Vượt qua bất an khi người khác thành đạt

Theo chuyên gia, so sánh và đố kỵ là những cảm xúc tự nhiên khó tránh khỏi. Điều này không xấu khi bạn biết cách biến chúng thành động lực tích cực.

So sánh đúng cách giúp chúng ta vui vẻ và hứng khởi hơn trong cuộc sống. Ảnh: Zen Chung/Pexels.

Không khó để những suy nghĩ tiêu cực như tự ti hay ghen tỵ len lỏi vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nếu không được kiểm soát hay khéo léo bộc lộ, chúng có thể trở thành nỗi ám ảnh tâm lý khiến bạn mệt mỏi và khổ sở.

Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể thoát khỏi sự vây hãm của những cảm xúc tiêu cực này nhờ áp dụng phương pháp xử lý phù hợp.

Dưới đây, TED tổng hợp phân tích từ Liz Fosslien, nhà tư vấn thiết kế và tiếp thị và Mollie West Duffy, nhà thiết kế tổ chức, giúp bạn điều hòa cảm xúc hỗ trợ cải thiện bản thân và tiến xa hơn trong sự nghiệp.

Bạn nên dành thêm thời gian làm rõ khát vọng thực sự của bản thân. Ảnh: Felipe Cespedes/Pexels.

Nâng cao nhận thức cá nhân

Gretchen Rubin, tác giả của hàng loạt đầu sách bán chạy của New York Times, từng là một luật sư.

Bà thú nhận đã quyết định thay đổi nghề nghiệp vì sự ghen tỵ với một cựu sinh viên học cùng trường luật. Người này gặt hái thành công đáng kể khi từ bỏ ngành luật để theo đuổi sự nghiệp viết lách.

Ví dụ này phần nào cho thấy sự so sánh, ganh tỵ cũng có khả năng dẫn lối bạn đến với những gì mình thật sự đam mê.

Theo đó, tự nhận thức được ý muốn của bản thân là yếu tố thiết yếu giúp bạn chuyển hóa cảm xúc theo hướng tích cực hơn. Vì vậy, khi lòng đố kỵ nổi lên, bạn hãy cân nhắc trả lời những câu hỏi sau:

Đối phương sở hữu những điều gì khiến bạn cảm thấy thua kém hơn?
Có được những thứ đó liệu bạn phát triển tốt hơn không?
Bạn có thật sự muốn những gì họ đang sở hữu không? Nếu có, bạn muốn những gì và chúng có đáng để bạn đánh đổi công sức để giành lấy không?

Bạn càng chi tiết với câu trả lời, khả năng ghen tị và so sánh biến thành hành động và chiến lược tốt đẹp càng cao.

Sự ghen tỵ óc thể trở nên lành mạnh nếu được thể hiện đúng cách. Ảnh: Sam Lion/Pexels.

Đảm bảo sự lành mạnh của cảm xúc

Sự đố kỵ do so sánh gây ra có thể là động lực và kim chỉ nam hữu hiệu trong cuộc sống mỗi người.

Tuy nhiên, chúng vẫn có thể khiến bạn trở nên cay nghiệt và gay gắt.

Các nhà tâm lý học chỉ ra sự ghen tỵ có hai thiên hướng tách biệt.

Đầu tiên là ghen tỵ lành tính - bạn ngưỡng mộ ai đó và cố gắng trở nên như họ. Tiếp theo là ghen tỵ ác ý - bạn ghen ghét đối phương vì họ có được những gì mình khao khát.

Ví dụ rõ ràng cho điều này là hai suy nghĩ “Đồng nghiệp thật giỏi khi mua được một căn hộ áp mái” và “Tôi ghét việc nhà của anh ta có khoảng nhìn đẹp. Tôi muốn họ phải khổ sở hơn”.

Thực tế, cả hai kiểu so sánh trên đều có thể đem lại ít nhiều cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, ghen tỵ lành tính sẽ thúc đẩy chúng ta làm việc chăm chỉ để phát triển trong khi sự đố kỵ ác ý chỉ khiến chúng ta ngày càng khó chịu và khắt khe.

Sự so sánh độc hại thường bắt nguồn từ cảm giác thiếu thốn. Song, trong nhiều trường hợp, nỗi lo lắng này cũng giúp bạn ngộ ra được bản thân mình cũng có thể làm được như họ.

Để tránh biến suy nghĩ lành mạnh trở nên độc hại, thậm chí ác nghiệt, bạn hãy thử áp dụng những mẫu câu này:

Tôi được truyền cảm hứng bởi… Có lẽ tôi nên học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ họ hoặc nhờ họ làm người cố vấn cho mình.
Tôi chưa làm những gì đối phương thực hiện được chứ không phải tôi không làm được.
Mỗi người có một con đường khác nhau. Tôi biết ơn vì mình có được lối riêng của mình.
Nếu hình mẫu yêu thích của tôi dừng làm công việc hiện tại, tôi sẽ mất đi một nguồn động lực đáng kể.

Suy xét đến nhiều người hơn khi so sánh giúp bạn vượt qua được áp lực thành tích. Ảnh: Cottonbro Studio/Pexels.

Mở rộng phạm vi so sánh

Chỉ chăm chú vào thành tựu của một người khiến bạn dễ dàng cảm thấy bị kìm hãm, thậm chí tụt lại trong cuộc sống và sự nghiệp.

