Vũ khí chuyên tung đòn chốt tại chiến sự

Quân đội Nga vừa phá hủy một nhà kho chứa UAV của Ukraine và dây chuyền lắp ráp UAV ở Zaporozhye bằng các cuộc tấn công bằng tên lửa Iskander.

Hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander-M của Nga.

Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo Iskander diễn ra hôm 8/4 nhằm đáp trả các cuộc tấn công liên tục bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine vào các cơ sở dầu khí bên trong lãnh thổ Nga.

Bộ này chỉ rõ rằng Lực lượng vũ trang Nga đã sử dụng hệ thống Iskander-M cho cuộc tấn công với đoạn video cho thấy tên lửa đã bắn trúng các cơ sở sản xuất của Ukraine trong khi các tòa nhà gần đó vẫn còn nguyên vẹn.

"Tính hiệu quả của Iskander-M được công nhận ở khắp mọi nơi ở phương Tây, bởi vì tên lửa của nó bắn chính xác gần như tuyệt đối vào hồng tâm ở khoảng cách 500 km. Độ chính xác của Iskander-M thường được ví như súng bắn tỉa", chuyên gia quân sự Nga, Viktor Litovkin nói.

Iskander-M là tên lửa đạn đạo tầm ngắn cơ động (SRBM) với tầm bắn tối thiểu 50 km và tầm bắn tối đa lên tới 500 km. Khi được trang bị đầu dẫn quang, hệ thống có xác suất sai số vòng tròn (CEP) chỉ từ 5–7 mét.

Hệ thống có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được thiết kế từ thời Liên Xô để tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao ở phía sau phòng tuyến của đối phương, đồng thời không vi phạm Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987, cấm các loại vũ khí hạt nhân và thông thường trên mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km.

Những đơn vị Iskander đầu tiên được đưa vào sử dụng rất lâu sau khi Liên Xô sụp đổ vào giữa những năm 2000.

Iskander-M có thể được trang bị cả đạn có cánh và đạn đạo. Tên lửa hành trình do hệ thống bắn ra sẽ bay ở độ cao cực thấp để gây khó khăn cho hệ thống phòng thủ đối phương phát hiện và đánh chặn.

Theo Litovkin, khi nói đến tên lửa đạn đạo thuộc hệ thống Iskander của chúng có một số tính năng đặc biệt.

Chuyên gia quân sự cho biết: "Bên cạnh việc tên lửa Iskander-M là tên lửa đạn đạo, nó còn có thể được gọi là gần như đạn đạo, nó bay không chỉ theo đường cong đạn đạo mà còn bay theo hình vòng cung.

Tên lửa Iskander-M có thể bay theo đường cong đạn đạo, sau đó thay đổi hướng bay sang phải, trái, lên, xuống, tức là rời khỏi đường cong đạn đạo với tốc độ siêu thanh và bắn trúng mục tiêu được chỉ định.

Ngoài ra, tên lửa có thể được cung cấp hình ảnh của mục tiêu. Nghĩa là, hình ảnh của mục tiêu được tải lên hệ thống kỹ thuật số của nó.

Nghĩa là, về cơ bản, một bức ảnh của mục tiêu được tải lên và tên lửa sẽ bay chính xác đến mục tiêu này. Mặc dù có thể có bất kỳ vật thể nào khác ở bên phải và bên trái mục tiêu nhưng nó vẫn bám sát mục tiêu đã được chỉ định".

Iskander-M được trang bị hai tên lửa để đảm bảo hỏa lực mạnh cho một cuộc tấn công. Theo chuyên gia, bệ phóng của hệ thống có thể bắn hai tên lửa đạn đạo hoặc hai tên lửa hành trình, tùy thuộc vào nhiệm vụ được giao cho phi hành đoàn.

"Trọng lượng của đầu đạn dao động từ 350 đến 500 kg, nhưng nó tạo ra một vụ nổ có thể phá hủy rất nhiều tài sản, từ sở chỉ huy, nhà máy cho đến kho thiết bị quân sự của đối phương. Tất cả phụ thuộc vào loại đầu đạn Iskander được trang bị", ông nói.

Theo chuyên gia quân sự, một ưu điểm khác của hệ thống Iskander-M là kíp chiến đấu chỉ gồm ba người có thể phóng và nhắm bắn chính xác vào mục tiêu, đồng thời bảo trì chúng và nạp lại năng lượng...

Ông Litovkin nhấn mạnh rằng 18 lữ đoàn được trang bị hệ thống tác chiến-chiến thuật Iskander-M đã được triển khai dọc toàn bộ biên giới Nga.

Cũng theo chuyên vị chuyên gia quân sự này, hệ thống tên lửa Iskander đang đóng vai trò rất quan trọng kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

"Iskander đã tấn công các mục tiêu quan trọng nhất của Ukraine: các nhà máy nhiệt điện, các cơ sở trang bị quân sự, các cơ sở nhân sự, bao gồm cả lính đánh thuê NATO, gần đây nhất nó đã tấn công một nhà máy sản xuất máy bay không người lái hạng nặng...", ông Litovkin cho biết thêm.

Khi được hỏi liệu Iskander-M có cần nâng cấp hay không, nhà phân tích quân sự trả lời: "Không có ích gì khi sửa đổi hệ thống này: nó đang hoạt động rất tốt".

Clip lực lượng tên lửa chiến lược Nga diễn tập chiến đấu.

Kiên Bùi

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vu-khi-chuyen-tung-don-chot-tai-chien-su-post678771.html