc chắn rằng vấn đề thiếu hụt tham vấn quốc tế toàn diện sẽ liên tục được nhắc đến, đòi hỏi Nhật Bản phải có những bước đi thận trọng để chứng minh được quyết định cũng như cam kết của mình.

An Nhiên

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/xa-thai-fukushima-va-phan-ung-tu-cac-nuoc-i704906/