Tuy nhiên, nếu để ý từ 10-20 người quen khác, bạn rất có thể nhận ra rằng họ cũng không quá khác biệt so với mình. Nhiều khi, họ cũng rơi vào hoàn cảnh không khác gì bạn.

Trong một thí nghiệm, các nhà nghiên cứu yêu cầu người tham gia tự đánh giá khả năng chạy của bản thân.

Kết quả, họ có xu hướng so sánh mình với người một chạy chuyên nghiệp nào đó và tự cho rằng bản thân không giỏi như vậy.

Về sau, những người này được nhắc phải liệt kê 10 vận động viên chạy hàng đầu mà họ biết. Trong khi suy ngẫm và đánh giá về người chạy tốt thứ 7 hoặc thứ 9 họ sát cánh cùng, đa số đã bắt đầu cảm thấy tích cực hơn.

Như vậy, hành động so sánh bản thân với một nhóm người đã làm giảm khoảng cách giữa họ và những gì họ cho là “tốt”.

Bên cạnh đó, các nhà tâm lý học cho biết việc mở rộng góc nhìn cũng là một hành vi hữu ích khi bạn vượt qua deprivation intolerance - hội chứng khổ sở khi không có được thứ mình muốn.

Lần tới khi bạn thèm muốn một cách tuyệt vọng những gì người khác có, hãy hoán đổi suy nghĩ “Tại sao tôi không có điều này?” với “Tôi đã có đủ những điều mình cần chưa?”

Như vậy, bạn sẽ phần nào ngộ ra được rằng không sở hữu những điều mình ghen tị với người khác cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống hay giá trị của bản thân.

Đặt mình vào trị trí của đối phương sẽ giúp bạn biết được mình có thực sự muốn những gì họ đang có không. Ảnh: Ivan Samkov/Pexels.

Đào sâu bản chất sự việc

Liz Fosslien cho hay bà từng ghen tị sâu sắc với một người quen xã giao khi biết họ thăng chức và được giao trọng trách lãnh đạo 200 nhân viên.

Khi đó, bà hoài nghi khả năng cũng như định hướng nghề nghiệp bấy lâu nay của mình với hàng loạt thắc mắc như “Tôi có nên thay đổi tất cả kế hoạch của mình không? “ hay “Trước giờ tôi đã nghĩ sai về bản thân và những ước muốn cá nhân sao?”.

Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian suy nghĩ, bà đổi ý và nhận ra mình không hề muốn có được vị trí công việc của người kia.

Bà không thực sự ao ước trở thành quản lý cấp cao mà chỉ muốn sự uy tín cùng công nhận rộng rãi khi đạt được thành tựu lớn.

Suy ngẫm thấu đáo về cuộc sống hàng ngày sau khi đạt được những gì người khác có đã giúp Liz nhận ra được lối đi đúng đắn nhất để được công nhận thay vì thay đổi toàn bộ sự nghiệp của mình.

Dưới đây là danh sách các câu hỏi giúp bạn hiểu được cốt lõi mong muốn riêng để mỗi lần so sánh đều có kết quả tích cực.

Sau khi có được vị trí của người khác, cuộc sống mỗi ngày của bạn sẽ trải qua như thế nào?
Bạn muốn và không muốn điều gì cụ thể từ cuộc sống của người khác?
Người bạn ghen tỵ phải trải qua những gì để có được những thành tựu hiện tại?
Sự so sánh bắt nguồn từ việc bạn tưởng tượng phiên bản tốt nhất của bản thân hay sự kỳ vọng từ xã hội hay một cá nhân nào đó?
Bạn có sẵn sàng từ bỏ những điều tốt đẹp trong cuộc sống hiện tại để có vị trí của người khác có không?

Làm tốt hơn bản thân ngày hôm qua là tinh thần nên được ưu tiên. Ảnh: John Diez/Pexels.

So sánh với chính bản thân mình

Bạn có thể chưa đến được cái đích mong muốn, nhưng bạn chắc chắn đã tiến xa hơn nhiều so với điểm xuất phát.

Suy ngẫm về những thành tựu trước đó cùng sự tiến bộ bấy lâu nay dù nhỏ nhoi sẽ giúp bạn trở nên tích cực, tránh rơi vào những cảm xúc đố kỵ ác ý.

Một cách đơn giản để biến việc tự so sánh và đánh giá bản thân thành thói quen là dành vài phút mỗi tháng suy ngẫm về những lời gợi mở sau:

Tháng qua bạn đã học được những gì?
Đâu là những khó khăn bạn gặp phải? Bạn có thể giải quyết chúng bằng cách nào dựa trên những gì bạn đã biết?
Bạn đã đạt được những tiến bộ như thế nào?

Suy cho cùng, chúng ta khó có thể ngừng việc so sánh bản thân với người khác. Song, bằng cách khéo léo áp dụng những mẹo trên, bạn có thể sớm biến ghen tị thành những hành vi hữu ích và tích cực.

Ngoài ra, bạn đừng quên rằng mình chỉ có thể thấy một phần nổi của tảng băng, đặc biệt trong thời đại mạng xã hội phát triển như hiện nay. Người có cuộc sống hoàn hảo trên Instagram thực chất có thể đang đối mặt hàng loạt khó khăn trong cuộc sống.

Một nguyên tắc nhỏ khác bạn nên nhớ là hãy cân bằng việc so sánh: vừa nhìn vào những cá nhân thành đạt hơn, vừa quan sát những người kém cạnh, khốn khó hơn.

Thiên Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vuot-qua-bat-an-khi-nguoi-khac-thanh-dat-post1373908.html