Việc Ecuador đột kích bất ngờ Đại sứ quán Mexico nghiêm trọng đến mức nào?

Quan hệ ngoại giao Mexico - Ecuador đã rạn nứt nghiêm trọng sau khi cảnh sát Ecuador xông vào Đại sứ quán Mexico và bắt giữ cựu Tổng thống Ecuador Jorge Glas. Nhưng ở một khu vực không còn xa lạ với các bê bối chính trị, tại sao vụ việc lại gây ra làn sóng phẫn nộ dữ dội như vậy?

Ông Jorge Glas bị cảnh sát Ecuador bắt giữ và đưa ra khỏi Đại sứ quán Mexico vào cuối ngày 5-4. Trước đó, ông này đã bị kết án về tội hối lộ, tham nhũng và vẫn đang bị điều tra về các tội danh tiềm ẩn khác.

Sau vụ bắt giữ, các nhà lãnh đạo khắp châu Mỹ đã lên tiếng phẫn nộ về vụ việc và Tổng thống Mexico tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ecuador.

Các chuyên gia luật quốc tế và các nhà lãnh đạo trong khu vực cho rằng, động thái này vi phạm luật pháp quốc tế lâu đời.

Natalia Saltalamacchia, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Viện Công nghệ Tự trị Mexico cho biết, hành động bắt giữ người trong Đại sứ quán Mexico của cảnh sát Ecuador tương đương với xâm nhập vào lãnh thổ chủ quyền của Mexico.

Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador gọi vụ đột nhập là “sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và chủ quyền của Mexico”.

Đạo luật mà Tổng thống López Obrador và các nhà lãnh đạo khác đang viện dẫn là Công ước Vienna về quan hệ lãnh sự có từ năm 1963. Nó đặt ra các quy tắc rõ ràng về “quyền miễn trừ ngoại giao”, nhằm ngăn chặn việc chính quyền địa phương xông vào đại sứ quán bằng vũ lực.

Những quy định như vậy được thiết lập nhằm duy trì mối quan hệ ngoại giao lành mạnh trên toàn thế giới và cho phép các nhà ngoại giao thực hiện công việc của mình mà không sợ bị trả thù.

Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý rằng quyền miễn trừ ngoại giao tồn tại để “đảm bảo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính thức thay mặt cho chính phủ của họ”.

Giáo sư Saltalamacchia cho rằng, khi một quốc gia như Ecuador đưa ra quyết định như vậy, họ thực sự đang gây nguy hiểm cho tất cả Đại sứ quán của các quốc gia trên thế giới, bởi hành xử như kiểu luật rừng

Đáng nói, cuộc đột kích vào tối 5-4 là một động thái mà ngay cả chính phủ Ecuador từng tuyên bố là bất hợp pháp.

Hồi năm 2012, chính phủ Anh đã đe dọa đột kích đại sứ quán Ecuador để truy lùng lãnh đạo WikiLeaks Julian Assange, người đang xin tị nạn ở Ecuador.

Chính phủ Ecuador khi đó cho biết: “Chúng tôi vô cùng sốc trước những lời đe dọa của chính phủ Anh đối với chủ quyền của Đại sứ quán Ecuador và việc họ nói có thể dùng vũ lực để vào đại sứ quán”.

“Đây rõ ràng là sự vi phạm luật pháp quốc tế và các giao thức được quy định trong Công ước Vienna”, nhà chức trách Ecuador khẳng định. Và thực tế, chính quyền Anh chỉ dọa chứ chưa thực hiện

Nhưng cũng có ý kiến phản biện. Cựu Đại sứ Ecuador Jorge Icaza đồng ý rằng việc xông vào Đại sứ quán là bất hợp pháp, nhưng bảo vệ “một tên tội phạm đã bị kết án rõ ràng là không đúng đắn, từ quan điểm của các tiêu chuẩn quốc tế”.

Tổng thống Ecuador vào tối 5-4 cũng cáo buộc rằng chính phủ Mexico đã “lạm dụng quyền miễn trừ và đặc quyền được cấp cho cơ quan đại diện ngoại giao” và cấp “tị nạn ngoại giao trái với khuôn khổ pháp lý thông thường”.

Lịch sử cũng ghi nhận một vài sự việc tương tự. Năm 1979, các nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Mỹ ở Iran đã bị bắt làm con tin trong 444 ngày.

Năm 1981, Cuba thực hiện một cuộc đột kích vào Đại sứ quán Ecuador để bắt giữ một số quan chức đang tìm kiếm quy chế tị nạn chính trị.

Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ cũng so sánh vụ đột nhập hôm 5-4 với một vụ việc năm 2022 khi chính quyền Nicaragua “chiếm giữ trái phép” văn phòng của chính họ ở Managua.

Trong khi đó, một số Đại sứ quán cũng bị tấn công và đột kích ở các quốc gia như Lebanon, Argentina, Libya, Indonesia, Thái Lan và phần lớn là do nhóm nổi dậy thực hiện

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viec-ecuador-dot-kich-bat-ngo-dai-su-quan-mexico-nghiem-trong-den-muc-nao-post572585.antd