Đề thi Ngữ văn: Phải phát huy tính sáng tạo trong thời đại ngày nay

Câu nghị luận xã hội đề khảo sát chất lượng lớp 12 (lần 2) môn Ngữ văn ở thành phố Hải Phòng yêu cầu học sinh bàn về sự cần thiết phải phát huy tính sáng tạo trong thời đại ngày nay.

Gợi ý đáp án

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính là nghị luận.

Câu 2. Theo đoạn trích, cách tân thường nảy sinh từ hai động cơ: dị ứng mạnh với cái cũ; khát khao tìm kiếm những giá trị mới.

Câu 3. Ý kiến có thể hiểu như sau: người cách tân chân chính là người đổi mới sáng tạo theo hướng tích cực tiến bộ; dám dũng cảm đối diện với khó khăn thử thách; dám chấp nhận những rủi ro thất bại. Ý kiến thể hiện thái độ trân trọng đề cao người cách tân chân chính.

Câu 4. Cần phát huy sự đổi mới sáng tạo trong cuộc sống. Không ngừng đổi mới sáng tạo để phát triển và khẳng định bản thân. Mọi sáng tạo đều là sự kế thừa và cách tân.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Sự cần thiết phải phát huy tính sáng tạo trong thời đại ngày nay: Sáng tạo là điều cần thiết trong mọi thời đại. Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, đây là một yêu cầu tất yếu.

Sáng tạo giúp con người thoát khỏi trạng thái trì trệ, bảo thủ lạc hậu; thích ứng với đòi hỏi của thời đại mới để đạt được thành công.

Sáng tạo giúp con người vượt qua giới hạn, khám phá tiềm năng, khẳng định giá trị bản thân. Phát huy tính sáng tạo, đem đến những giá trị mới tốt đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội.

Câu 2. Phân tích Sông Đà trữ tình qua đoạn trích trong "Người lái đò Sông Đà".

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận

* Con sông Đà trữ tình

- Góc nhìn từ trên cao xuống:

+ "Dây thừng ngoằn ngoèo": Nhìn từ trên cao thấy dòng sông uốn lượn ở phía dưới trở nên nhỏ bé, vô hại, hiền lành.

+ Điệp ngữ "tuôn dài": Nhấn mạnh, làm nổi bật về độ dài của con sông, mở ra hút tầm mắt người nhìn.

+ "Áng tóc trữ tình": So sánh gây ấn tượng mạnh mẽ, làm nổi bật về sự mềm mại, uyển chuyển, bồng bềnh của mái tóc người thiếu nữ Sông Đà mang vẻ đẹp của một mỹ nhân.

+ Hài hòa với núi rừng Tây Bắc, vẻ đẹp vừa tinh khiết vừa lộng lẫy đan xen cả sự thơ mộng, huyền ảo, hấp dẫn.

+ Màu nước sông biến đổi theo mùa: So sánh làm nổi bật vẻ đẹp riêng biệt, khác lạ, không trộn lẫn với những con sông khác. Sông Đà mỗi mùa mang một vẻ đẹp riêng, gợi cảm và nên thơ

+ Phủ nhận việc con sông bị gọi là sông Đen: niềm tự hào rất riêng, sự yêu quý dành cho con sông.

- Nhận xét chung về nội dung và nghệ thuật: Vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của Sông Đà; tình yêu sâu nặng của Nguyễn Tuân với Sông Đà, thiên nhiên Tây Bắc và quê hương đất nước.

Đoạn trích cho thấy khả năng liên tưởng, tưởng tượng phong phú; sự tài hoa, độc đáo và uyên bác trong cả tính sáng tạo của nhà văn Nguyễn Tuân.

* Nhận xét cái nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Nguyễn Tuân trong đoạn trích

Nguyễn Tuân nhìn thiên nhiên ở phương diện văn hóa thẩm mỹ. Đây là một nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật của nhà văn.

Trong cái nhìn mang tính phát hiện của Nguyễn Tuân, Sông Đà hiện lên như một sinh thể có linh hồn, có tâm trạng cảm xúc mang vẻ đẹp một mỹ nhân.

Sông Đà được Cảm nhận ở nhiều góc độ. Nguyễn Tuân không chỉ thấy vẻ đẹp hùng vĩ của Sông Đà mà còn phát hiện ra vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của nó.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-ngu-van-phai-phat-huy-tinh-sang-tao-trong-thoi-dai-ngay-nay-179240521173441826.htm