GS-TS Nguyễn Xuân Thắng: Kinh phí đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao theo lối 'nhỏ giọt, ăn đong'

GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng kinh phí đầu tư để phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao còn rất hạn chế, được tiến hành theo lối 'nhỏ giọt, ăn đong'.

Đang bộc lộ rất nhiều hạn chế, bất cập

Sáng 12.5, tại cuộc hội thảo văn hóa 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao”, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Qua gần 40 năm đổi mới, từ những thiết chế văn hóa, thể thao nghèo nàn, lạc hậu, nhiều lúc nhiều nơi bị lãng quên, hoạt động khép kín, biệt lập, chúng ta đã xây dựng và phát triển được một hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tương đối toàn diện và đồng bộ”.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, sự vận hành của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện đang bộc lộ rất nhiều hạn chế, bất cập cũng như những nghịch lý, vướng mắc kéo dài.

Ông Thắng nêu, trong những năm qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng kinh phí đầu tư để phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao còn rất hạn chế, được tiến hành theo lối “nhỏ giọt, ăn đong”.

Trong khi nhiều thiết chế văn hóa, thể thao có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật vẫn còn lạc hậu, quỹ đất ít ỏi, chưa đáp ứng yêu cầu, theo ông Thắng, vẫn có một số thiết chế văn hóa, thể thao dù đã được đầu tư rất tốn kém nhưng lại hoạt động kém hiệu quả, thậm chí “bỏ hoang”, gây ra lãng phí lớn.

“Nhiều rạp hát, sân tập và nhà thi đấu thể thao được đầu tư khá hiện đại song do không hoạt động hiệu quả đã nhanh chóng xuống cấp và hầu như phải đóng cửa, ít có thời gian “sáng đèn”; kinh phí hoạt động cho các thiết chế văn hóa, thể thao nhìn chung rất hạn hẹp, nhiều cơ sở chỉ đủ để hoạt động cầm chừng…”, ông Thắng dẫn chứng.

GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng nêu thực tế, chủ trương của Đảng về quan tâm đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao đã rõ, nhưng khi đi vào tổ chức thực hiện thì nhiều địa phương, đơn vị vẫn không biết phải bắt đầu làm từ đâu và phải làm như thế nào.

Nêu rõ thực tế trên, ông Thắng thẳng thắn: “Chúng ta đã thấy, không ít chính sách, quy định của pháp luật vẫn nặng về hướng dẫn chung chung, chưa cụ thể hóa đầy đủ dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm.

Theo ông Thắng, điều này khiến cho nhiều thiết chế văn hóa, thể thao, gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình tiến tới tự chủ tài chính, phải xoay xở “giật gấu vá vai”, thậm chí biến tướng “lách luật” trong việc huy động, phân bổ các nguồn lực và tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật, biểu diễn”.

Thu hút nguồn lực xã hội để phát triển các thiết chế văn hóa

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về luật pháp, cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực văn hóa, ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng cần nhận thức sâu sắc hơn về yêu cầu bảo đảm tính “đồng bộ, khả thi và hiệu quả” trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện luật pháp, các cơ chế, chính sách về huy động, phân bổ nguồn lực cho phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao.

Theo đó, phải tính đúng tính đủ các yếu tố chi phí phát triển của các thiết chế này, gồm: cơ sở vật chất, trang thiết bị, bộ máy tổ chức, nhân sự, kinh phí hoạt động và cơ chế vận hành; phải bảo đảm sự kết nối, liên thông giữa các chính sách, nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao với các chính sách, nguồn lực cho phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác trên cơ sở khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về văn hóa, thể thao của mỗi địa phương và cả nước.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị đánh giá, rà soát hệ thống các quy định về thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay, trong đó có những luật đã ban hành và “liệu chúng ta có cần xây dựng thêm những văn bản quy phạm pháp luật mới, như luật về nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, nghị định về văn học…?”.

Hội thảo văn hóa 2024

Ông Thắng cũng đề nghị cần có các cơ chế, chính sách để thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội cho phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao; hỗ trợ cán bộ làm việc tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa được hưởng lương từ ngân sách nhà nước; có chế độ ưu đãi đào tạo hạt nhân năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao…

Khắc phục hội chứng “phong trào”, “đồng dạng hóa”

Theo GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, phải đổi mới thật sự phương thức tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp trên nguyên tắc “phù hợp, bản sắc, hiện đại”.

Theo đó, cần khắc phục hội chứng “phong trào” và tình trạng “đồng dạng hóa” các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở và một chính sách chung cho tất cả trong việc thực hiện tinh gọn bộ máy, xã hội hóa nguồn lực đầu tư và cắt giảm biên chế cán bộ.

“Khắc phục cho bằng được tình trạng đầu tư và tổ chức các hoạt động để lấy thành tích, mọi nơi đều làm giống nhau mà không tính đến đặc thù của địa phương, điều kiện sinh hoạt, phong tục tập quán, đặc điểm dân tộc, vùng miền, nhu cầu văn hóa, thể thao thật sự của người dân, của các nhóm đối tượng, lứa tuổi”, ông Thắng nêu.

Về tổ chức bộ máy, nhân sự và công tác đào tạo nguồn nhân lực, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị phân tích các quy định về tiêu chí, điều kiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, định mức biên chế, cơ cấu đội ngũ lao động, xác định vị trí việc làm tại các thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay đã phù hợp chưa...

Ngoài ra, cần làm rõ việc sáp nhập và thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao gặp những thuận lợi và những khó khăn, vướng mắc gì. Cần có những chính sách đãi ngộ, phụ cấp, bồi dưỡng, khen thưởng, xét tặng danh hiệu, động viên, khích lệ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên, nhất là những tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao như thế nào cho đúng, hợp lý và thỏa đáng...

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/gs-ts-nguyen-xuan-thang-kinh-phi-dau-tu-thiet-che-van-hoa-the-thao-theo-loi-nho-giot-an-dong-217142.html