Viettel đẩy mạnh chuyển đổi số tại Đắk Lắk

Là đơn vị có vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đã có nhiều giải pháp số trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội của đất nước. Tại tỉnh Đắk Lắk, Viettel đang cùng địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực, đem lại những kết quả quan trọng. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Trung tá QNCN Phạm Quảng Đà, Giám đốc Viettel Đắk Lắk xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Chuyển đổi số tại Đắk Lắk đang được Viettel triển khai thực hiện như thế nào và đã đạt kết quả gì trong thời gian qua, thưa đồng chí?

Trung tá QNCN Phạm Quảng Đà: Viettel Đắk Lắk đã và đang tập trung vào cung cấp các giải pháp chuyển đổi số phục vụ hỗ trợ chính quyền tỉnh trong công tác quản lý, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cùng các giải pháp trong lĩnh vực y tế, giáo dục, mang lại lợi ích cho người dân. Ví dụ, vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi đã phối hợp cùng chính quyền tỉnh triển khai Hệ thống khai báo y tế điện tử tại 3 chốt kiểm tra dịch: Chốt kiểm dịch xã Hòa Phú (TP Buôn Ma Thuột), đèo Phượng Hoàng (huyện M'Drắk), cầu 110 (huyện Ea H'leo) giúp chính quyền tỉnh kiểm soát số lượng người dân ra vào tỉnh, hỗ trợ công tác truy vết và phòng, chống dịch Covid-19.

Trung tá QNCN Phạm Quảng Đà.

Viettel Đắk Lắk còn hỗ trợ mở tài khoản thanh toán điện tử Viettel Money và điểm chấp nhận thanh toán không tiền mặt cho các tiểu thương, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thanh toán không tiền mặt tại các khu chợ trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột như chợ trung tâm TP Buôn Ma Thuột, Tân An, Phan Đình Phùng; xã Hòa Phú và huyện Cư M'Gar, nhằm phục vụ xây dựng chợ 4.0 (không sử dụng tiền mặt).

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng triển khai Hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) tại trung tâm dữ liệu tỉnh Đắk Lắk và đã phát hiện ra các cuộc tấn công mạng cùng hàng trăm cảnh báo liên quan đến các lỗ hổng về an toàn thông tin của các máy chủ. Để giải quyết các vấn đề trên, Viettel đã phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk khoanh vùng, ngăn chặn được các cuộc tấn công, đồng thời đưa ra giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống mạng và trang thông tin của địa phương.

PV: Được biết, giáo dục và đào tạo là một trong các lĩnh vực được Viettel đặc biệt quan tâm. Tại Đắk Lắk, Viettel đã và đang triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực này như thế nào, thưa đồng chí?

Trung tá QNCN Phạm Quảng Đà: Viettel xác định giáo dục và đào tạo là một trong những ngành cần được ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi số. Tại Đắk Lắk, Viettel đã triển khai Phần mềm quản lý nhà trường SMAS 3.5; học bạ điện tử; hệ thống quản lý hồ sơ sổ sách giáo dục (không dùng giấy tờ) tại các trường học công lập; ứng dụng Sổ liên lạc điện tử Edu.One giúp nhà trường và phụ huynh theo dõi tình hình học tập của học sinh thông qua điện thoại thông minh. Viettel cũng thực hiện cấp tài khoản tập huấn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Viettel-LMS) cho 100% cán bộ, giáo viên trên địa bàn tỉnh sử dụng; cấp tài khoản Hệ thống thông tin quản lý bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (TEMIS) cho 100% cán bộ, giáo viên trên địa bàn tham gia đánh giá theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19, Viettel Đắk Lắk đã hỗ trợ và cung cấp tài khoản Hệ thống quản lý học và thi trực tuyến K12Online cho các cơ sở giáo dục và các em học sinh. Đến nay, chúng tôi cũng đã hỗ trợ, tài trợ đường truyền internet cáp quang cho 100% cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh.

Viettel Đắk Lắk giới thiệu gian trưng bày các sản phẩm số tới đại biểu tại Hội nghị hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số 10-10-2022. Ảnh: AN LÊ

PV: Các giải pháp số hỗ trợ ngành giáo dục của Viettel có gì đặc biệt và nổi trội?

Trung tá QNCN Phạm Quảng Đà: Viettel đã đưa các ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, dạy học tại các cơ sở giáo dục. Đặc biệt, chỉ cần một tài khoản và một mật khẩu, cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh sẽ đăng nhập được tất cả ứng dụng trên hệ sinh thái giáo dục mà Viettel triển khai. Trong đó, hệ thống học bạ điện tử, hệ thống quản lý hồ sơ sổ sách hay hệ thống tuyển sinh trực tuyến đầu cấp được đánh giá là bước ngoặt để tạo tiền đề chuyển đổi số cho ngành giáo dục, đáp ứng dịch vụ công cấp độ 4. Cùng với đó, Phần mềm chữ ký số từ xa Mysign Viettel đã cung cấp cho cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện ký học bạ và hồ sơ sổ sách điện tử, đem lại sự tiện lợi, chính xác, nhanh chóng.

PV: Thời gian tới, Viettel Đắk Lắk xác định mục tiêu chuyển đổi số ở lĩnh vực nào, thưa đồng chí?

Trung tá QNCN Phạm Quảng Đà: Viettel sẽ tập trung cung cấp các giải pháp nền tảng phục vụ công tác quản lý cho chính quyền, xây dựng đô thị thông minh như: Trung tâm điều hành thông minh (IOC) có thể thu thập, tích hợp với các hệ thống thông tin đang vận hành (hoặc sẽ xây dựng trong tương lai) hỗ trợ chính quyền giám sát, điều hành và đưa ra quyết định chỉ đạo. Nền tảng giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) dành cho các hệ thống thông tin quan trọng của chính quyền giúp kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm các nguy cơ, sự cố an ninh mạng để chủ động phòng ngừa.

Viettel cũng đẩy mạnh triển khai tại Đắk Lắk Hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) do Viettel phối hợp cùng Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia (Bộ Y tế) xây dựng, trong đó, hồ sơ sức khỏe của người dân được lập, hiển thị, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ điện tử. Mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử được theo dõi suốt đời.

Chúng tôi cũng tiếp tục hoàn thiện và triển khai Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục-hệ thống hỗ trợ thu thập, quản lý, khai thác và chia sẻ dữ liệu toàn ngành giáo dục cho sở/phòng giáo dục và đào tạo, các đơn vị giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; hỗ trợ mở tài khoản ví điện tử miễn phí cho người dân, thiết lập các điểm chấp nhận thanh toán không tiền mặt tại các chợ, các hộ kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh nhằm hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt. Trong đó, các nhân sự của Viettel là thành viên tại các tổ công nghệ số cộng đồng ở các xã, phường sẽ trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn các tiểu thương, người dân thiết lập gian hàng, đưa sản phẩm kinh doanh đặc trưng lên các trang thương mại điện tử để quảng bá, bán hàng, thúc đẩy phát triển kinh tế số.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

LÊ HIẾU (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/viettel-day-manh-chuyen-doi-so-tai-dak-lak-733054