SJC xin từ bỏ vị thế độc quyền, ngân hàng trông chờ 'đũa thần' TT02

NHNN quyết định thanh tra kinh doanh vàng. Tổng giám đốc SJC muốn bỏ độc quyền vàng miếng vì 'không được hưởng lợi gì'. NHNN đề xuất gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng nữa. Đó là những thông tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Thanh tra kinh doanh vàng

Ngân hàng nhà nước (NHNN) vừa ban hành quyết định về việc thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng.

Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên. Đoàn thanh tra có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Thời gian thanh tra là 45 ngày. Đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra theo đúng quy định của Luật Thanh tra và các quy định có liên quan.

>> Xem thêm: Bộ Công An, Thanh tra Chính phủ cùng Ngân hàng Nhà nước thanh tra kinh doanh vàng

Thủ tướng: Rút giấy phép cửa hàng vàng không xuất hóa đơn điện tử

Chiều tối 16/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp vàng thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trước 15/6, nếu không sẽ bị rút giấy phép.

>> Xem thêm: Thủ tướng: Rút giấy phép cửa hàng vàng không xuất hóa đơn điện tử

Tổng giám đốc SJC muốn bỏ độc quyền vàng miếng vì 'không được hưởng lợi gì'

Tổng giám đốc SJC đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng, bởi từ năm 2012 đến nay, doanh nghiệp không được sản xuất và nhập khẩu vàng nguyên liệu, nên không hưởng lợi từ việc vàng tăng giá mà còn bị mang tiếng trục lợi.

Đồng thời, Tổng giám đốc SJC đề xuất Chính phủ và NHNN cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng bởi vì không có nguyên liệu để sản xuất dẫn tới vàng nhập lậu rất nhiều. Nội dung trên được lãnh đạo SJC nêu tại họp báo thường kỳ về kinh tế, xã hội TP.HCM, chiều 16/5.

>> Xem thêm: Tổng giám đốc SJC muốn bỏ độc quyền vàng miếng vì 'không được hưởng lợi gì'

Nợ xấu tăng nhanh, ngân hàng chờ 'đũa thần' từ Thông tư 02

Tỷ lệ nợ xấu của nhiều ngân hàng trong quý đầu năm tăng nhanh, lên trên ngưỡng 3%, trong đó có những ngân hàng vượt 4%. Tổng số dư nợ xấu của 28 ngân hàng thương mại đã tăng 14,4% so với đầu năm, trái ngược với xu hướng giảm từng ghi nhận vào quý IV/2023. Tỷ lệ nợ xấu trung bình toàn hệ thống ngân hàng thương mại là 2,18%, tăng 0,2 điểm % so với cuối năm 2023.

NHNN vừa đề xuất gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng nữa, tức là sẽ kéo dài đến hết ngày 31/12/2024 thay vì kết thúc vào ngày 30/6 tới đây như quy định hiện hànhVậy nợ xấu có được kìm hãm khi Thông tư 02 được kéo dài đến hết năm nay?

>> Xem thêm: Nợ xấu tăng nhanh, ngân hàng chờ 'đũa thần' từ Thông tư 02

Ngân hàng chuẩn bị đồng loạt tăng lãi suất cho vay?

Sau thời gian dài liên tục "dò đáy", lãi suất huy động tiền gửi từ người dân tại nhiều ngân hàng, bao gồm cả các ngân hàng lớn, gần đây đã đảo chiều đi lên.

Trong đó, có ngân hàng điều chỉnh lãi suất nhiều lần liên tiếp. Mức tăng lãi suất phổ biến từ 0,1-0,4 điểm %. Thậm chí, có nơi tăng lãi suất tới gần 1%/năm so với trước đó.

Nhiều người lo mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng theo làm tăng áp lực tài chính cho người vay.

Nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất huy động tăng gây áp lực đến lãi suất vay nhưng hiện tác động chưa đáng kể. Dù lãi suất tín dụng đã ấm dần nhưng so với nhiều năm trước vẫn chậm và chưa đạt kế hoạch của các ngân hàng. Vì vậy, các nhà băng muốn tăng lãi suất cho vay ở thời điểm này cũng không dễ.

