Vượt qua nghịch cảnh, sống có ích cho đời

Từ một thanh niên khỏe mạnh, lành lặn, sau tai nạn bất ngờ phải mất đi một chân, em Võ Thanh Tuyền, ở ấp Kênh Đào, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã mạnh mẽ vượt qua mặc cảm, sống lạc quan để khởi nghiệp trên mảnh vườn nhỏ, tự kiếm thu nhập và làm nhiều việc có ích.

Sau trận mưa rào, con đường đất dẫn vào mảnh vườn của Tuyền lấm bùn, trơn trợt. Đôi chân khập khiễng của Tuyền từng bước chậm rãi khi đi qua những đoạn đường lầy lội, trũng nước. Mảnh vườn cách nhà Tuyền hơn 300m, nằm giữa cánh đồng mênh mông, với hơn 80 gốc bưởi, 50 gốc dừa xiêm các loại, 40 gốc ổi và hơn 30 gốc chanh, đan xen một vài loại cây ăn trái khác. Tuyền cho biết khoảng 2 năm nay, dừa, chanh, ổi đã cho trái, hàng tháng đều có người đến vườn thu mua. Riêng bưởi, sau gần 4 năm chăm sóc, hiện đã bắt đầu cho trái.

Em Võ Thanh Tuyền, ở ấp Kênh Đào, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã vượt qua khó khăn của bản thân để khởi nghiệp. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Dẫn chúng tôi đến khu chuồng nuôi chim trĩ và thỏ, Tuyền cho biết, giữa năm 2021, sau khi tìm hiểu về kỹ thuật nuôi thỏ, em đã nuôi thử 5 con thỏ cái và 2 con thỏ đực. Sau hơn 3 tháng, thỏ cái lần lượt sinh sản, tăng đàn lên hơn 50 con. Nhận thấy nuôi thỏ hiệu quả, Tuyền bắt đầu làm chuồng, mua thêm lồng, trang bị đầy đủ máng đựng thức ăn và vòi uống nước tự động cho thỏ. “Thỏ ít bị bệnh lại sinh sản liên tục. Từ lúc thỏ cái phối giống đến lúc đẻ khoảng 30 ngày, trung bình một năm thỏ có thể đẻ được 6 - 8 lứa, mỗi lứa khoảng 6 - 10 con. Do đó, gần như tháng nào cũng có thỏ bán. Em cũng thường xuyên cắt rau, cỏ dại mọc quanh vườn cho thỏ ăn để giảm chi phí thức ăn. Hơn 1 năm nuôi thử nghiệm, nắm được kỹ thuật chăm sóc, phối giống cho thỏ cái và kỹ thuật nuôi thỏ con, em dự định sắp tới đây sẽ mở rộng chuồng, phát triển thêm đàn thỏ” - Võ Thanh Tuyền chia sẻ.

Cùng lúc với nuôi thỏ, Tuyền cũng thử nghiệm nuôi chim trĩ, khởi đầu với 15 con chim trĩ giống. Sau hơn 7 tháng nuôi, xuất bán 10 con chim thịt, chỉ để lại 5 con chim giống, qua các đợt ấp nở, đàn chim trĩ đã tăng lên hơn 80 con. Theo Tuyền, chim trĩ dễ nuôi, ngoài ăn lúa, thức ăn công nghiệp còn ăn thêm rau, cỏ, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc mà mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tháng 5 vừa qua, Tuyền xây mới chuồng nuôi chim trĩ với diện tích khoảng 30m2, bao quanh là lưới thép, lợp mái tôn, phân chia các ô nuôi chim thịt, chim con, chim giống. Hiện tại, sau khi bán lứa đầu tiên (gần 8 triệu đồng), số chim trĩ còn lại gồm 2 con chim trống, 10 con chim mái đang cho trứng và 20 con chim lứa. Tuyền cho biết, thông thường chim trĩ nuôi đạt thì từ 6 - 7 tháng là có thể bán thịt và cho trứng. Chim trống có trọng lượng trung bình 1,6kg/con, chim mái có trọng lượng khoảng 1,1kg/con. Giá chim trĩ thương phẩm khoảng 150.000 đồng/kg, trứng chim giá 7.000 đồng/trứng…

Trò chuyện cởi mở, Tuyền cho biết, hiện em đang là Bí thư Chi đoàn ấp Kênh Đào. Năm 2015, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Tuyền về công tác tại Ban nhân dân ấp Xây Đá B, rồi làm Phó Ban nhân dân ấp Kênh Đào. Đến năm 2017, sau khi bị tai nạn giao thông, cưa mất chân phải, Tuyền xin thôi việc. Thời điểm đó, Tuyền cũng đang bước vào đại học năm thứ 2 ngành luật.

“Em đã từng trải qua những ngày tháng mặc cảm, hoang mang, cứ nghĩ cánh cửa tương lai sẽ khép lại khi đôi chân không còn lành lặn. Tuy nhiên, nhờ sự yêu thương, chăm sóc, động viên của người thân và bạn bè, em suy nghĩ tích cực hơn, quyết tâm sống tốt cuộc đời mình” - Tuyền trải lòng. Sau khi lắp chân giả, Tuyền bắt đầu tập đi, tiếp tục hoàn thành việc học, đồng thời dự tính kế hoạch tạo việc làm cho bản thân. Cuối năm 2018, sau khi sức khỏe hồi phục, Tuyền được gia đình cho hơn 3 công đất ruộng, em bắt tay cải tạo thành mảnh vườn hiện tại, quyết tâm “khởi nghiệp” với cây ăn trái và chăn nuôi. Việc trồng trọt, chăm sóc cây trái, chăn nuôi đối với người bình thường đã vất vả, với Tuyền còn cực nhọc hơn nhiều khi việc đi lại khó khăn. Hiện tại, thu nhập từ cây ăn trái, chăn nuôi của Tuyền hàng tháng chỉ khoảng 5 triệu đồng, đủ cho sinh hoạt cá nhân, phụ thêm chi tiêu cho gia đình. Tuy nhiên, điều đáng quý trong đó là tinh thần mạnh mẽ vượt qua nghịch cảnh, sống có ích cho đời của Tuyền.

Đánh giá về Tuyền, Bí thư Huyện đoàn Châu Thành Lê Minh Trung khen ngợi: “Sau khi trở lại với công tác đoàn, đồng chí Võ Thanh Tuyền luôn tích cực với các hoạt động, phong trào đoàn các cấp, công tác xã hội, thể hiện được phẩm chất của người thanh niên tiên tiến trong thời kỳ mới. Tuyền được xem là một tấm gương thanh niên đầy nghị lực, vượt khó làm kinh tế của địa phương chúng tôi”.

XUÂN NGUYÊN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/hoa-no-bon-mua/vuot-qua-nghich-canh-song-co-ich-cho-doi-59081.html