Về Ninh Bình dự lễ hội đền thờ đức Thánh Nguyễn

Từ xa xưa, trong dân gian đã lưu truyền câu 'Đại Hữu sinh vương, Điềm Dương sinh thánh' để nói về vùng đất địa linh Gia Viễn đã sinh ra vua Đinh Tiên Hoàng và Thiền sư Nguyễn Minh Không - vị Lý Quốc sư được người dân Đại Việt tôn vinh làm thánh, quê quán ở làng Điềm Giang. Tưởng nhớ công ơn to lớn của ngài, nhân dân đã lập đền thờ Đức Thánh Nguyễn và tổ chức lễ hội đền Thánh Nguyễn diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch.

Nhiều ngày trước Lễ hội, người dân địa phương đã chuẩn bị chu đáo mọi công việc bày biện, lau dọn tại Đền.

Hơn 11 năm làm thủ từ, ông Trần Như Diện, xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn luôn cảm thấy vinh dự và tự hào khi được lựa chọn, giao trọng trách trông coi đình. Ông cho biết, chưa ngày nào quên mở cửa đình, hay quên lên chuông dâng nước. Bởi đây vừa thể hiện sự biết ơn đối với Quốc sư Nguyễn Minh Không, cũng là để nhắc nhở nhân dân trong làng ghi nhớ công lao to lớn của Ngài.

Nói về lịch sử của ngôi đền Thánh Nguyễn, ông Trần Như Diện, thủ từ cho biết: Lý Quốc sư Nguyễn Minh Không, tên húy là Nguyễn Chí Thành (1073 - 1141) người làng Điềm, thuộc phủ Tràng An xưa (nay thuộc xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Từ nhỏ, Nguyễn Chí Thành nổi tiếng thông minh, học giỏi, tu nghiệp đắc đạo trở thành nhà sư. Ông có nhiều công lao đóng góp trên các lĩnh vực văn hóa, tôn giáo, chính trị xã hội… trong tiến trình lịch sử dân tộc. Ông đi các nơi truyền đạo, xây dựng nhiều chùa, đúc nhiều chuông to lớn.

Nguyễn Chí Thành còn là thầy thuốc tài giỏi. Năm 1136, vua Lý Thần Tông hai mươi tuổi bị bệnh nặng. Trong cung không ai chữa khỏi, triều đình triệu nhà sư Nguyễn Minh Không vào cung chữa khỏi bệnh lạ cho vua, được vua kính trọng phong là Quốc sư, chức vị cao nhất trong hệ thống tăng quan nhà Lý. Tháng 8 năm 1141, Quốc sư Nguyễn Minh Không mất, người đời sau tôn ông là Đức Thánh.

Ông cũng chia sẻ thêm: đền Thánh Nguyễn không thu vé mà để nhân dân tự do vào cúng lễ và tham quan. Ai công đức, nhà đền sẽ ghi chép và thống kê cẩn thận, để sử dụng khi sửa chữa những hạng mục nhỏ hay những hoạt động khác trong đình. Hàng năm nơi đây thu hút rất nhiều con em địa phương, người đi làm ăn xa và du khách đặc biệt là dịp lễ hội.

Quét dọn khu vực đền thờ chuẩn bị cho Lễ hội.

Ngoài việc trông coi cẩn thận, ông còn chia sẻ và giới thiệu với mọi người về những nét kiến trúc độc đáo của đền và công ơn Quốc sư Nguyễn Minh Không. Đền Thánh Nguyễn quay về hướng Nam, song song với đường vua Đinh hướng về Cố đô Hoa Lư.

Đền được xem như là một di tích thuộc Hoa Lư tứ trấn. Đền tọa lạc trên mảnh đất dài 100m, rộng hơn 40m, tổng thể công trình kiến trúc khá quy mô, được xây dựng theo kiểu nội công, ngoại quốc. Phía trước có vọng lâu, phía sau là gác chuông, ở giữa có tòa Tiền bái. Ngay hai bên vọng lâu có hai di vật cổ từ thời Lý là cây đèn và sách đá của đức Thánh lúc sinh thời.

Để ghi nhớ ơn đức của Quốc sư Nguyễn Minh Không, nhân dân thờ cúng ông tại đền Thánh Nguyễn, thuộc 2 xã Gia Thắng và Gia Tiến. Ngôi đền được xây dựng trên nền chùa Viên Quang do chính Nguyễn Minh Không lập vào năm 1121. Đền Thánh Nguyễn được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1989.

Thông thường lễ hội đền Thánh Nguyễn diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch. Lễ hội chính được tổ chức 5 năm một lần hoặc 10 năm một lần. Vừa di chuyển sau một chuyến đi dài từ Tuyên Quang về quê, chị Vũ Thị Xuyên đã lên đền để sắp lễ, chị chia sẻ: người dân địa phương ai đi xa cũng về đền thắp hương. Đó như một thói quen, một nét đẹp văn hóa tâm linh có từ lâu đời để mọi người nuôi dưỡng lòng biết ơn và tình đoàn kết. Hôm nay tôi đến đây cầu bình an, sức khỏe cho gia đình và cầu cho dịch bệnh mau chóng tiêu tan, nhà nhà khỏe mạnh. Vào dịp lễ hội thì bận mấy cũng cố gắng sắp xếp về tham dự.

Theo ông Tạ Đức Ba, Chủ tịch UBND xã Gia Thắng, dịp lễ hội nơi đây đón khoảng 1.000 người về tham quan, cúng bái. Năm nay, dự kiến lượng du khách đến đông hơn do chính sách mở cửa du lịch sau dịch COVID-19 vì vậy địa phương đã phối hợp, chuẩn bị các phương án để sẵn sàng tổ chức lễ hội an toàn, trang nghiêm, tiết kiệm, đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Đây là dịp để chúng tôi thêm một lần nữa nhắc nhở về truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", ghi nhớ công ơn to lớn của đức Thánh và cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bình an.

Năm nay, lễ hội đền Thánh Nguyễn diễn ra từ ngày từ 7/4 - 10/4 (tức mùng 7 đến mùng 10/3 âm lịch) với nhiều hoạt động đặc sắc. Trong phần lễ chính có tục rước nước từ sông Hoàng Long về đền, tế lục khúc, nam quan, nữ quan…; phần hội tổ chức các trò chơi dân gian, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, TDTT và khu ẩm thực để giới thiệu và quảng bá các sản phẩm dân dã, độc đáo của Gia Viễn đến nhân dân và du khách…

Minh Hải - Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ve-ninh-binh-du-le-hoi-den-tho-duc-thanh-nguyen/d20220406162851281.htm