>> Xem thêm: Ngân hàng chuẩn bị đồng loạt tăng lãi suất cho vay?

Lãi suất tăng lên từ đáy, trăm nghìn tỷ quay lại ngân hàng?

Kể từ tháng 4, nhiều ngân hàng đã bắt đầu tăng lãi suất huy động. Trước đó, do nền lãi suất huy động thấp cùng với nhiều yếu tố khác khiến lượng tiền gửi của người dân lần đầu tiên giảm trong vòng hơn 2 năm qua.

Bước sang quý II/2024, lãi suất huy động rục rịch tăng trở lại nhưng theo nhiều chuyên gia, vẫn khó để hàng chục nghìn tỷ đồng của người dân quay trở lại hệ thống các tổ chức tín dụng.

>> Xem thêm: Lãi suất tăng lên từ đáy, trăm nghìn tỷ quay lại ngân hàng?

Soi lãi vay các ngân hàng, lãi suất thấp còn duy trì được bao lâu?

Nhu ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm và nhiều người lo ngại điều này có tác động đến lãi suất cho vay bình quân hay không? Thực tế hiện nay, lãi suất tiết kiệm tăng nhưng lãi suất cho vay vẫn được duy trì ở mức thấp để kích cầu.

Nhiều ngân hàng đã công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay trong tháng 4. Đa số ngân hàng đưa ra mức lãi suất cho vay bình quân giảm nhẹ hoặc không thay đổi so với tháng 3.

>> Xem thêm: Soi lãi vay các ngân hàng, lãi suất thấp còn duy trì được bao lâu?

Fed tiếp tục cứng rắn, tỷ giá liệu có 'dậy sóng'?

Trong phát biểu mới nhất, Chủ tịch Fed cho biết khả năng cao Fed sẽ tiếp tục duy trì lãi suất cao trong thời gian lâu hơn trong năm nay.

Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá đồng USD đã tăng khoảng 4,8%. Đà giảm giá của tiền đồng so với đồng USD cũng đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao khi phát sinh khoản lỗ lớn do chênh lệch tỷ giá.

Áp lực tỷ giá đã đến ngưỡng buộc NHNN hành động quyết liệt hơn. Từ đầu năm đến nay, nhà điều hành đã có nhiều động thái can thiệp, từ phát hành tín phiếu đến bán ngoại tệ giao ngay.

>> Xem thêm: Fed tiếp tục cứng rắn, tỷ giá liệu có 'dậy sóng'?

Ngân hàng nợ xấu trên 3% không được tăng vốn cho công ty con

NHNN vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 51/2018 quy định điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD).

Nhằm đảm bảo an toàn cho TCTD, tránh trường hợp TCTD tăng vốn khi công ty con, công ty liên kết đang hoạt động kém hiệu quả, cơ quan quản lý yêu cầu TCTD phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, có tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ dưới 3%.

>> Xem thêm: Ngân hàng nợ xấu trên 3% không được tăng vốn cho công ty con

Cho vay trực tuyến làm sao để bùng nổ?

Nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh việc số hóa quy trình cho vay vốn, rút gọn thủ tục nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả bên đi vay lẫn bên cho vay. Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khẳng định: “Định hướng lớn mà Ngân hàng Nhà nước tập trung triển khai trong năm 2024 là cho vay trên nền tảng trực tuyến”.

Cùng với xu hướng chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, hoạt động cho vay qua nền tảng trực tuyến đang phát triển mạnh mẽ tại nhiều ngân hàng. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng, hoạt động cho vay trực tuyến vẫn đang đợi một hành lang pháp lý đầy đủ hơn để có thể bùng nổ trong thời gian tới.

>> Xem thêm: Cho vay trực tuyến: Đợi một hành lang pháp lý để bùng nổ

Minh Anh

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/sjc-xin-tu-bo-vi-the-doc-quyen-ngan-hang-trong-cho-dua-than-tt02-d110971.html