Vì sao các nhà khoa học muốn chống lại sự già đi?

Một bài báo vào năm 2013 cho rằng chỉ riêng Mỹ đã có thể tiết kiệm được 7,1 nghìn tỷ đôla trong hơn 50 năm bằng việc can thiệp vào quá trình lão hóa.

Như mọi thứ bạn đọc cho tới giờ này đã chứng thực, các nhà nghiên cứu lão khoa đã đạt được rất nhiều sự tiến bộ vượt bậc để hiểu điều gì xảy ra với cơ thể khi chúng ta già đi.

Nhưng họ gặp một rào cản lớn trong việc biến đổi những điều họ tìm hiểu được thành thứ gì đó có ích trong chữa trị lâm sàng, bởi vì, phần lớn chúng ta - trừ các công ty dược và công ty bảo hiểm - không hề xem tuổi già là một căn bệnh, và do đó không việc gì phải can thiệp đến nó.

Khi không có thị trường xác định, thật khó có động lực cho Big Pharma - người chơi duy nhất có tầm ảnh hưởng thực sự - tham gia vào việc phát triển thuốc. Barzilai và các đồng nghiệp cho rằng, thứ cần thiết để phá vỡ thế kẹt này là những người có thẩm quyền về thuốc phải nhận định rằng lão hóa là một tình trạng y tế có thể can thiệp được - từ đó góp phần trì hoãn dấu hiệu ban đầu của những đau khổ hành hạ người già và làm cạn kiệt ngân sách chăm sóc sức khỏe.

Ảnh minh họa. Nguồn: Hasan Albari/Pexels.

Một bài báo trong tạp chí Health Affairs cho biết vào năm 2013 rằng chỉ riêng Mỹ đã có thể tiết kiệm được 7,1 nghìn tỷ đôla trong hơn 50 năm (và kéo dài thêm 2,2 năm tuổi thọ cho mỗi người) bằng cách can thiệp vào quá trình lão hóa.

“Cái hay của cách tiếp cận này là nó giúp bỏ qua những phiền toái kinh khủng của việc chữa các bệnh liên quan đến tuổi già,” nhà di truyền học David Gems mà ta đã gặp ở Chương 2 cho hay.

“Đầu tiên, một khi các bệnh này đã hình thành thì rất khó điều trị; nhưng đó là khi chỉ nhìn vào một triệu chứng. Mẹ tôi là ví dụ điển hình của việc cố gắng chữa từng căn bệnh riêng lẻ. Sức khỏe của bà rất kém khi về già; bà suýt thì mất vì bệnh tim, và họ phải hết sức cố gắng điều chỉnh thuốc để kéo bà về lại cuộc sống; bà dường như ổn hơn một chút nhưng rồi lại bị ung thư vú và mất trí nhớ.

Do đó, cơ bản là họ điều trị một triệu chứng và triệu chứng khác lại nhảy vào,” ông nói tiếp. “Nhưng nếu nhìn tận gốc rễ của toàn bộ các bệnh lý này, bạn có thể đẩy lùi tất cả chúng - điều mà bạn đã thấy trên các sinh vật mô hình rồi đấy.”

Vào năm 2015, đoàn đại biểu nòng cốt từ TAME, bao gồm Barzilai và Austad, đã đến Silver Springs, Maryland, ngoại ô Washington DC, để trình bày thử nghiệm lâm sàng của họ với FDA. Metformin, an toàn và quen thuộc với tất cả mọi người có mặt, là vũ khí chủ lực; cách thức của họ là cung cấp “chứng cứ quan trọng” chứng tỏ lão hóa là một mục tiêu xứng đáng để nhắm đến.

Cuộc hẹn với FDA quan trọng đến nỗi các đại biểu - toàn các nhà khoa học hàn lâm, không hề có đại diện nào của Big Pharma - đã tập dợt kỹ lưỡng các lý lẽ của họ tại một khách sạn ở gần đó. Nhóm trăn trở về việc làm sao để miêu tả sứ mệnh của họ với metformin, xét đến sự liên tưởng việc nghiên cứu lão hóa với những gã thầy thuốc, lang băm mộng tưởng về sự bất tử - và cả sự kháng cự của những con người bình thường đối với bệnh lý tuổi già.

Cuối cùng, họ quyết định tránh nhắc tới lão hóa như một căn bệnh cần điều trị, thay vào đó, họ nói về “mắc bệnh đồng thời” - nói cách khác, họ mô tả lão hóa như một hội chứng bao gồm một loạt bệnh tật sẽ xảy ra ở giai đoạn sau của cuộc đời.

Và như vậy, nhóm sẽ nói với FDA rằng, nghiên cứu TAME sẽ đo được mức độ nhanh chóng, nếu có, mà mỗi người tham gia sẽ gặp phải một hay nhiều căn bệnh liên quan đến tuổi già (tim mạch, ung thư, mất trí nhớ) hoặc qua đời khi đang trong thử nghiệm. “Thậm chí trong suy nghĩ của chúng tôi, trong tâm trí tôi, lão hóa không phải là một căn bệnh”.

Sue Armstrong/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-cac-nha-khoa-hoc-muon-chong-lai-su-gia-di-post1462120.html