Vấn đề đáng lo với hải quân Mỹ

Hàng loạt dự án đóng tàu chủ chốt cho hải quân Mỹ bị chậm tiến độ đang đặt ra câu hỏi về khả năng duy trì ưu thế trên biển của lực lượng này trong tương lai.

Mới đây, Breaking Defense dẫn báo cáo công khai của hải quân Mỹ về thực trạng nhiều chương trình sản xuất các tài sản chiến lược như tàu chiến, tàu sân bay, tàu ngầm... bị trì hoãn ít nhất 1-3 năm so với thời điểm ghi trong hợp đồng, tổng cộng khoảng 11 năm. Trễ hẹn lâu nhất là hai dự án tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia phiên bản Block IV và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Constellation, đều phải kéo dài thời gian bàn giao thêm ít nhất 36 tháng. Hay dự án tàu sân bay lớp Ford thứ ba USS Enterprise cũng sẽ trễ hẹn 18-26 tháng.

Đáng chú ý, hải quân Mỹ cũng chỉ được nhận tàu USS District of Columbia-chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) Columbia-từ 12 đến 16 tháng sau thời điểm bàn giao dự kiến ban đầu vào tháng 10-2027. Cần phải nói rằng, tàu ngầm lớp Columbia trở thành dự án được Lầu Năm Góc ưu tiên hàng đầu nhằm thay thế tàu ngầm lớp Ohio với tư cách là lực lượng răn đe chiến lược số một của hải quân Mỹ. Vì thế, đây được coi là vấn đề nghiêm trọng do hải quân Mỹ bắt buộc phải có ít nhất 10 tàu SSBN ở trạng thái sẵn sàng triển khai trong mọi thời điểm. Trong bối cảnh tàu ngầm lớp Ohio sắp bị loại biên, việc dự án tàu ngầm lớp Columbia lùi lịch trình bàn giao sẽ khiến hải quân Mỹ khó có thể đáp ứng được yêu cầu trên.

Lễ đặt ky tàu ngầm USS District of Columbia. Ảnh: General Dynamics Electric Boat

Nguyên nhân được chính quyền Washington chỉ ra là do tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 đối với nguồn nhân lực và chuỗi cung ứng, cũng như bởi tình trạng thiếu đầu tư trong ngành công nghiệp quốc phòng. Thế nhưng, việc các chương trình sản xuất khí tài của hải quân Mỹ bị chậm tiến độ không phải là điều mới. Vào đầu tháng trước, lực lượng này cũng cho biết sẽ lùi thời điểm khởi đóng tàu ngầm SSN(X)-vốn được kỳ vọng giúp xứ cờ hoa thống trị lòng biển nhiều thập kỷ tới-thêm ít nhất 5 năm và sẽ chỉ được tiến hành vào đầu thập niên 2040 do thiếu ngân sách và cần ưu tiên chi tiền cho những hoạt động mang tính ngắn hạn.

Breaking Defense nhấn mạnh, trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Mỹ và giới lập pháp nước này đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quá trình hiện đại hóa với hải quân Mỹ, việc các dự án sản xuất khí tài của lực lượng này chậm tiến độ có thể khiến họ đánh mất ưu thế trước những đối thủ cạnh tranh. Đơn cử, một báo cáo của Lầu Năm Góc đưa ra vào tháng 10-2023 nêu rõ Mỹ vẫn có lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới, song Trung Quốc lại sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới. Hải quân Trung Quốc hiện biên chế 370 phương tiện, bao gồm tàu chiến mặt nước cỡ lớn, tàu ngầm, tàu đổ bộ, tàu rải mìn, tàu sân bay và tàu phụ trợ. Con số này dự kiến tăng lần lượt lên 395 và 435 chiếc vào các năm 2025 và 2030. Trong khi đó, hải quân Mỹ hiện xếp thứ hai với gần 300 tàu. Giới chức nước này lên kế hoạch bổ sung 282-340 chiếc tới năm 2052, qua đó nâng quy mô lên 316-367 chiếc sau khi trừ số tàu dự kiến sẽ “về hưu”.

Hải quân Mỹ đang nghiên cứu khả năng sử dụng phương tiện không người lái để bổ trợ, nhưng chưa rõ liệu loại khí tài này có đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu tác chiến hay không. Cũng có ý kiến cho rằng hải quân nước này có thể “mở cửa” để mua tàu do nước ngoài đóng, thậm chí từ các đồng minh, song điều đó vấp phải rào cản luật pháp hiện hành của Mỹ do lo ngại rò rỉ bí mật công nghệ và mong muốn bảo vệ ngành đóng tàu nội địa. Trước mắt, để cải thiện vấn đề trên, hải quân Mỹ sẽ xây dựng một kế hoạch giải quyết tình trạng suy giảm lực lượng lao động trong ngành đóng tàu, tinh chỉnh lại chiến lược mua sắm và điều khoản hợp đồng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tập trung nâng công suất của nhà máy đóng tàu và thu hút lao động lành nghề, đồng thời tái rà soát ngân sách đầu tư cho các dự án và chi phí phát sinh do sự chậm trễ gây ra.

VĂN HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/van-de-dang-lo-voi-hai-quan-my-772280