Xã hội không tiền mặt của Trung Quốc gây khó cho khách quốc tế

A.I

(KTSG Online) – Thanh toán nhanh chóng và tiện lợi cho mọi thứ, từ nhu yếu phẩm hàng ngày đến các mặt hàng có giá trị lớn, bằng thiết bị di động ngày càng phổ biến đối với người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, với nhiều người nước ngoài, vốn thường dựa vào tiền mặt và thẻ tín dụng để chi trả khi đi du lịch thì môi trường xã hội không tiền mặt của nước này khiến du khách cảm thấy bị bỏ rơi.

Du khách nước ngoài cảm thấy bất tiện và lo ngại an toàn dữ liệu cá nhân khi sử dụng phương thức thanh toán di động ở Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Trong chuyến du lịch đến nhiều thành phố của Trung Quốc cuối năm ngoái, Derek Cheung, một nhà đầu tư đến từ Singapore gặp khó khăn khi thực hiện các khoản thanh toán đơn giản hàng ngày.

Khi ăn tại các nhà hàng, nơi đã đăng ký mã thanh toán QR cho cá nhân/ thay vì người bán, anh không thể sử dụng WeChat Pay, một trong những dịch vụ thanh toán di động lớn của Trung Quốc. Điều này là do nhà cung cấp dịch vụ thanh toán hạn chế chuyển tiền giữa tài khoản cá nhân và các tài khoản được liên kết với thẻ quốc tế.

Sau khi được người bạn địa phương trả tiền thay, Cheung đã trả lại tiền bằng đô la Singapore thông qua chuyển khoản ngân hàng từ quê nhà. Lý do là vì WeChat Pay hạn chế các giao dịch giữa các cá nhân đối với người dùng thẻ không phải người Trung Quốc.

Cheung cũng trải nghiệm các khó khăn trong việc thanh toán bằng tiền mặt ở các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông và Tứ Xuyên. Rốt cục, anh chủ yếu chỉ mở ví để trả tiền cho những người bán hàng rong. Thế nhưng, ngay cả những người này cũng thích thanh toán di động hơn nên hiếm khi chấp nhận thẻ quốc tế. Nhiều người không chấp nhận tiền lẻ khi giao dịch bằng tiền mặt.

“Thành thật mà nói, với tư cách là du khách nước ngoài, tôi xem đó là một thách thức. Các phương thức thanh toán của Trung Quốc chủ yếu phục vụ người dân địa phương”, Cheung nói.

Những vấn đề thanh toán mà Cheung và những người nước ngoài khác gặp phải đặt ra thách thức lớn cho Bắc Kinh trong việc thúc đẩy giao lưu con người như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm cải thiện quan hệ đối ngoại và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.

Trung Quốc ghi nhận khoảng 424 triệu lượt nhập cảnh và xuất cảnh trong năm 2023, đánh dấu mức tăng 266% so với năm 2022.

Trong số đó, có 206 triệu người là cư dân đại lục và 183 triệu người đến từ Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan. 35,48 triệu lượt xuất nhập cảnh còn lại được thực hiện bởi người nước ngoài từ nơi khác, chiếm 8,37% tổng số.

Vấn đề thanh toán được cho là một trong những yếu tố ngăn cản người nước ngoài đến thăm Trung Quốc. Dù việc tháo gỡ rào cản thanh toán đối với người nước ngoài ở Trung Quốc dễ giải quyết nhưng đến nay, điều này vẫn có vấn đề.

Hồi tháng 7 năm ngoái, WeChat Pay và Alipay, hai nhà cung cấp dịch vụ thanh toán di động hàng đầu Trung Quốc, cho phép du khách nước ngoài liên kết thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ do Visa, Mastercard và một số nhà khai thác quốc tế lớn khác phát hành.

Thay đổi này giúp du khách nước ngoài không có tài khoản ngân hàng Trung Quốc thanh toán bằng WeChat Pay và Alipay như người dân địa phương, trong đó có việc đăng ký bằng tên thật.

Dữ liệu của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho thấy, hơn 95% người trưởng thành ở Trung Quốc có tài khoản ngân hàng cá nhân và tỷ lệ thâm nhập thanh toán di động ở nước này đạt mức cao nhất thế giới là 86%. Điều đó tốt cho phần lớn người dân Trung Quốc nhưng gây tốn kém và bất tiện cho du khách nước ngoài.

Người nước ngoài liên kết thẻ quốc tế với ứng dụng thanh toán di động ở Trung Quốc sẽ bị tính phí dịch vụ 3% cho các giao dịch trên 200 nhân dân tệ (28 đô la Mỹ) và các giao dịch trên 6.000 nhân dân tệ (845 đô la) sẽ không được xử lý.

“Một số du khách nước ngoài không chấp nhận sử dụng thanh toán di động”, Charlie Chen, người quản lý Easy Tour China, một công ty du lịch có trụ sở tại Quảng Tây nói. Chen cho biết nhiều du khách, đặc biệt là những người đến từ châu Âu và Mỹ không muốn nhập dữ liệu cá nhân vào các ứng dụng thanh toán di động do lo ngại về quyền riêng tư.

Tại các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh và Thượng Hải, thẻ quốc tế do các công ty nước ngoài như Visa và Mastercard phát hành được chấp nhận ở các khu thương mại, các điểm tham quan nổi tiếng và tại các trung tâm giao thông, nơi người nước ngoài có nhiều khả năng tiêu tiền nhất.

Theo Charlie Chen, số cơ sở kinh doanh, bao gồm một số khách sạn ba và bốn sao, hiện chấp nhận thẻ tín dụng quốc tế ít hơn với thời điểm trước đại dịch Covid-19. “Tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chính của du khách nước ngoài”, Chen nói.

Địa điểm đổi tiền chính cho du khách nước ngoài là sân bay và ngân hàng. Tuy nhiên, du khách có thể nản lòng vì thời gian hoạt động hạn chế của ngân hàng, thủ tục giấy tờ quá nhiều và cũng như các yêu cầu cung cấp tài liệu bất ngờ.

Chen cho biết thêm, việc rút tiền mặt từ máy ATM ở Trung Quốc cũng đang trở nên khó khăn hơn do số lượng máy ATM trên toàn quốc liên tục giảm kể từ năm 2019. Số liệu của PBoC cho thấy, tổng số máy ATM trên toàn quốc lần đầu tiên giảm xuống dưới 1 triệu vào năm 2021 và đến năm 2022 chỉ còn dưới 900.000 máy. Hàng ngàn máy ATM bị loại bỏ trong mỗi quí năm ngoái.

Tại hội nghị công tác thường niên hồi đầu tháng 1, đại diện của PBoC cam kết tối ưu hóa phương thức thanh toán cho du khách nước ngoài bằng cách cung cấp dịch vụ thanh toán di động thuận tiện hơn và mở rộng việc chấp nhận thẻ tín dụng quốc tế. Tuy nhiên, không có thêm thông tin chi tiết cũng như lộ trình cụ thể nào được đưa ra cho những thay đổi đó.

Theo SCMP

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/xa-hoi-khong-tien-mat-cua-trung-quoc-gay-kho-cho-khach-quoc-te/