'Nhẹ người' vì chọn học nghề thay vì vào lớp 10 công lập

Khi TP.HCM giảm 6.000 suất lớp 10, một số học sinh quyết định chọn học nghề hoặc đăng ký vào các trung tâm giáo dục thường xuyên để giảm áp lực thi cử và tìm hướng đi phù hợp hơn.

Kỳ thi vào lớp 10 công lập năm nay ở TP.HCM thêm phần căng thẳng khi chỉ tiêu tuyển sinh giảm. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Những ngày này, trong khi các bạn cùng lớp đang căng mình ôn thi vào lớp 10 công lập, Hùng Vinh (học sinh lớp 9 tại quận 5, TP.HCM) lại có phần nhẹ nhàng hơn. Nam sinh chỉ học tập ở mức vừa phải, chủ yếu tập trung ôn thi học kỳ để hoàn thành chương trình lớp 9.

“Từ ngày quyết định học trung cấp sau khi tốt nghiệp THCS, em nhẹ người hẳn bởi không còn áp lực phải đỗ công lập. Với sức học ở mức trung bình như em, học nghề sẽ là sự lựa chọn phù hợp", Vinh nói.

Chủ động chọn rớt lớp 10 công lập

Trước kỳ thi lớp 10 căng thẳng, Hùng Vinh nhận định sức học của em khó có thể đỗ trường công lập, nhất là khi năm nay, thành phố thông báo giảm gần 6.000 chỉ tiêu vào trường công, mức độ cạnh tranh ngày càng cao.

Việc theo học ở trường tư thục cũng không phải là vấn đề với gia đình Vinh. Thế nhưng, nam sinh tự nhận thấy nếu có đỗ, chương trình học văn hóa ở bậc THPT cũng quá sức với em.

Học kỳ 2 năm lớp 9, Vinh trao đổi với bố mẹ, xin bố mẹ cho học trường nghề. Tự đánh giá được lực học của con, bố mẹ Vinh cũng đồng ý, ủng hộ con theo học để phù hợp với sức học, tránh những áp lực không đáng có nếu cứ cố thi vào trường công.

Con đường học nghề đến nay vẫn thường bị "dán nhãn" dành cho học sinh không đủ năng lực đỗ lớp 10 hay theo học THPT. Vinh cho hay em và gia đình không nghĩ vậy. Bố mẹ em làm kinh doanh, nên điều bố mẹ quan tâm là đúng người, đúng việc, đúng kết quả.

“Nếu cứ cố ôn rồi áp lực phải đỗ, chẳng may thi trượt, em sẽ suy sụp từ tinh thần tới ý chí, tự ti về bản thân, bố mẹ em cũng buồn. Vậy nên em và gia đình quyết định rẽ hướng từ sớm", Vinh chia sẻ.

Nam sinh dự tính đăng ký vào một trường trung cấp nghề tại quận Bình Thạnh (TP.HCM). Tương tự các trường THPT công lập, Vinh sẽ học 6 ngày/tuần ở trường. Các buổi sáng, nam sinh học chương trình bổ túc văn hóa, nhưng chỉ gồm 7 môn Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Nếu so với các bạn học theo chương trình phổ thông, Vinh học ít hơn 5 môn.

“Như vậy là quá hợp lý với học sinh có học lực trung bình như em. Các buổi chiều, em sẽ học thêm ngành Tiếng Anh bậc trung cấp ngay tại trường. Ra trường, em sẽ có cả bằng tốt nghiệp THPT và bằng nghề, có thể học liên thông lên cao đẳng và đại học hoặc đi làm luôn", Vinh chia sẻ.

Không riêng Vinh, nhiều học sinh lớp 9 khác cũng chủ động lựa chọn phù hợp hơn với bản thân và điều kiện gia đình thay vì cố lao vào “cuộc đua” trường công.

Hai năm trước, giữa học kỳ 2 năm lớp 9, Hồ Long (17 tuổi, quận 1, TP.HCM) cũng xác định sẽ học hệ Trung cấp, ngành Công nghệ thông tin tại một trường cao đẳng nghề tại TP.HCM khi nhận định cơ hội đỗ vào các trường THPT công lập của thành phố là khá khó.

Đến nay, Long vẫn được bổ túc kiến thức văn hóa nhưng nhẹ nhàng hơn, vừa có nghề “giắt túi”, lại được Nhà nước hỗ trợ học phí, thấp hơn nhiều so với việc học trường tư thục. Sau khi có bằng cấp 3, Long chỉ mất thêm 1-1,5 năm học liên thông lên cao đẳng và 1,5-2 năm tiếp theo để học liên thông đại học.

