Việt Nam và ILO ưu tiên 3 mục tiêu của chương trình việc làm thỏa đáng

Chương trình hợp tác về Việc làm thỏa đáng không chỉ là sáng kiến của ILO mà là chương trình chung do Việt Nam và ILO cùng xây dựng chiến lược thực hiện với những mục tiêu ưu tiên các vấn đề cấp bách.

Ký kết Bản ghi nhớ của khung chương trình hợp tác Quốc gia Việt Nam-ILO về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2026. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các đối tác ba bên tại Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã ký kết “Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam - ILO về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2026”. Theo đó, chương trình đặt ra ba ưu tiên quốc gia gồm: Việc làm thỏa đáng trong chuyển đổi kinh tế; xây dựng hệ thống an sinh xã hội mang tính bao trùm và quản trị việc làm thỏa đáng.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo triển khai Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam-ILO về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2026 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hôm nay 25/10 tại Hà Nội.

Khung Chương trình Quốc gia về Việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2026 là chu kỳ lần thứ tư của Việt Nam kể từ khi Việt Nam gia nhập trở lại ILO vào năm 1992. Sự hợp tác đầu tiên giữa ILO và Việt Nam là vào năm 1994 nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng Bộ Luật Lao động trong bối cảnh Việt Nam hình thành khuôn khổ pháp lý mới để quản trị thị trường lao động trong quá trình Đổi mới.

Ông Lưu Quang Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết trong ba chu kỳ hợp tác vừa qua, ILO đã luôn đồng hành cùng với các đối tác ba bên của Việt Nam triển khai hiệu quả chương trình việc làm thỏa đáng, góp phần thúc đẩy công bằng và tiến bộ xã hội.

Hội thảo triển khai Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam-ILO về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2026. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của ILO được thực hiện thông qua các chương trình, dự án hợp tác, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng chính sách pháp luật về lao động, đào tạo tăng cường năng lực cho các đối tác ba bên ở cấp trung ương và địa phương, cung cấp và chia sẻ thông tin, tài liệu, hỗ trợ công tác nghiên cứu, đào tạo trong các lĩnh vực về việc làm, an sinh xã hội, tiền lương, quan hệ lao động, an toàn lao động, phát triển kỹ năng nghề…” ông Lưu Quang Tuấn nói.

Trong chu kỳ hợp tác lần thứ tư, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đặt trọng tâm vào vấn đề việc làm, phát triển nguồn nhân lực và an sinh xã hội gắn với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, cân bằng giữa mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội, đảm bảo quyền lợi của người lao động, của doanh nghiệp và của xã hội.

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam nhấn mạnh Chương trình hợp tác về Việc làm thỏa đáng không chỉ là sáng kiến của ILO mà là chương trình chung do Việt Nam và ILO cùng xây dựng. Ở mỗi quốc gia, Chương trình hợp tác về Việc làm thỏa đáng sẽ có những nguồn lực và chiến lược thực hiện khác nhau tập trung vào các vấn đề cấp thiết riêng. Trong 5 năm tới, chương trình tại Việt Nam cũng sẽ đặt ra một số lĩnh vực ưu tiên, các chỉ số giám sát và kết quả cụ thể cần đạt được.

Mục tiêu của chương trình được đặt ra là đến năm 2026, người dân Việt Nam, đặc biệt là những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau đóng góp và thụ hưởng một cách công bằng từ quá trình chuyển đổi kinh tế bền vững, toàn diện và đáp ứng giới dựa trên đổi mới sáng tạo, tinh thần kinh doanh, nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và việc làm thỏa đáng.

Ba Ưu tiên Quốc gia của Khung Chương trình Quốc gia về Việc làm thỏa đáng, 2022-2026.

Mục tiêu về an sinh xã hội của chương trình là người dân được thụ hưởng từ các dịch vụ xã hội và hệ thống an sinh xã hội có tính toàn diện, có trách nhiệm giới, nhạy cảm với người khuyết tật, công bằng, chi phí hợp lý và có chất lượng, tăng quyền cho người dân để giúp họ phát huy tối đa tiềm năng của mình...

Chương trình cũng đặt ra mục tiêu người dân được thụ hưởng và đóng góp vào một xã hội công bằng, an toàn và toàn diện hơn dựa trên nền tảng quản trị công được cải thiện, các thể chế phản hồi nhanh hơn, tăng cường pháp quyền, tăng cường bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bình đẳng giới và loại trừ mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Bà Ingrid Christensen cho rằng cần có sự kết nối, phối hợp nhịp nhàng giữa Chương trình hợp tác về Việc làm thỏa đáng với các chương trình mục tiêu quốc gia để có thể góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững./.

Chương trình nghị sự về Việc làm thỏa đáng được Tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phát động từ năm 1999 với 4 trụ cột chính là: tạo việc làm, an sinh xã hội, thúc đẩy quyền của người lao động và đối thoại xã hội. Việc làm thỏa đáng hướng tới mục tiêu không chỉ tạo ra việc làm nhiều hơn, mà còn phải tạo ra việc làm tốt hơn, người lao động được làm việc trong điều kiện lao động tốt hơn, an toàn hơn, được bảo đảm an sinh xã hội, có năng suất và thu nhập cao hơn và đảm bảo sự cân bằng giữa các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội.

Kể từ khi Chương trình nghị sự về Việc làm thỏa đáng được ILO phát động trên toàn cầu, Việt Nam và ILO đã cùng nhau xây dựng và ký kết thực hiện 4 chu kỳ hợp tác cho giai đoạn 2006-2010, 2012-2016, 2017-2021 và 2022-2026.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/viet-nam-va-ilo-uu-tien-3-muc-tieu-cua-chuong-trinh-viec-lam-thoa-dang/904079.vnp