Vi phạm luật giao thông ở học sinh trung học vẫn diễn biến phức tạp

Năm 2023, có khoảng 7,8% số nạn nhân thương vong do tai nạn giao thông ở độ tuổi trẻ em, tương đương với khoảng 900 trẻ em tử vong và gần 1.200 bị thương. Trong đó có gần 1.500 trẻ em là học sinh bậc trung học phổ thông.

Tại Hội thảo Tăng cường vai trò quản lý, giáo dục an toàn giao thông (ATGT) trong các cơ sở giáo dục trung học phổ thông thuộc 29 tỉnh/thành phố trên cả nước diễn ra ngày 27/3, thực trạng trật tự, ATGT tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp trong những năm gần đây đã được đề cập rất thẳng thắn.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Chi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, một nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng đáng báo động trên là do ý thức tham gia giao thông chưa cao, mọi người chưa thực sự hiểu biết và triệt để tuân thủ pháp luật về ATGT, chưa nắm vững quy tắc, kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao nhận thức, ý thức khi tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên và bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục đã có quyết tâm thực hiện và có những giải pháp cụ thể nhằm kiềm chế tai nạn khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông còn diễn biến phức tạp, điển hình là các vi phạm như: phóng nhanh, vượt ẩu, đánh võng, lạng lách, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông; học sinh trung học phổ thông điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe vẫn còn xảy ra.

Một nghiên cứu cũng cho thấy, khoảng 80% số vụ tai nạn giao thông của trẻ em trong lứa tuổi từ 13 đến 18 xảy ra do các em tự điều khiển xe đạp điện, xe gắn máy và cả xe mô tô (khi chưa có Giấy phép lái xe theo quy định).

Hướng dẫn lái xe an toàn từ các chuyên gia của Honda Việt Nam tại hội thảo

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG) cho biết, theo thống kê năm 2023, có khoảng 7,8% số nạn nhân thương vong do tai nạn giao thông là ở độ tuổi trẻ em, tương đương với khoảng 900 trẻ em tử vong và gần 1.200 bị thương và trong số đó có gần 1.500 trẻ em là học sinh bậc trung học phổ thông.

Do đó, việc tăng cường vai trò quản lý, giáo dục ATGT trong các cơ sở giáo dục trung học phổ thông là điều vô cùng cần thiết.

Theo ông Khuất Việt Hùng, trong công tác phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Ủy ban ATGTQG, có việc tổ chức thí điểm khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về quy định pháp luật, về kỹ năng lái xe cho học sinh phổ thông và tổ chức sát hạch như việc cấp giấy phép lái xe để các em thử thực hiện, thực hành các kỹ năng trước khi đủ tuổi cấp giấy phép thật.

Để đối tượng học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, kỹ năng lái xe an toàn khi tham gia giao thông, ông Khuất Việt Hùng cũng đề nghị, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường, cần định hướng, trang bị cho các công dân về đạo đức tham gia giao thông, tư tưởng thượng tôn và tuân thủ pháp luật. Đây là hoạt động hàng ngày, hàng giờ, cần được rèn luyện, nhận thức để hình thành thói quen, hành vi đúng quy định của pháp luật.

Ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến trao đổi, đề xuất tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cũng đề nghị các cơ sở giáo dục cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, giáo dục ATGT cho học sinh, sinh viên. Cần quy định cụ thể việc xử lý kỷ luật phù hợp với những trường hợp học sinh vi phạm ATGT để kịp thời nhắc nhở, giáo dục học sinh và thông báo cho tất cả phụ huynh biết để cùng thực hiện.

Để tăng cường vai trò quản lý giáo dục ATGT trong nhà trường đối với cấp trung học, Ủy ban ATGTQG, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Công ty Honda Việt Nam đã tiếp tục ký kết Chương trình phối hợp “Giáo dục An toàn giao thông cho học sinh, sinh viên” giai đoạn 2023 – 2026 vào ngày 15/9/2023.
Chương trình nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT cho học sinh, sinh viên, góp phần đẩy nhanh hiện thực hóa tầm nhìn của Chính phủ đến năm 2045 “KHÔNG có tử vong do tai nạn giao thông đường bộ” cũng như mục tiêu toàn cầu của Honda “KHÔNG có tử vong do va chạm giao thông liên quan đến Xe máy và Ô tô Honda” vào năm 2050.
Hội thảo ngày 27/3/2024 cũng là một bước đi cụ thể hơn nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình nói trên.

Hoàng Nam

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vi-pham-luat-giao-thong-o-hoc-sinh-trung-hoc-van-dien-bien-phuc-tap-d211743.html