Ươm mầm xanh nơi biên giới

Sau khi được tăng cường về Công an xã Đông Sơn, là địa bàn vùng biên giới thuộc huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) công an xã đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn, giúp người dân an tâm lao động, sản xuất. Đặc biệt hơn, các anh còn kết nối với các nhóm thiện nguyện để giúp đỡ, hỗ trợ cho nhiều học sinh nghèo vùng biên giới được đến trường.

Nỗ lực giữ bình yên thôn bản

Đông Sơn là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện miền núi A Lưới, phần lớn diện tích đất nhiễm chất độc dioxin từ chiến tranh, đặc biệt là khu vực sân bay A So. Người dân địa phương đều là đồng bào dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu chủ yếu dựa vào nghề trồng rừng, làm nương rẫy và chăn nuôi, trồng trọt nên cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Thấu hiểu điều này nên khi được phân công về công tác tại đây, các CBCS Công an xã Đông Sơn đã không quản ngại khó khăn, vất vả, vừa nỗ lực bảo đảm an ninh, trật tự địa bàn, vừa động viên bà con dân bản lao động, sản xuất phát triển kinh tế.

Ước mơ có xe đạp đi học của em Trần Hảo Kỳ đã được Công an xã Đông Sơn giúp thành hiện thực.

Công an xã Đông Sơn hiện có 6 CBCS công an chính quy và các anh đều công tác xa nhà, lấy trụ sở Công an xã làm "ngôi nhà thứ hai" của mình. Thượng úy Nguyễn Viết Hùng là cán bộ công tác tại Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị (Bộ Công an) viết đơn tình nguyện đi cơ sở và được điều động nhận nhiệm vụ tại Công an xã Đông Sơn từ giữa tháng 11/2023.

"Sau gần nửa năm gắn bó với đồng bào dân tộc ở xã Đông Sơn, tôi dần hiểu được tính cách, phong tục tập quán, cuộc sống của bà con địa phương. Qua đó, tôi cùng CBCS công an xã đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương một số giải pháp, kết nối với các đơn vị, nhà hảo tâm để hỗ trợ, giúp đỡ bà con địa phương có cuộc sống tốt hơn, nhất là tạo điều kiện cho những em học sinh nghèo học giỏi".

Trung úy Hồ Thành Yến là người Pa Cô, nhà cách trụ sở Công an xã Đông Sơn gần 30 cây số. Anh được phân công làm cảnh sát khu vực phụ trách thôn Ka Vá. Trung úy Hồ Thành Yến cho biết, hiện thôn Ka Vá có 160 hộ dân, trong đó nhiều hộ gia đình có con em nhiễm chất độc dioxin do chiến tranh để lại nên cuộc sống rất vất vả, khó khăn. Vì thế, ngoài công tác tuyên truyền pháp luật, giúp người dân hiểu rõ tác hại và tránh xa ma túy cùng các tệ nạn xã hội; tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, công an xã còn tích cực vận động người dân nỗ lực lao động sản xuất để phát triển kinh tế, thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Vì tương lai cho vùng đất thoát nghèo

12 giờ một ngày giữa tháng 4/2024, chúng tôi theo chân cán bộ Công an xã Đông Sơn tìm đến căn nhà nhỏ của hai anh em ruột Trần Hảo Kỳ (SN 2015) và Trần Văn Kỷ (SN 2017), là người đồng bào dân tộc Pa Cô ở thôn Ka Vá, xã Đông Sơn. Lúc chúng tôi đến, hai em đang ăn vội bát cơm trưa để chuẩn bị đến lớp học. Bữa cơm trưa của hai em chỉ có cơm trắng chan với nước mắm. Căn nhà dựng bằng mấy tấm gỗ, mái lợp bằng tấm lợp fibro xi măng thủng lỗ chỗ và không có bất cứ vật dụng gì đáng giá. Giá trị nhất là tấm giấy khen của em Kỳ.

Ông Trần Văn Phước (ông nội của hai em) không giấu được nỗi buồn: "Do cha mẹ ly hôn và đi làm ăn xa nên từ nhỏ hai cháu được ông bà nội nuôi dưỡng. Vợ chồng tôi nay già cả, chỉ làm có mấy sào ruộng nhưng đất đai ở vùng núi này khô cằn, thiếu nước nên mỗi vụ chỉ thu hoạch được vài bao lúa, không đủ trả tiền thuê máy cày và mua phân bón. Cuộc sống hằng ngày của mấy ông cháu đều phải chạy ăn từng bữa, rất khó khăn".

