VIC phá đáy, VN-Index vẫn ổn

Phiên giao dịch cuối tuần sức ép lên VN-Index vẫn rất lớn. Thậm chí lần thứ hai trong buổi chiều nay chỉ số lại tụt xuống dưới mốc 1500 điểm. Đến cuối phiên lại thêm VCB sụt giá mạnh, nhưng cuối cùng thị trường vẫn ổn định, VN-Index chốt được tại 1.501,71 điểm.

Lực bán tại VIC có tín hiệu giảm

VIC xác lập trọn 5 phiên của tuần giảm rất sâu, mất tổng cộng 15,8%. Đây là mức giảm lớn nhất tuần suốt nhiều năm của mã này. VIC dù giảm giá rất nhiều thì vẫn thuộc Top 3 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của VN-Index.

Tuy vẫn giảm nhiều nhưng hôm nay lực bán tại VIC có tín hiệu giảm. Khối lượng giao dịch ở mã này đã giảm 29,2% so với ngày hôm qua. Trong khi đó biên độ dao động cũng hẹp lại đáng kể. Hôm qua biên độ tối đa của giá trong phiên tới 5,26%, còn hôm nay chỉ là 2,58%. Nói đơn giản thì bên bán đã không ép giá VIC mạnh hơn.

Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Khối ngoại cũng có tín hiệu giảm áp lực, khi bán ra 3,61 triệu VIC, mức ròng khoảng 3,27 triệu cổ phiếu tương đương 268,6 tỷ đồng. Phiên trước VIC bị bán tổng cộng 6,15 triệu cổ, mức ròng 5,43 triệu cổ tương đương 452,6 tỷ đồng. Khối này giảm bán một phần cũng giúp thanh khoản nhỏ lại.

Còn quá sớm để nói rằng VIC đã chạm đáy, vì hoàn toàn có thể áp lực bán sẽ lại gia tăng trong tuần tới. Nhà đầu tư đang lo sợ VIC sẽ bị cắt margin, đồng thời có khả năng bị giải chấp do giá giảm quá nhanh. Mức giảm 15,8% trong một tuần là quá sốc đối với cổ đông. Tuy vậy VIC vẫn có thanh khoản và giao dịch rất lớn, tức là vẫn có người đang mua vào. Vì vậy giá giảm đến một ngưỡng nào đó sẽ cân bằng cung cầu là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

VIC đóng cửa tại mốc 81.700 đồng là đã dưới mức đáy của phiên ngày 25/3/2020. Việc phá đáy dẫn đến nguy cơ giá có thể lùi xuống sâu hơn. Mức hỗ trợ kế tiếp của VIC có thể quanh 80.000 đồng, thậm chí là 74.000 đồng.

VIC giảm mạnh dĩ nhiên có tác động lớn đến VN-Index. Cổ phiếu này tạo gánh nặng lớn cho chỉ số ở các nhịp phục hồi. Thêm nữa VCB giảm 1,42%, VRE giảm 3,89% là hai mã giúp VIC kéo lùi chỉ số tới 4,7 điểm, trong khi tổng giảm ở VN-Index hôm nay chỉ là 5,08 điểm. Điều này tiếp tục khẳng định chỉ số đại diện thị trường thực chất là không đại diện thị trường. Dù vậy việc còn nhiều cổ phiếu khác tăng, đã giúp VN-Index vẫn cao hơn mức tâm lý 1.500 điểm.

Cổ phiếu vẫn sinh lời

Phiên giảm hôm nay là phiên mất điểm đầu tiên trong 6 phiên của VN-Index. Tính ra tuần này chỉ số vẫn tăng tới gần 23 điểm. Đó là một điều tương phản với mức giảm 15,8% của VIC.

Đằng sau sự tương phản này là một thực tế tích cực: Phải có nhiều cổ phiếu khác tăng giá mới bù trừ được cho mức giảm mất điểm từ VIC. Vì thế thị trường không hẳn là chỉ tiêu cực.

Lấy ví dụ tuần này, nhóm VN30 vẫn có tới 20 cổ phiếu tăng giá so với cuối tuần trước. Mức tăng cực tốt thuộc về HPG (+11,73%), VJC (+8,94%), POW (+8,93%), GVR (+8,81%). Hay như rổ VN70 (rổ Midcap), có 61/70 mã tuần này vẫn tăng, thậm chí 12 mã còn tăng trên 10% chỉ trong 5 phiên.

Nói cách khác, thị trường tốt hay xấu không hẳn chỉ do VN-Index tăng hay giảm. Đó là thực trạng thị trường hiện tại, khi mức độ phân hóa về giá quá cao. Chỉ số bị kiềm chế từ các cổ phiếu vốn hóa lớn nhưng không có nghĩa là các cổ phiếu khác bị ảnh hưởng.

Đây thực ra là giai đoạn không hề dễ kiếm ăn, nhất là đối với các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm. Những nhà đầu tư mới chỉ quen với việc mua 1 cổ phiếu nào đó rồi chờ giá tăng trên cơ sở nghĩ rằng giá sẽ tăng hoặc dựa trên kỳ vọng của người phím hàng. Kỹ năng xây dựng danh mục, cân bằng danh mục là điều chưa từng được tìm hiểu. Việc đầu tư theo danh mục chính là để cân bằng rủi ro trong những tình huống như lúc này, khi có những cổ phiếu tăng giá sẽ bù đắp cho các cổ phiếu khác thua lỗ. Xây dựng danh mục đầu tư là dựa trên giả định rằng sẽ không phải lúc nào nhà đầu tư cũng chỉ chọn được các cổ phiếu tăng giá, mà xác suất chọn sai luôn lớn hơn xác suất chọn đúng.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/vic-pha-day-vn-index-van-on-100128.html