Quyết định táo bạo của bộ đội đường ống đưa xăng dầu vượt 'cửa tử' ở Trường Sơn

Để vận chuyển xăng dầu vượt Trường Sơn, bộ đội đường ống đã có những quyết định táo bạo, dũng cảm hy sinh để đảm bảo mạch nguồn nhiên liệu, chi viện cho chiến trường.

Năm nay, Hội Trường Sơn Việt Nam kỷ niệm 65 năm Ngày mở Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn Anh hùng (19/5/1959-19/5/2024).

Khi tuyến Đường Hồ Chí Minh chuyển sang vận tải bằng cơ giới thì xăng dầu trở thành nhu cầu cực kỳ thiết yếu. Nhưng do địch đánh phá hết sức ác liệt nên hầu hết các xe chở xăng đều không thể vượt qua các trọng điểm. Từ năm 1968, một lực lượng mới ra đời mang tên bộ đội đường ống để thực hiện nhiệm vụ khảo sát, thi công lắp đặt và vận hành các tuyến ống xăng dầu.

QUYẾT ĐỊNH TÁO BẠO

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, nguyên kỹ sư khảo sát thiết kế - Cục Xăng dầu Trường Sơn cho biết, trong những năm 1968-1969 tình hình bảo đảm xăng dầu vô cùng khó khăn khi địch chặn các trọng điểm. Tất cả các xe chở xăng của ta hầu như không vượt qua được.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.

Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên đã khẩn cấp điện báo cáo Bộ Quốc phòng: “Do thiếu xăng, xe phải ngừng hoạt động. Nếu không kịp chuyển xăng và lương thực vào sẽ có nguy cơ hàng vạn bộ đội và thanh niên xung phong bị đói”.

Quân ta dùng mọi cách nhưng không đủ đường ống để truyền và số lượng vận chuyển cũng hạn chế… Trong lúc Quân ủy Trung ương và Tổng cục Hậu cần rất “đau đầu” tìm cách thì Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện khi sang dự diễn tập của khối Warszawa thấy nước bạn có bộ đội đường ống tác chiến. Bộ đội có thể tháo lắp, vận hành đường ống trong 7-10 ngày chiến dịch, với điều kiện trên trời không quân kiểm soát phòng không tốt. Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu cho biết, đó là hai đặc điểm vô cùng quý, bởi “nếu bộ đội vác được thì có thể luồn lách trong rừng và khi bị đánh đứt thì có thể khắc phục được”.

Tuy nhiên, khi đó có nhiều ý kiến về phương án này vì cho rằng đem đường ống cấp chiến thuật vào vận tải chiến lược, trên địa hình phức tạp như Trường Sơn, lại không có ô phòng không là quá mạo hiểm. Chủ nhiệm Đinh Đức Thiện quả quyết: “Đây là một phương tiện vận tải hiện đại, năng suất lớn, có thể tháo lắp cơ động và có thể đi được trong Trường Sơn phức tạp. Xét về chiến lược là làm được, còn việc khắc phục địa hình và đối phó với địch thì phải giải quyết trong thực tế”.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu cho biết: “Năm 1968, quân ta triển khai đường ống xăng đầu. Từ đó đến năm 1975, bộ đội đường ống đã không phụ lòng mong mỏi của Chủ nhiệm Đinh Đức Thiện”.

Bộ đường ống dã chiến được thiết kế và trang bị theo đúng tính chất dã chiến, nghĩa là được lắp đặt và vận hành trong một thời gian nhất định, sau đó lại tháo dỡ, bảo quản hoặc di chuyển.

Ông Hậu ví von “đường ống là một dòng sông mang lửa” vì trong bụng nó bao giờ cũng chứa đầy xăng, chỉ cần một mảnh bom đánh vào thùng ống thì sẽ bùng cháy. Thế nhưng, tuyến đường ống Trường Sơn dài gần 1.500 cây số đã vượt qua mưa bom, địa hình, thời tiết để đưa xăng vào đến tận Bù Gia Mập vùng Đông Nam Bộ.

Chiến sỹ Đường ống thuộc Tiểu đoàn 668, Trung đoàn 592, Bộ Tư lệnh 559 vận chuyển và lắp đặt đường ống xăng dầu về kho K7B, khu vực Nam Mường Noòng (Lào - tháng 3/1972). Ảnh: Tư liệu/Binh đoàn 12

Chiến sỹ Đường ống thuộc Tiểu đoàn 668, Trung đoàn 592, Bộ Tư lệnh 559 vận chuyển và lắp đặt đường ống xăng dầu về kho K7B, khu vực Nam Mường Noòng (Lào - tháng 3/1972). Ảnh: Tư liệu/Binh đoàn 12

Tuy nhiên vẫn có những hy sinh, mất mát lớn. Khi phát hiện quân ta đưa đường ống vượt qua Trường Sơn, Mỹ đã đánh phá ác liệt, kiên quyết ngăn chặn.

