Lăng kính văn hóa: Tiết kiệm là văn minh

Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam mới đây tại Tọa đàm 'Tiết kiệm điện-Từ chính sách đến cuộc sống' có đưa ra thông tin:

Việt Nam có tỷ lệ sử dụng năng lượng chưa hiệu quả bằng một số nước khác. Ví dụ, so sánh theo hệ số quy đổi, để có 1.000USD thì Việt Nam cần 376 tấn dầu quy đổi, trong khi trung bình trên thế giới chỉ vào khoảng 170 tấn. Các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thì con số này khoảng 104 tấn, với Singapore là 99 tấn, Nhật Bản là 90 tấn. Như vậy, chúng ta đang tiêu thụ năng lượng gấp khoảng 2-3 lần các quốc gia khác.

 Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn

Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn

Con số phân tích, so sánh theo hệ số quy đổi tấn dầu cho thấy Việt Nam có tỷ lệ sử dụng năng lượng chưa hiệu quả. Bài học về cung ứng điện trong mùa hè 2023 và tháng 4-2024 cho thấy chưa bao giờ vấn đề tiết kiệm điện lại được đặt ra cấp bách như hiện nay. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết biến đổi bất thường thì tiết kiệm năng lượng cần được coi như nhiệm vụ sống còn. Tuy nhiên, dù đã có nhiều chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng hiệu quả được triển khai, nhưng tiết kiệm điện vẫn mang tính khẩu hiệu, chưa thực sự đi vào cuộc sống hay trở thành một nét văn hóa sâu rộng. Thực tế, lãng phí điện và các nguồn tài nguyên khác vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi, trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Điều này đặt ra câu hỏi quan trọng: Làm thế nào để tiết kiệm trở thành một lối sống văn minh?

Cần hiểu rõ tiết kiệm không chỉ đơn thuần là việc giảm chi tiêu hay sử dụng ít đi mà còn là cách sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và hợp lý. Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2020, tỷ lệ thất thoát thực phẩm, nông sản trước chế biến trung bình của trái cây Việt Nam là 10%, rau củ 20-50%, thủy hải sản là 30-35%. Tổn thất lương thực vào khoảng 10-15%. Ước tính chúng ta có đến 8,8 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí mỗi năm, tương đương 3,9 tỷ USD, khoảng 2% GDP của Việt Nam. Sự lãng phí kéo theo một vòng luẩn quẩn, cần gia tăng sản lượng nông nghiệp để bù đắp, dẫn đến thoái hóa đất, ô nhiễm môi trường và nguy cơ dịch bệnh, gây hại cho con người, xã hội không kém tham nhũng.

Để tiết kiệm điện, tiết kiệm tài nguyên cũng nên có những chế tài xử phạt nặng, thay vì các quy định đa phần vẫn mang tính chất khuyến khích, giáo dục. Tới đây, chúng ta sẽ phải làm nhiều việc để bảo đảm đủ điện cho nền kinh tế cũng như nâng cao ý thức tiết kiệm điện của người dân như một nét văn hóa. Quan tâm tới việc phát triển văn hóa toàn diện, trong đó giáo dục lối sống văn minh là gốc của việc chống lãng phí.

Trong một thế giới mà tiêu thụ không kiểm soát và lãng phí đang trở thành vấn đề nghiêm trọng, việc lựa chọn sống tiết kiệm là thái độ, hành vi văn minh, nét đẹp văn hóa cần được khuyến khích, cổ vũ trong toàn xã hội.

THU HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/lang-kinh-van-hoa-tiet-kiem-la-van-minh-777350