Về nơi lưu giữ dấu tích cách mạng bên dòng Gâm

BHG - Ngoài phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, Bắc Mê còn lưu giữ dấu tích cách mạng của dân tộc, đó là Di tích lịch sử cấp quốc gia Căng Bắc Mê. Tọa lạc trên sườn núi Rồng, bên dòng Gâm xanh biếc, Căng Bắc Mê đã và đang trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Khu di tích lịch sử Căng Bắc Mê thuộc địa phận thôn Đồn Điền, xã Yên Cường, có diện tích khoảng 2.500 m2. Được người Pháp xây dựng từ trước năm 1938 gồm hệ thống nhà giam, vọng gác, nhà thông tin. Từ năm 1938, khi phong trào cách mạng ở nước ta phát triển thì thực dân Pháp biến nơi này thành địa điểm giam giữ cán bộ cách mạng, chúng chuyển một số tù nhân chính trị lên đây giam giữ. Lúc này, đồn binh cũ được mở rộng, xây dựng thêm nhà cửa, bốt gác, tường rào để giam giữ tù nhân.

Những dấu tích được lưu giữ bên trong Căng Bắc Mê.

Từ năm 1938 đến năm 1942, thực dân Pháp đã hai lần đưa tù nhân chính trị đến giam tại đây, với số lượng 300 người, các tù nhân chính trị được đưa đến từ các nhà tù Sơn La, Hỏa Lò, Côn Đảo, với nhiều thành phần khác nhau. Trong đó, có nhiều chiến sỹ cộng sản kiên trung, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương như: Xuân Thủy, Trần Cung, Trần Hiệu, Nguyên Hồng... Các tù nhân giam giữ tại đây bị thực dân Pháp ép buộc lao động vô cùng vất vả, như đóng gạch, nung vôi, xây cất nhà cửa, vác đá xây dựng... Mặc dù bị gông cùm, kiểm soát gắt gao cùng với khí hậu vô cùng khắc nghiệt nhưng không làm các chiến sỹ cộng sản nhụt ý chí, trái lại đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh kiên cường.

Đến cuối năm 1945, Căng Bắc Mê được giải phóng cùng với thành công của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại địa phương. Năm 1992, Căng Bắc Mê được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử mà còn đưa Căng Bắc Mê trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho những thế hệ mai sau, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Hà Giang.

Những năm qua, UBND tỉnh, các ngành chức năng và huyện Bắc Mê đã đầu tư trùng tu di tích, phát huy giá trị lịch sử, xây dựng nơi đây thành điểm đến trong hành trình du lịch Hà Giang của du khách thập phương. Đồng chí Ma Văn Tỏe, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết: Căng Bắc Mê có giá trị lịch sử to lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ, vì vậy những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã nỗ lực xây dựng Căng Bắc Mê thành điểm du lịch về nguồn trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di tích. Khuyến khích phát triển dịch vụ lưu trú, ăn uống gắn với xây dựng tour, tuyến du lịch kết nối các điểm đến trong và ngoài tỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.

Các em học sinh tham quan Căng Bắc Mê.

Không chỉ có ý nghĩa lịch sử, Căng Bắc Mê còn là một điểm đến được nhiều du khách yêu thích khi có khung cảnh trầm mặc, rêu phong, cổ kính, đậm dấu thời gian. Đặc biệt, đây là nơi thích hợp để chụp những bộ ảnh nghệ thuật, ảnh dã ngoại độc đáo. Chị Trần Vân Anh, du khách đến từ Thành phố Hà Nội chia sẻ: Đến Căng Bắc Mê, chúng tôi được nghe giới thiệu về lịch sử hình thành Căng, về tinh thần, ý chí kiên trung, bất khuất của các chiến sỹ cộng sản để thêm thấm thía và biết ơn công lao to lớn của thế hệ cha ông đi trước. Ngoài ra, khung cảnh rêu phong, cổ kính nơi đây cũng thu hút chúng tôi lưu lại những bức ảnh đẹp trong chuyến hành trình đến với Hà Giang của mình.

Nhằm tạo điều kiện cho học sinh tham quan, mở rộng kiến thức, giáo dục truyền thống vẻ vang của dân tộc, các nhà trường trên địa bàn thường xuyên tổ chức các hoạt động “về địa chỉ đỏ”, để các em được trực tiếp tham quan, lắng nghe thuyết trình về Di tích lịch sử Căng Bắc Mê. Em Lã Thị Hải Yến, học sinh lớp 12A, Trường PTDT Nội trú THCS và THPT Bắc Mê chia sẻ: “Những tiết học ngoại khóa như thế này khiến chúng em cảm thấy rất lý thú và bổ ích. Thông qua việc tham quan thực tế, những kiến thức lịch sử trở nên rất thân thuộc và sinh động, để lại ấn tượng trong trí nhớ của chúng em. Để từ đó chúng em thêm hiểu và trân trọng truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc; biết ơn sự hy sinh to lớn của các Anh hùng, Liệt sỹ”.

Qua năm tháng, những dấu tích và nhiều hiện vật của Căng Bắc Mê vẫn được chính quyền, nhân dân huyện Bắc Mê lưu giữ, bảo tồn, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Bài, ảnh: YÊN HOA

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202401/ve-noi-luu-giu-dau-tich-cach-mang-ben-dong-gam-698546a/