“Địch chặn đầu tiên là ở cửa khẩu. Một đợt đánh ở cửa khẩu 3 tháng trời. Cửa khẩu đường 12 đất đá bị nghiền thành bột. Cửa khẩu đường 18 đánh ác liệt hơn vì gần mặt trận vĩ tuyến 17. Trong 3 tháng, chúng tôi định vượt qua chỗ nào là địch đánh chỗ đó, rất nhiều đội khảo sát đi để tìm tuyến, có chiến sỹ đã hy sinh”, Thiếu tướng Hậu nhớ lại.

Trong lịch sử bộ đội đường ống, tuyến vượt Trường Sơn ở cửa khẩu đường 18 là nơi xương máu nhất, đọ sức quyết liệt nhất với không lực Mỹ. Tất cả những vị trí đường ống có thể đi qua đều bị bom Mỹ chà đi xát lại. Những khó khăn như thế cũng khiến bộ đội đường ống đôi lần băn khoăn, rằng liệu có đưa được những đường ống qua "cửa tử" hay không.

Thiếu tướng Hậu cho biết, khi đó các kỹ sư đã đề xuất phương án “táo bạo” đó là đưa các đường ống lên đỉnh cao nhất của khu vực - đỉnh 911. Người Mỹ đã không lường tới việc này và quân ta đã vượt qua “cửa tử”.

MÁY DÒ BOM SỐNG

Có rất nhiều người thuộc lực lượng bộ đội đường ống đã hy sinh, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu đặc biệt tri ân đến người đồng đội Trung sỹ Nguyễn Lương Định, nguyên Tiểu đội trưởng, Đại đội 4, Tiểu đoàn 668, Trung đoàn Đường ống 592, Bộ Tư lệnh Trường Sơn (đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12).

Suốt mùa mưa năm 1970, địch đánh phá ác liệt, rải bom từ trường dày đặc để ngăn chặn ta vận chuyển bằng đường sông và làm đường ống.

Tại khu vực sông Sê Bang Hiêng (Lào), Tiểu đoàn 668 đã phát huy nhiều sáng kiến phá bom từ trường và vận chuyển ống sang phía nam sông an toàn. Tuy nhiên khi triển khai rải ống, Trung sỹ Nguyễn Lương Định thấy chưa yên tâm nên đề nghị Đại đội trưởng cho vác ống đi kiểm tra lần cuối, nếu còn bom thì chỉ một người bị. Anh đã tình nguyện làm một “máy dò bom sống”.

Điều anh lo lắng đã xảy ra. Một quả bom từ trường vùi sâu dưới đất đã phát nổ, tung anh lên cao, rồi vùi anh trong đất cùng chiếc ống bị vặn cong queo. Đại đội an toàn, tuyến thông nhưng Nguyễn Lương Định bị trọng thương. Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu cho biết, năm 2023, anh Nguyễn Lương Định đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhận định về bộ đội đường ống, Đại tá Dương Hồng Anh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự nhấn mạnh, năm 1968, bộ đội đường ống có một công trường xây dựng đường ống với hơn 30 cán bộ chiến sĩ và vài trăm công nhân tuyển từ các xí nghiệp của Nhà nước.

Sau 7 năm, bộ đội đường ống đã phát triển lên đến 9 trung đoàn đường ống, 2 trung đoàn công trình, 1 trung đoàn thông tin, 2 nhà máy phục vụ riêng cho ngành và 3 tiểu đoàn vận tải với quân số lúc cao nhất hơn 14.000 người.

Theo Đại tá Dương Hồng Anh, điều quan trọng hơn, bộ đội đường ống đã trưởng thành nhanh chóng về chất lượng. Chỉ trong một thời gian ngắn, bộ đội đường ống không những tiếp thu tốt mà còn vươn lên làm chủ hoàn toàn phương thức vận chuyển xăng dầu hiện đại và nghiên cứu đề xuất giải pháp sáng tạo, phù hợp với điều kiện đặc thù của nước ta.

Để bảo đảm bí mật, an toàn trong hoàn cảnh địch đánh phá ác liệt và yêu cầu sử dụng đường ống tương đối cố định, bộ đội đường ống đã vận dụng thích hợp trong thi công tuyến ống, trạm máy và kho. Ngay từ đầu, chúng ta đã chủ trương chôn lấp tuyến, chôn lấp bể trong kho. Các nhà để trạm bơm được làm theo kiểu nửa nổi nửa chìm. Do đó, có trường hợp bom rơi ngay trong khu kho hoặc nổ cạnh trạm bơm nhưng máy và kho vẫn an toàn.

Dù bị địch đánh phá ác liệt, sự cố thường xuyên xảy ra song bộ đội đường ống vẫn giữ được hiệu suất vận hành ổn định đạt từ 85% đến 97% - một hiệu suất rất cao trong vận chuyển xăng dầu.

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/quyet-dinh-tao-bao-cua-bo-doi-duong-ong-dua-xang-dau-vuot-cua-tu-o-truong-son-2281887.html