Gìn giữ tiếng khèn Mông trên đỉnh Tà Chử

Việc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thêm một lần nữa khẳng định nghệ thuật khèn của người Mông là một nét văn hóa đặc trưng mang tính biểu tượng đáng tự hào của người Mông sống trên các đỉnh núi vùng Tây Bắc tổ quốc. Tuy nhiên, trước sự phát triển của đời sống, khi các lớp thế hệ nghệ nhân cũ dần mất đi thì nghệ thuật khèn cũng đang đứng trước nhiều nguy cơ mai một. Với mong muốn lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống của loại hình nghệ thuật này, các lớp học truyền dạy cho thế hệ trẻ đã ra đời.

Khèn là một nhạc cụ độc đáo, gắn liền với hình ảnh những chàng trai dân tộc Mông rắn rỏi, tài hoa hiên ngang giữa đại ngàn gió núi, thế nhưng để biểu diễn thuần thục một bài khèn thì lại là chuyện không hề đơn giản.

Một lớp học đơn sơ giữa núi rừng Tây Bắc, tuy chẳng quá đủ đầy về cơ sở vật chất nhưng nơi đây luôn da diết tình yêu và niềm đam mê với cây khèn của nhiều thế hệ người Mông trên đỉnh Tà Chử. Nếu như trước đây nghệ thuật khèn chủ yếu được dạy qua hình thức truyền miệng thì nay thầy giáo ấy đã tự tay biên soạn nên những trang giáo án với 2 thứ tiếng Mông và tiếng phổ thông.

Mất nhiều năm biên soạn giáo án, những tiết học của thầy Thào rất bài bản, có hệ thống và hơn thế ở đó luôn chứa đựng rất nhiều sự tâm huyết để thôi thúc các bạn trẻ vượt qua những khó khăn để gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Tiếng khèn là phần hồn của người Mông, giữ tiếng khèn là giữ bản sắc của dân tộc, chính vì vậy, vượt qua khó khăn vất vả lớp học khèn Mông của thầy giáo Hờ A Thào không chỉ thể hiện lòng đam mê, nhiệt huyết mà còn thể hiện trách nhiệm của ông trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Mông. Nhờ đó, những thanh âm của núi rừng Tây Bắc sẽ mãi du dương, dìu dặt qua nhiều thế hệ tiếp sau.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/gin-giu-tieng-khen-mong-tren-dinh-ta-chu-221796.htm