Thượng úy Nguyễn Viết Hùng, cán bộ Công an xã Đông Sơn cho biết, em Trần Hảo Kỳ hiện đang theo lớp 3/1, còn em Trần Văn Kỷ học lớp 1/2 Trường Tiểu học Đông Sơn. Công an xã đã tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ, kết nối với các nhà từ thiện, nhóm Kết nối yêu thương Hà Nội để trao học bổng "mầm xanh" với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng đến khi hai em học xong cấp tiểu học; đồng thời, tặng nhu yếu phẩm và chiếc xe đạp để giúp hai anh em Kỳ và Kỷ được tiếp tục đến trường theo đuổi ước mơ con chữ.

Trung úy Hồ Thành Yến động viên em Hồ Thị Chu vượt khó học giỏi.

Rời căn nhà của hai em Trần Hảo Kỳ và Trần Văn Kỷ, chúng tôi tiếp tục tìm đến căn nhà của em Hồ Thị Nghế (SN 2010), học sinh lớp 8 Trường THCS Đông Sơn. Lúc chúng tôi đến, Nghế đang tắm cho em gái là Hồ Thị Chu, học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Đông Sơn trước khi hai chị em đến lớp. Nghế chia sẻ, mẹ em là người Lào di cư sang huyện A Lưới và được nhập quốc tịch Việt Nam nhưng giờ đã bỏ về Lào sinh sống; còn cha em đi làm ăn xa tận ở miền Nam. Do đó, hai chị em Nghế phải tự chăm sóc nhau.

"Hằng ngày, sau giờ học, em lên nương rẫy chăm sóc cây lúa, cây ngô; chiều tối về thay mẹ nấu cơm, tắm rửa cho em gái. Em sống một mình trong căn nhà nhỏ này quen rồi, chỉ có em Chu hay khóc vì nhớ mẹ thôi!", giọng của Nghế chùng xuống khi kể về cuộc sống của mình.

Qua nắm bắt tình hình địa bàn và thấu hiểu hoàn cảnh nghèo khó của hai chị em, CBCS Công an xã Đông Sơn đã tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ. Thi thoảng, đến thăm ngôi nhà của Nghế, cán bộ công an xã thường chở theo bao gạo hoặc mang theo chai nước mắm, thùng mì tôm, bánh kẹo cho các em. Mới đây, thông qua sự hỗ trợ của các tấm lòng vàng, Công an xã Đông Sơn và các đơn vị đã tặng học bổng "mầm xanh" cho em Hồ Thị Chu và trao tặng hai chị em Nghế chiếc xe đạp cùng một số nhu yếu phẩm để giúp việc đến trường của các em dễ dàng hơn.

"Từ nhỏ em đã ước mơ có chiếc xe đạp để đi học. Tuy nhiên, do nhà nghèo, cha lại đi làm ăn xa nên em không có tiền mua xe đạp. Nay được các chú công an xã và các cô, các dì trong đoàn thiện nguyện đến tặng xe đạp, em rất biết ơn và rất thích. Mỗi ngày em sẽ dùng xe chở em gái đi học. Em sẽ cố gắng học giỏi để sau này trở thành cô giáo dạy chữ cho các em nhỏ ở thôn bản của mình", Nghế chia sẻ ước mơ.

Thầy giáo Hoàng Quang, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Sơn cho hay, hiện toàn trường có 165 học sinh đều là người đồng bào dân tộc Pa Cô, Cơ Tu. Năm học vừa qua, số học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo của nhà trường chiếm đến 84%. Trong đó, nhiều em có gia cảnh vô cùng khó khăn, phải sống tự lập từ nhỏ do cha mẹ các em đi làm ăn xa quê. Một số trường hợp học sinh có cha mẹ ly hôn, phải sống với ông bà nên rất vất vả.

Theo chương trình giáo dục, các em học sinh của nhà trường đều học 2 buổi mỗi ngày. Do cha mẹ các em bận rộn với công việc mưu sinh, đi nương rẫy nên mọi việc từ ăn uống, vệ sinh, học hành đều do các em tự túc. Thậm chí, nhiều học sinh phải mang cơm trắng, mì tôm sống đến trường ăn trưa để ở lại buổi chiều học tiếp chứ không trở về nhà.

"Để giúp đỡ, động viên các em đến trường, Ban Giám hiệu nhà trường đã tích cực phối hợp với các cấp Đảng ủy, chính quyền địa phương, Công an xã Đông Sơn thực hiện nhiều giải pháp với quyết tâm không để học sinh nào phải bỏ học. Thiết thực nhất là việc cán bộ công an xã đã vận động, kết nối với các đơn vị trao tặng học bổng, xe đạp cho nhiều học sinh của nhà trường để giúp các em được tiếp tục đến trường học tập mà không phải bỏ giữa chừng. Đây thực sự là niềm vui, là động lực đối với các em học sinh nghèo có ý chí học giỏi và là niềm khích lệ để thầy cô giáo nhà trường nỗ lực thi đua dạy dỗ, đào tạo học trò của mình tốt hơn", thầy giáo Hoàng Quang bày tỏ.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen-thong/uom-mam-xanh-noi-bien-gioi-i729258/