Về làng Thị Cấm xem hội kéo lửa, thổi cơm thi

Làng Thị Cấm (nay thuộc phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có hội kéo lửa, thổi cơm thi nhằm tri ân tướng quân Phan Tây Nhạc, một vị tướng từ thời Hùng Vương có công giúp nước.

Trước hội thi, các đội phải chuẩn bị sẵn các vật dụng như chày, cối, rơm, nồi...

Các đội chơi đập dập, tước nhỏ những cây nứa cho dễ dàng bắt lửa.

Theo nghi lễ cổ xưa sẽ đặt ra 4 đội thi, mỗi đội gồm 10 người cùng tranh tài. Thời gian thi từ 11h00 - 12h00.

Hội kéo lửa, thổi cơm thi sẽ có 3 phần chính: kéo lửa, thi chạy lấy nước và thổi cơm. Phần thi chạy lấy nước sẽ do các em có độ tuổi từ 12 đến 14 tuổi đảm nhận.

Đúng 11 giờ, phần thi được tổ chức với nghi thức kéo lửa diễn ra với những chiếc bùi nhùi đã chuẩn bị sẵn cùng rơm.

Đầu tiên, thóc được cho vào cối giã. Thao tác giã gạo phải thật nhanh và khéo.

Gạo sau khi giã được sàng trấu để loại bỏ sạn và vo sạch.

Cùng lúc nước được lấy về đã cho vào nổi đun sôi. Sau đó gạo được bỏ vào nồi để nấu.

Phần thi cuối cùng cũng không kém phần hấp dẫn. Khi nồi cơm vừa cạn nước, các đội thi ủ cơm vào đống than rơm để cơm chín đều.

Đây cũng là lúc không gian mùa xuân vang lừng tiếng trống hội và tiếng reo hò cổ vũ của dân làng cùng du khách, tạo nên khung cảnh vô cùng náo nhiệt.

Là một khách du lịch đã xem Hội kéo lửa, thổi cơm thi làng Thị Cấm được khoảng 6 năm, chị Lê Thị Hường chia sẻ, đây là một lễ hội để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách. Đối với chị Hường phần thi ấn tượng nhất đó là phần kéo lửa, tạo khói.

Sau một tuần hương, các thành viên của ban giám khảo sẽ đi tìm 4 nồi cơm trong rất nhiều đống tro rơm.

Nếu các đội khéo giấu, thời gian ủ cơm sẽ được kéo dài và cơm sẽ chín đều. Nếu giấu vụng, bị giám khảo nhanh tìm thấy thì cơm dễ bị sống.

Khi tìm đủ 4 nồi cơm, giám khảo đưa cơm vào trong đình làng. Ông Bùi Thanh Liêm, thành viên Ban tổ chức Hội kéo lửa, thổi cơm thi làng Thị Cấm cho biết, ông đã tham gia ban tổ chức hội thi từ năm 1996. Đây là một hội thi xuất phát từ lâu đời, mang nét văn hóa truyền thống. Cuộc thi còn giáo dục cho các con, các cháu thế hệ sau này lòng yêu nước, hướng các cháu tới những việc làm, hành động xứng đáng với truyền thống yêu nước của cha ông ta.

Ban giám khảo xới 4 bát dẻo thơm để dâng cúng Thành hoàng làng.

Cơm được đưa vào dâng Thành hoàng làng.

Sau khi dâng cúng Thành hoàng làng, cơm thi của các đội thi đưa ra để chấm điểm công khai trước đông đảo dân làng và kết thúc lễ hội. Với những giá trị văn hóa độc đáo, Lễ hội truyền thống - Hội kéo lửa, thổi cơm thi làng Thị Cấm đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phúc Tài/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/ve-lang-thi-cam-xem-hoi-keo-lua-thoi-com-thi-post1077456.vov