Tốt nghiệp xong, em còn có cơ hội được tuyển dụng vào các công ty, doanh nghiệp liên kết với trường và có mức thu nhập khá.

Trước đó, mẹ của Long cũng từng không đồng ý cho con đi học nghề. Dù kinh tế gia đình không quá khá giả, chị vẫn muốn con học THPT bởi “nghe có giá hơn”. Sau, chị hỏi ý kiến con cũng như nghe giáo viên chủ nhiệm của con tư vấn, chị cũng nguôi nguôi và phần nào nhận ra việc học nghề sẽ tốt hơn cho con.

Dù học lớp 10 bậc phổ thông hay học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, học sinh vẫn được đối xử công bằng. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Học hệ nào cũng được đối xử công bằng

Nói về việc thí sinh quan tâm và lựa chọn học tại các trung tâm GDTX, GDNN - GDTX, trường trung cấp, cao đẳng, thầy Lâm Minh Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Lê Quý Đôn (TP.HCM) nói rằng theo định hướng phân luồng học sinh sau THCS, các trung tâm GDTX, GDNN - GDTX luôn mở rộng cửa đón học sinh học tập và rèn luyện.

Theo đó, học sinh có thể vừa theo học chương trình giáo dục thường xuyên vừa tham gia các lớp trung cấp nghề (nếu có nhu cầu).

Khi tư vấn tuyển sinh, thầy Trường thường nhận được các câu hỏi từ phụ huynh, học sinh về vấn đề liên quan các môn tự chọn, học phí và thời gian học, thi tốt nghiệp THPT ra sao, bằng tốt nghiệp có giống các bạn học THPT hay không…

Một số học sinh còn nhỏ, định hướng nghề nghiệp chưa rõ ràng nên thầy cũng sẽ tư vấn cho phụ huynh và cả học sinh về câu chuyện tương lai, giúp học sinh chọn tổ hợp môn phù hợp để sau này thi tốt nghiệp THPT và học tiếp lên cao đẳng, đại học.

Với những học sinh còn e ngại học trung tâm GDTX, GDNN - GDTX hay trung cấp, cao đẳng sẽ gặp định kiến, bị chê là học kém, thầy Trường nhấn mạnh rằng học sinh học hệ nào cũng được đối xử công bằng như nhau.

Ngày nay, các trung tâm GDTX, GDNN không còn là nơi chỉ tiếp nhận học sinh yếu kém, mà đã trở thành nơi chào đón các học sinh có định hướng tương lai, nghề nghiệp rõ ràng.

“Các đơn vị luôn mang lại cơ hội học tập và định hướng nghề nghiệp phù hợp cho học sinh. Tùy vào năng lực và năng khiếu riêng, mỗi em sẽ có định hướng về nghề nghiệp riêng cho mình”, thầy Trường nêu quan điểm.

Năm 2024, thành phố dự kiến có gần 116.300 học sinh tốt nghiệp THCS. Trong đó, khoảng 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào hệ thống THPT công lập. Số còn lại tiếp tục học ở các trường tư, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề. Dữ liệu nhiều năm của Sở GD&ĐT TP.HCM cho thấy khoảng 16.000-17.000 học sinh tốt nghiệp chủ động chọn học nghề, trường tư hoặc du học.

Với giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, tức là lớp 10-12, TP.HCM thực hiện theo Đề án 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đề án nêu rằng các thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội phấn đấu từ 2020-2025 phải có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.

Sở GD&ĐT TP.HCM nhấn mạnh rằng đây là giai đoạn định hướng nghề nghiệp với năng lực, năng khiếu để học sinh lựa chọn hướng đi phù hợp. Theo đó, sở đã có những giải pháp hỗ trợ học sinh nhiều cơ hội lựa chọn bên cạnh con đường giáo dục nghề nghiệp.

Giải pháp đầu tiên là phối hợp với TP Thủ Đức, quận huyện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trung tâm GDNN-GDTX tại địa phương. Sở GD&ĐT quản lý các vấn đề chuyên môn đảm bảo kiến thức và chương trình.

Giải pháp thứ hai là nâng cao chất lượng của các Trung tâm giáo dục thường xuyên, GDNN-GDTX. Đây là các cơ sở công lập tạo điều kiện để học sinh có thể vừa học văn hóa nhẹ nhàng và học nghề.

Thái An - Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhe-nguoi-vi-chon-hoc-nghe-thay-vi-vao-lop-10-cong-lap-post1472656.html